Rừng Đăk Nông đang bị tàn phá không thương tiếc. Nhóm phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã lần theo tiếng kêu cứu của những người dân sống cạnh khu rừng này thực hiện loạt phóng sự điều tra về công tác bảo vệ rừng nơi đây. Chuyến thực địa tại các khu rừng tỉnh này đã cho chúng tôi thêm một góc nhìn mới về “lâm tặc”, và thêm những nguyên nhân vì sao rừng còn chảy máu…
Đặt chân lên Tây Nguyên đúng mùa mưa, sự đỏng đảnh của ông trời nhiều khi làm cho con người trở tay không kịp. Đang nắng hầm hập gần 40 độ C, đột nhiên ào ạt mưa…
5h sáng, mọi thứ đã sẵn sàng, nhìn bịch bánh chưng và nước, tôi ngao ngán: “Định cho chúng tôi nằm rừng cả tháng hay sao mà nhiều bánh vậy ạ?”. Bác chủ nhà tủm tỉm: “Phải chuẩn bị đủ cho tầm 2 ngày, mùa này vào rừng hay kẹt vì mưa không ra được phải ngủ lại”…
Mai phục cùng mưa rừng
6h30’, chúng tôi xuất phát từ Quảng Sơn (huyện Đắk Glong) trên 3 chiếc xe máy trong vai dân đi rừng; 9h30’, tiếp cận khu vực bìa của vùng rừng bị chặt phá, và bắt đầu giấu xe để đi bộ. Buổi sáng, rừng Đăk Nông như trong xanh hơn nhờ cơn giông đêm qua, cảm giác mình bị hút sâu vào đại ngàn giữa tiếng chim muông, một lá phổi xanh khổng lồ đang thở ra đầy dưỡng khí làm cho ai lọt vào đây cũng thấy khoan khoái hơn.
Tiến sâu vào rừng mất tầm hơn 2 giờ đồng hồ, gần tiếp cận khu vực bị chặt phá, chúng tôi bắt đầu nghe những âm thanh ào ào lạ tai, nó không giống tiếng ve nhưng lại nghe như hàng tỷ con ve đang tập hợp và gào thét…tiếng cưa xăng trong rừng thẳm nghe thật rùng rợn. Chúng tôi quyết định dừng chân tìm chỗ trú và bàn cách tiếp cận, lúc này tán cây rừng quá dày không thể dùng Flycam để quay, còn đi tiếp thì nguy cơ “ăn” đạn chả biết đâu mà lường.
Sau khi tìm được chỗ an toàn để nghỉ chân, tôi cùng một người dẫn đường bí mật tiếp cận gần hơn với vùng có âm thanh ghê rợn ấy. Qua ống nhòm, có chừng 4-5 người đang thay nhau cắt một cây gỗ lớn tầm 2 người ôm mà họ đã hạ trước khi chúng tôi vào...
Loay hoay mãi mà không thể nào tiếp cận, vì chỉ cần phát hiện có người đang rình thì chưa biết 4-5 con người kia sẽ “xử” 2 chúng tôi như thế nào ở giữa rừng thẳm này, nơi mà một tiếng hú dài cũng chỉ rơi tõm vào không gian sâu, im lặng. 17h, ông trời lại “trở quẻ”, xám xịt như muốn trút cơn thịnh nộ xuống những cánh tay gân gốc đang ghì chặt máy cưa kia. Họ cũng như đoán được ý trời, bắt đầu dừng cưa và lùi xe vào để cẩu những khúc gỗ đã cắt. Để loại xe này có thể vào đây “bắt gỗ” (xe chuyên dùng để kéo gỗ), trước đó, họ đã phát mở hẳn một con đường rất lớn để có thể dễ dàng ra vào.
Con dốc trơn như đổ mỡ sau trận mưa đêm.
Trời bắt đầu mưa nặng hạt và tối sầm, việc của đám lâm tặc đã cơ bản xong để về, chúng tôi cũng bắt buộc phải rút. Khi chúng tôi bám theo chiếc xe chở gỗ nói trên được tầm 3km, quyết định tiếp cận quay hình ảnh gỗ ra khỏi rừng thì bị phát hiện. 2 cậu thanh niên mang cưa xăng chạy sau xe gỗ vọt lên, hét và đuổi theo. Cuộc rượt đuổi kéo dài tầm 5km thì chúng tôi “cắt” được... đuôi. Hú hồn… trốn về tới nhà mà cảm giác như mới chui từ dưới vực sâu lên, cả 5 con người ướt như chuột nhìn nhau cười mà không nói gì,...
