50 năm thống nhất đất nước - Ngày 15/4/1975: Trận chiến ở Phan Rang diễn ra ác liệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 15/4/1975, Bộ Tư lệnh Sư đoàn đề nghị lên Trung tướng Lê Trọng Tấn và Trung tướng Lê Quang Hòa cho Sư đoàn 325 bước vào chiến đấu, giải phóng Phan Rang.

Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận). (Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)
Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận). (Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)

Phan Rang là thị xã của tỉnh Ninh Thuận, cách Sài Gòn 351km về phía Bắc.

Ở đây có sân bay Thành Sơn và hai hải cảng là Tân Thành và Ninh Chữ; có đường huyết mạch số 1 và đường sắt chạy qua, nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền Trung vừa được giải phóng.

Ngày 15/4/1975, Bộ Tư lệnh Sư đoàn đề nghị lên Trung tướng Lê Trọng Tấn và Trung tướng Lê Quang Hòa cho Sư đoàn 325 bước vào chiến đấu.

Được Quân đoàn nhất trí, một phương án tiến công Phan Rang mới được hình thành.

Nghiên cứu phản ứng của địch qua hai ngày Sư đoàn 3 tổ chức tiến công, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 325 và Quân đoàn nhận thấy là địch hết sức chú trọng tận dụng sức mạnh của phi pháo yểm trợ cho bộ binh giữ các trận địa phòng ngự.

Do địa thế đặc biệt của thung lũng Phan Rang, các lực lượng ta từ phía Bắc tiến vào, gần như chỉ có thể triển khai lực lượng đánh Phan Rang trên một hướng nên địch đã dựa vào các điểm cao và địa hình có lợi tổ chức thành các cụm phòng thủ nối tiếp nhau theo trục đường 1.

Khi cụm ngoài bị tan vỡ, địch lùi và giữ cụm trong làm bàn đạp đưa các lực lượng phía sau lên phản công khôi phục lại các trận địa đã mất.

Địch phòng ngự như vậy, chủ trương tác chiến của ta là: tổ chức một lực lượng thọc sâu mạnh, dùng xe bánh hơi kết hợp với xe tăng vận chuyển lực lượng, đánh thẳng theo đường 1 vào chiếm thị xã Phan Rang rồi tỏa ra tiến sang phía Đông chiếm cảng Tân Thành và Ninh Chữ, vít chặt đường biển; theo đường 11 đánh ngược lên phía Tây bắc đánh chiếm sân bay Thành Sơn, cắt đứt đường không; phát triển tiếp xuống phía Nam thị xã Phan Rang khoá nốt đường bộ.

Phối hợp cùng các mũi tiến công của Sư đoàn 3 và các lực lượng địa phương nhanh chóng bao vây, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ đạo quân đồn trú ở Ninh Thuận, giải phóng địa bàn.

Để thực hiện cách đánh này, một trong những yêu cầu hết sức quan trọng là phải hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ.

Ngay trong đêm 15/4, toàn bộ lực lượng của Sư đoàn triển khai lên mặt đường 1.

Quyết tâm của Bộ Tư lệnh Sư đoàn là sử dụng Trung đoàn bộ binh 101 có Tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp 4 phối thuộc làm lực lượng đột phá chủ yếu vào tập đoàn phòng ngự của địch ở Phan Rang. Trung đoàn bộ binh 18 làm dự bị.

Dẫn đầu đội hình tiến công là Tiểu đoàn bộ binh 1 ngồi trên 20 xe tăng, thiết giáp của Tiểu đoàn 4. Số còn lại của Tiểu đoàn 1 ngồi trên xe bánh hơi đi xen kẽ với xe tăng, thiết giáp.

Sau đội hình của Tiểu đoàn 1 là các xe của Sở Chỉ huy nhẹ của Trung đoàn 101 và Sư đoàn 325.

