50 năm Thống nhất đất nước: Lễ kỷ niệm đầy trang trọng và xúc động tại Italy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng nhấn mạnh rằng Chiến thắng Mùa xuân năm 1975 là đỉnh cao vẻ vang trong lịch sử lâu dài và anh hùng của Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

50-nam.jpg
Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm. (Ảnh: Dương Hoa/TTXVN)

Ngày 18/4 (giờ địa phương), Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, với sự tham dự đông đảo của gần 200 người, trong đó có Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Italia Mauro Alboresi, các Đại sứ, Tùy viên Quốc phòng các nước, trong đó có Trung Quốc, Cuba, Nga, Mỹ, các nước ASEAN, đại diện Bộ Ngoại giao Italy, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), đại diện của Quỹ Quốc tế về Phát triển nông nghiệp (IFAD), Trung tâm nghiên cứu quốc tế về bảo tồn và phục hồi tài sản văn hóa (ICCROM) và nhiều tổ chức quốc tế, đại diện các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương Italy, cùng đông đảo bạn bè Italy và quốc tế.

Trong phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng nhấn mạnh rằng Chiến thắng Mùa xuân năm 1975 là đỉnh cao vẻ vang trong lịch sử lâu dài và anh hùng của Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Chiến thắng này đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một chương mới trong lịch sử Việt Nam - chương Độc lập, Tự do, Hòa bình và Thống nhất.

Chiến thắng 30/4 sẽ mãi mãi được ghi nhớ trong lịch sử, khẳng định ý nghĩa to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, kiên cường và khát vọng hòa bình sâu sắc của nhân dân Việt Nam.

Theo Đại sứ Dương Hải Hưng, Việt Nam ngày nay được công nhận là đất nước của hòa bình. Nhắc đến Việt Nam, bạn bè quốc tế nghĩ ngay đến hình ảnh một dân tộc dũng cảm, kiên cường, giàu lòng nhân ái, hết lòng vì hòa bình và mong muốn đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn, hợp tác hơn. Quan hệ Việt-Mỹ ngày nay là một ví dụ điển hình về hòa giải sau chiến tranh và chiến thắng của hòa bình. Từ cựu thù, hai nước đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện.

Trong phần tiếp theo của chương trình, qua video, nhà báo Massimo Loche, nguyên phóng viên chiến trường tại Việt Nam trong những năm 1970, đã từng cộng tác với các báo như l’Unità, Rinascita, l’Espresso và là cựu Phó Giám đốc của kênh truyền hình tin tức Rainews24, đã chia sẻ về những kỷ niệm trong thời khắc lịch sử của Việt Nam.

Ông vẫn nhớ như in vào khoảng hơn 10 giờ sáng 30/4/1975, tiếng pháo nổ vang trời trên đường phố báo hiệu Sài Gòn giải phóng. Theo ông, đó là một ngày tuyệt vời, một ngày đầy niềm vui trên toàn thành phố.

Về phần mình, là con trai thuyền trưởng Luciano Sossai - người đã chỉ huy con tàu Australe xuất phát từ cảng Genova năm 1973 để chuyển thuốc men, nhu yếu phẩm và nông cụ do nhân dân Italy quyên góp cho nhân dân Việt Nam, ông Dimitri Sossai đã nhắc lại những kỷ niệm khó quên trong chuyến đi Việt Nam của cha ông.

Ông cho biết khi cha của ông khởi hành, Việt Nam vẫn còn chiến tranh. Gia đình đã rất lo lắng, nhưng đồng thời cũng vui mừng khi giúp đỡ một dân tộc đang đương đầu với một thế lực hùng mạnh nhất trên thế giới. Kể từ chuyến đi đó, bắt đầu một sợi dây liên kết rất mạnh mẽ với Việt Nam, gắn bó gia đình ông cho đến ngày cuối cùng cha ông còn sống, người đã dành gần như cả đời để hoàn thành một hành trình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân Việt Nam.

Chiến thắng 30/4 cũng tượng trưng cho chiến thắng của chính nghĩa và lương tâm con người. Đó không chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam mà còn của tất cả các quốc gia bị áp bức đang đấu tranh giành độc lập và của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới.

Ông Mauro Alboresi, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Italy, trao đổi với phóng viên TTXVN. (Ảnh: Dương Hoa/TTXVN)
Ông Mauro Alboresi, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Italy, trao đổi với phóng viên TTXVN. (Ảnh: Dương Hoa/TTXVN)

Ông Mauro Alboresi, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Italy nhấn mạnh việc vinh dự được có mặt tại buổi lễ kỷ niệm trọng đại ngày hôm nay, dịp để ôn lại thời khắc cách đây 50 năm đất nước Việt Nam hoàn toàn được giải phóng và thống nhất. Một sự kiện có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với đất nước và nhân dân Việt Nam, cũng như đối với tất cả các dân tộc đã nỗ lực cho cuộc đấu tranh giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc.

Ông Alboresi nói: “Tôi còn nhớ rõ niềm cảm xúc đối với cả nhân dân Italy khi nghe đến tin chiến thắng của Việt Nam. Niềm xúc động đó còn để lại dấu ấn cho đến ngày nay, thông qua các sự kiện, phát biểu, chia sẻ đã được kể lại trong buổi lễ. Tôi nhớ niềm xúc động mạnh mẽ dành cho sự ủng hộ đối với dân tộc Việt Nam, được tập hợp từ rất nhiều bộ phận dư luận. Tôi nhớ rõ khi còn là một thanh niên đã chứng kiến rất nhiều cuộc biểu tình thể hiện đoàn kết, ủng hộ đối với cuộc đấu tranh anh hùng đó."