Ngày thứ 2, quyết tâm ghi bằng được hình ảnh rừng bị chặt phá, rút kinh nghiệm ngày hôm trước, chúng tôi ở ngoài bìa rừng bay Flycam vào trước để do thám. Hình như do thấy “động”, sáng nay rừng thật yên tĩnh, những cây gỗ cưa dở ngày hôm qua vẫn nằm chỏng chơ đấy. Nhìn từ trên cao, rừng ở đây đã bị chặt phá thành những mảng lớn, như những vết ghẻ loang lổ trên thân thể, làm mất cái vẻ “cường tráng” của một cánh rừng rậm rạp trước đây. Chúng tôi chạy xe thêm một đoạn để vào rừng thì cậu dẫn đường quay lại nói: “Anh nhìn bên trái phía trước bìa rừng…”, theo hướng hất hàm, tôi thấy một người đang vắt vẻo nằm trên khúc gỗ mục dưới tán cây. Cậu dẫn đường giải thích: “chim lợn” đấy, nó theo dõi báo tình hình (nếu có động) cho đội chặt cây”.
Rừng già chảy máu…
Thấy chúng tôi xuất hiện, người đàn ông “gác rừng” ấy cũng đứng dậy, lên xe bỏ đi. Anh chàng dẫn đường có tên G.H. cười nói: “Nó bỏ đi vì chắc thấy các anh bay Flycam, nghĩ là thanh tra, vậy là yên tâm vào rồi, hôm nay nó không cắt đâu”. Quả đúng như dự liệu, suốt quãng đường đi vào khu vực hôm qua, tịnh không một bóng người. Khó có thể diễn tả nổi sự tan hoang tại bãi chặt phá ấy, cây nhỏ thì bị phát để mở đường, bị cây to ngã xuống đè gãy, cây lớn thì ngổn ngang còn mỗi bìa vỏ bị xẻ bỏ lại. Sang một bãi khác gần đó thì than ôi, nhìn như một khoảnh rẫy lớn của người đồng bào, tất cả những gì được gọi là cây trong vòng khoảng hơn 200m2 rừng được hạ xuống nằm xếp lên nhau. Anh T.N. (một người dẫn đường đứng tuổi) nói: “Cây lớn họ sẽ kéo dần ra, còn cây nhỏ họ sẽ chờ khô rồi đốt, đây là dân vào phá để làm rẫy, không ai bắt nên họ phá kiểu này nhiều lắm”… Độ thoáng của khu vực bị chặt phá này rộng đến mức chúng tôi có thể dùng Flycam để quay được cảnh từ trên cao và có thể bay rất xa mà không bị che khuất tầm điều khiển. Nhìn từ Flaycam, chúng tôi phát hiện, chỗ chúng tôi đang đứng cách không xa lối vào khu du lịch thác Lưu Ly, và rất gần chỗ ở của Ban Quản lý rừng. Nơi mà sau này chúng tôi mới biết đó là Đội bảo vệ rừng số 1 của Công ty TNHH MTV Đăk N’tao (chủ rừng).
12h30’, sau khi “mục sở thị” toàn bộ khu vực chặt phá gần 1km2 tại đây, chúng tôi quyết định rút ra để tiếp cận một thảm rừng khác cách đó tầm 7km đường chim bay. Theo phản ánh của đội đi rừng chuyên nghiệp, đây là khu bảo tồn Nam Nung. Nơi đây, nhìn từ Google Map xuất hiện một bãi trắng lớn hiện lên trên nền xanh của rừng, một sự bất thường giữa lõi của đại ngàn. Để tiếp cận gần hơn, chúng tôi phải đi đường vòng mất thêm khoảng 10km từ bìa rừng do vấp phải khu vực rừng bị đặt rào chắn cấm vào. 10km đường rừng độc đạo, tuy có thể chạy bằng xe máy, nhưng sự gian nan khi vượt quãng đường rừng này có lẽ chúng tôi không bao giờ quên. Do tối hôm trước mưa, nên đường đi như được láng mỡ, trơn tuột, suốt cả con đường ngoằn ngoèo chỉ có đúng một cái rãnh do xe máy đi nhiều tạo thành dưới lớp đất cứng. Khi xuống dốc thì không thể phanh mà chỉ có thể cài số 1 và dạng chân ra cản để xe trôi, còn lên dốc thì một người chống gậy lên trước, buộc dây vào xe và cây trên dốc rồi kéo, còn người đi dưới thì đẩy. Thật, cái cảm giác không khác leo cột mỡ là mấy, không tính cả đoàn, riêng xe tôi và cậu G.H. 6 lần… “vồ ếch”.
Đang dừng lại ăn trưa với món bánh chưng, nước suối thì chúng tôi nghe tiếng xe máy phía sau. Đoán chừng không ổn, chúng tôi vội lánh đi. 2 cậu thanh niên ăn mặc sạch sẽ, đeo túi da như từ phố xuống chạy vút qua. Dự đoán 2 người này chạy vào đúng khu vực mình định tới nên chúng tôi nán lại một lúc lâu mới xuất phát.
Dòng “suối sữa” giữ rừng sâu
Khi nhóm đi đến gần một con suối, nước chảy có màu trắng như sữa thì xuất hiện biển cấm vào, chúng tôi đành phải dừng lại và quay ra. Tuy nhiên, có 2 điều rất lạ, tại sao nước suối giữa rừng sâu lại có màu sữa mà không trong suốt như những con suối khác, và một điều nữa là, 2 cậu thanh niên kia biến mất ở đâu khi đã đến vùng cấm, và nếu quay lại thì bắt buộc phải gặp chúng tôi. Trên quãng đường rừng10km cực kỳ khó đi ấy thi thoảng lại xuất hiện những cây gỗ bị chặt, đổ chắn ngang đường, đến cây cầu được bắc sẵn để qua một khúc suối sâu cũng bị ai đó cố tình đánh sập. Theo như giải thích của người dẫn đường, rất có thể đường để vào vị trí kia đã bị cấm hết, còn mỗi lối này không thể cấm nên họ đã cố tình tạo vật cản để mọi người không thể vào.