Tiếp sau là đoàn xe chở Tiểu đoàn bộ binh 2 và Tiểu đoàn bộ binh 3, đi cùng có Tiểu đoàn 120 Trung đoàn 284 Sư đoàn cao xạ 673, sẵn sàng bắn máy bay địch bảo vệ đội hình tiến công.

Phía sau đội hình của Trung đoàn 101 là đoàn xe của Trung đoàn 18 luôn ở tư thế sẵn sàng xuất kích khi có lệnh.

Về tổ chức hỏa lực chi viện, Sư đoàn điều một số pháo nòng dài 85 ly và cao xạ 37 ly của Trung đoàn 84 cơ động trong đội hình của Trung đoàn 101, sẵn sàng tổ chức bắn ngắm trực tiếp và bắn máy bay địch bảo vệ đội hình thọc sâu.

Các lực lượng còn lại của Trung đoàn pháo binh 84 tiến lên sát quận lỵ Du Long thiết bị trận địa bắn ở hai bên đường 1. Xe chỉ huy pháo đi cùng đội.

Đến sáng 16/4/1975, quân ta giải phóng hoàn toàn thị xã Phan Rang và tỉnh Ninh Thuận.

Tại Chiến dịch Xuân Lộc, vào ngày 15/4/1975, quân ta chuyển hướng tiến công, ngay sáng sớm, ta sử dụng pháo binh bắn vào sân bay Biên Hòa.

Cùng lúc, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95A tập trung tiêu diệt Chiến đoàn 52 ngụy ở Dầu Giây, thu 12 khẩu pháo và toàn bộ xe tăng của Chi đoàn 3 thiết giáp của địch.

Quốc lộ 1A từ Xuân Lộc đến Bàu Cá bị cắt đứt. Quốc lộ 20 từ ngã ba Dầu Giây lên Túc Trưng ta đã làm chủ hoàn toàn.

Cùng thời gian này, Cánh quân Duyên hải đã đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân; đồng thời, tiến vào khu vực Rừng Lá, uy hiếp trực tiếp Xuân Lộc.

Trong khi đó, tại khu vực Xuân Lộc, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 tiếp tục tiến công, đánh bại các chiến đoàn 43 và 48, tiêu hao nặng Lữ đoàn 1 dù của địch.

Cũng trong ngày 15/4/1975, Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy Khu 9 họp đánh giá tình hình: Trên chiến trường chúng ta thắng lớn có tác động đến địch ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, ý định quyết giữ Cần Thơ của địch đã bộc lộ rõ...

Việc đánh chiếm Cần Thơ, phối hợp với lực lượng đánh chiếm Sài Gòn chưa thực hiện được, vì lúc này Xuân Lộc ta vẫn chưa giải quyết xong.

Với tinh thần tích cực, chủ động tiến công, lực lượng vũ trang Quân khu vẫn liên tục tiến công vào các vị trí, các đơn vị quân ngụy, tạo điều kiện thuận lợi đánh chiếm Cần Thơ sau này.

Ngày 15/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu, trong đó viết: Trong những ngày chiến dịch khẩn trương vừa qua, cán bộ và chiến sỹ nhân viên cơ yếu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cuộc chiến đấu hiện đang tiếp tục và càng gần đến toàn thắng, càng khẩn trương quyết liệt. Nhiệm vụ đảm bảo bí mật chính xác, kịp thời nội dung của các mệnh lệnh... có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

50 năm đất nước thống nhất: Ngôi trường kết hợp giáo dục 2 miền Nam, Bắc

50 năm đất nước thống nhất: Ngôi trường kết hợp giáo dục 2 miền Nam, Bắc

Đi lên từ những ngày gian khó khi quê hương vừa trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt, thầy cô ngôi trường ở Quảng Trị được giao trọng trách hồi sinh sự nghiệp giáo dục trên quê hương, mà ở đó mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương của biết bao chiến sĩ, đồng bào.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.