"Ngày nay chúng tôi luôn quan tâm, chú ý dõi theo những thành tựu của Việt Nam trên con đường phát triển đất nước và nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi đang tận mắt chứng kiến những tiến bộ đạt được, đặc biệt những kinh nghiệm từ quá trình Đổi mới của Việt Nam. Đối với chúng tôi, đó chính là bài học thuyết phục về khả năng hiện thực hóa những mục tiêu đấu tranh cho ước vọng hòa bình, độc lập dân tộc và thúc đẩy công bằng xã hội.”

Tại triển lãm ảnh “Tình đoàn kết và sự ủng hộ của nhân dân Italy với Việt Nam,” những người tham dự đã được ngắm nhìn hình ảnh về các hoạt động phản đối chiến tranh diễn ra ở nhiều thành phố của Italy như Genoa, Reggio Emilia và Rome. Hàng chục nghìn người dân Italy đã xuống đường ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

Trong số hàng cứu trợ nhân đạo mà tàu Australe chuyên chở có những giọt máu quý báu mà hàng nghìn người Italy đã hiến cho người dân Việt Nam. Những nghĩa cử cao đẹp này mãi mãi khắc ghi trong trái tim người Việt Nam như những biểu tượng đẹp đẽ và bền bỉ của tình hữu nghị và sự đoàn kết sâu sắc giữa nhân dân Italy và Việt Nam.

Những người tham dự đã vô cùng xúc động khi Đại sứ Dương Hải Hưng giới thiệu Đại tá Văn Việt Cường, Tùy viên quân sự Việt Nam tại Tây Ban Nha, kiêm nhiệm Italy, cháu nội Đại tướng Văn Tiến Dũng, người chỉ huy chiến dịch Giải phóng miền Nam năm 1975, như sự tiếp nối truyền thống “Lớp cha trước, lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành."

Đại tá Văn Việt Cường nêu bật niềm vinh dự khi được tham dự lễ kỷ niệm đầy ý nghĩa về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để thống nhất hai miền Bắc Nam do Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ huy.

Bày tỏ niềm tự hào về truyền thống và đóng góp của gia đình, Đại tá Văn Việt Cường nhấn mạnh: "Lớp cha ông đã có những cống hiến vô cùng to lớn để xây dựng và bảo vệ tổ quốc đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm và giờ đây chúng tôi, thế hệ tiếp theo của gia đình sẽ cố gắng nỗ lực hơn nữa để làm sao xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vững mạnh và trường tồn."

Ngoài triển lãm ảnh và những hình ảnh và lời ca hào hùng về chiến thắng 50 năm trước, chương trình còn có những tiết mục biểu diễn võ thuật thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam, với màn trình diễn Vovinam, môn võ cổ truyền tiêu biểu, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, của các võ sư và võ sinh Italy nhiều kinh nghiệm thuộc Liên đoàn Vovinam Italia - thành viên chính thức của Liên đoàn Võ cổ truyền thế giới.

Tiếp đó là các tiết mục nghệ thuật truyền thống, mang đậm hồn quê Việt Nam là hát Quan họ và múa nón đầy chuyên nghiệp của các anh, chị thuộc Hiệp hội “Nhịp cầu Văn hóa Italy-Việt Nam,” thể hiện nét văn hiến của dân tộc Việt Nam.

Các tiết mục hát Quan họ, múa nón của các thành viên Hiệp hội “Nhịp cầu Văn hóa Italia-Việt Nam.” (Ảnh: Dương Hoa/TTXVN)
Các tiết mục hát Quan họ, múa nón của các thành viên Hiệp hội “Nhịp cầu Văn hóa Italia-Việt Nam.” (Ảnh: Dương Hoa/TTXVN)

Bà Lê Thị Bích Hường, Chủ tịch Hiệp hội “Nhịp cầu Văn hóa Italy-Việt Nam,” giảng viên tiếng Việt tại Đại học Ca’ Foscari thành phố Venice, bày tỏ niềm xúc động và tự hào khi được biểu diễn trong bầu không khí nồng nhiệt trước đông đảo khách, bạn bè quốc tế.

Bà nói: “Mỗi năm đến ngày kỷ niệm 30/4, tất cả chúng tôi, những người dân Việt Nam và đặc biệt những người sống ở nước ngoài thì luôn luôn hướng về quê hương đất nước. Chính vì vậy, chúng tôi rất xúc động khi được biểu diễn để tỏ lòng tự hào về đất nước Việt Nam, một đất nước nhỏ bé nhưng đã chiến thắng khuất phục được bao nhiêu kẻ thù cường quốc trên thế giới.”

Cảm xúc của những người tham dự như vỡ òa khi kết thúc chương trình, tất cả những người tham gia biểu diễn cùng hòa giọng hát vang bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.”

50 năm sau khi chiến tranh kết thúc và thống nhất đất nước, phát huy những thành tựu của đổi mới và hội nhập quốc tế, kiên định đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, Việt Nam - dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản - quyết tâm thực hiện những đột phá chiến lược và các chính sách quốc gia lớn, mở ra kỷ nguyên phát triển mới.

Theo Dương Hoa-Trường Dụy-Thanh Hải (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

50 năm đất nước thống nhất: Ngôi trường kết hợp giáo dục 2 miền Nam, Bắc

50 năm đất nước thống nhất: Ngôi trường kết hợp giáo dục 2 miền Nam, Bắc

Đi lên từ những ngày gian khó khi quê hương vừa trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt, thầy cô ngôi trường ở Quảng Trị được giao trọng trách hồi sinh sự nghiệp giáo dục trên quê hương, mà ở đó mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương của biết bao chiến sĩ, đồng bào.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.