Đoàn chúng tôi đảo ngược con đường để quay lại, 16h30, lúc này còn cách lối vào rừng tầm 5km, một chiếc xe do đẩy qua suối, cháy bugi chết máy, ông trời lại bắt đầu trêu ngươi, từ đâu kéo tới một bầu trời ùng ục nước. Biết không thể ra khỏi rừng đêm nay, bằng kinh nghiệm đi rừng nhiều năm, G.H. nhanh chân ném xe vào gốc cây và chạy đi kiếm củi khô, chúng tôi ở lại lấy trong bao tải ra một chiếc bạt và cuộn dây tầm 50m để che lều. 39 năm, lần đầu tiên trong đời tôi ngủ rừng. Mưa rừng nhanh tan, nhưng cực lớn, lều của chúng tôi che ngay cạnh lối đi ban ngày, giữa lều có một hòn đá to nhô lên dùng để đốt lửa. Những khúc củi trộn lẫn cả khô và tươi đã giúp nó kéo dài sự leo lét đến tận sáng, 5 chiếc võng được mắc quanh và sát vào nhau. Ngủ rừng đêm mưa, một cảm giác thi vị đầy sợ hãi, và cũng chính hôm ấy, tôi chợt nhận ra, rượu trắng nhắm với bánh chưng chưa bao giờ ngon như thế.
Ai mới là lâm tặc…?
Sau một đêm trải nghiệm ngủ rừng, chúng tôi đến khu vực rừng trên địa phận huyện Đăk Song, thuộc khu vực quản lý của Công ty TNHH MTV Đức Hòa. Tại đây, trên đường vào gần khu vực bị cho là lâm tặc đang chặt phá, chúng tôi gặp ngay 3 người mặc quần áo Kiểm lâm đi ra ngược chiều. Sợ bị lộ nên chúng tôi lầm lũi lẩn đi, thêm tầm gần 1km, tiếng cưa xăng ồ lên nghe rất rõ, quyết tiếp cận bằng được, chúng tôi mang tất cả máy móc đi giấu và tiến thẳng vào khu vực phát ra tiếng máy. 6 người đang cưa, xẻ gỗ ngay tại rừng thành từng lóng vuông vắn và dài từ 2-3m, vờ như đi ngang qua, đưa tay chào và cười, họ cũng chỉ nhìn gật đầu và cưa tiếp như không chút quan tâm. Biết đâu họ đang nghĩ “các chú kiểm lâm vừa ở đây đi thì thiên hạ có ai cũng mặc hết”?
Những lóng gỗ vuông vắn được xẻ xong tại khu vực rừng thuộc Công ty TNHH MTV Đức Hòa quản lý
Ngày hôm sau, Phóng viên làm việc với ông Lê Quang Dần - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông và được biết, khu vực bị tàn phá thấy rõ trên Google Map kia chính là khu rừng phòng hộ Nam Nung được giao cho Tỉnh Đội Đắk Nông quản lý. Phóng viên liền đặt lịch làm việc với Tỉnh Đội trưởng Đắk Nông.
Khi biết nội dung làm việc, đồng chí trực ban tiếp dân tên Hiền cho biết: “Thủ trưởng đang đi kiểm tra diễn tập chưa biết bao giờ về và xin số điện thoại để liên lạc, báo lịch sau”. Hiểu rằng, vấn đề không còn là chuyện gặp hay không nữa, chúng tôi quyết định rời Đắk Nông về thẳng Đà Nẵng.
Chỉ 1 giờ đồng hồ sau, bỗng nhiên có một số điện thoại lạ tự xưng là người ở Đà Nẵng, có quen biết anh em báo chí nên có số và xin gặp tại Đắk Lắk. Bị từ chối, người này mới nói thẳng: “Em là người khai thác quặng ở rừng Nam Nung. Chiều nay, biết các anh lên làm việc bên Tỉnh Đội nên em xin số gọi, anh em giao lưu tý, chỗ đó em làm xong lâu rồi”. Cuộc hẹn bị từ chối, và điều đó cũng kéo theo việc sau gần 2 tháng đặt lịch, thông tin cuộc hẹn làm việc từ Tỉnh Đội Đắk Nông vẫn bặt tăm.
Mặc dù loạt bài: “Rừng Đắk Nông đang bị tàn phá” của chúng tôi chưa thể kết thúc một phần vì sự thiếu hợp tác của một số đơn vị liên quan, nhưng qua quá trình điều tra vụ việc, chúng tôi hiểu thêm rằng, ai mới thực sự đang cùng lâm tặc phá rừng Đắk Nông…!
Bá Thanh (BVPL)