Dịp 20/10 năm ngoái, tôi từ TP.HCM ra Hà Nội công tác mấy ngày, đang ở khách sạn thì chị gái gọi điện nhờ sang nhà cùng đi với chị vào bệnh viện khám. Vài triệu chứng lạ khiến chị nghi ngờ mình bị ung thư, cần người thân đi cùng cho đỡ sợ. Rất may bác sỹ nói không có gì đáng ngại.
Chúng tôi vừa trở lại nhà vào cuối buổi chiều thì con trai chị cũng về tới. Đứa cháu 25 tuổi của tôi ôm một bó hoa tươi tặng mẹ, nói lời chúc 20/10 rồi xin phép rời đi để tham gia bữa tiệc chúc mừng 20/10 dành cho các đồng nghiệp nữ ở công ty.
Đóng cửa lại sau khi cháu đi, tôi quay vào và giật mình thấy chị gái đang khóc, tay vẫn ôm bó hoa trước ngực. Trước sự hỏi han lo lắng của tôi, chị nói mình khóc vì vui quá, cảm động quá: “Đây là lần đầu tiên nó chúc mừng chị ngày 20/10, lần đầu tiên mua hoa tặng mẹ trong ngày của phụ nữ”.
Nhiều chàng trai bỏ công sức, thời gian và tiền bạc để tổ chức lễ kỷ niệm 20/10 cho người yêu, bạn bè, đồng nghiệp nữ mà chưa từng nghĩ làm điều đó cho mẹ mình. |
Tôi ngẩn người, thấy xót xa cho chị. Những chuyện chị kể về con nhiều năm qua cho thấy cháu tôi biết xin tiền mua hoa, mua quà tặng các bạn nữ từ hồi học lớp 9, nhưng lại bỏ quên mẹ mình. Không hiểu điều gì xảy ra tác động đến nhận thức của cháu khiến cho ở tuổi 25, rốt cục chàng trẻ tuổi đã nhớ ra mẹ mình cũng là phụ nữ.
Có rất nhiều người mẹ như chị tôi, ngày 8/3 hay 20/10 có thể nhận được nhiều hoa, quà tặng và lời chúc từ đồng nghiệp, bạn bè, đối tác... nhưng lại chưa từng là đối tượng chúc mừng của con mình.
Nhiều chàng trai trẻ giống cháu tôi trong quá khứ, là chàng trai ga lăng, chu đáo với người yêu, bạn bè, đồng nghiệp nữ, đầu tư công sức, thời gian và tiền bạc để tổ chức lễ kỷ niệm cho họ nhưng chưa từng nghĩ đến việc làm điều đó cho mẹ.
Thói vô tâm đáng buồn này nảy mầm và phát triển trong những gia đình mà người mẹ là phía chuyên cho, còn con cái ở phía chuyên nhận. Những phụ nữ như chị tôi luôn chủ trương dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho con, nhưng cách họ quên đi bản thân khiến con cái không nhận thức được rằng, mẹ chúng cũng cần nhận được sự chăm sóc, quan tâm và những điều tốt đẹp từ người khác, trong đó có mình.
Sự hy sinh không đúng cách của một số người khiến con họ chỉ biết nhận mà không biết cho. Sau này lớn lên, bước ra đời, nhiều đứa con học được điều đó từ xã hội, nhưng lại chỉ áp dụng với người ngoài trong nỗ lực thích ứng với cuộc sống chứ không hướng đến mẹ mình, người mà trong mắt chúng đã quen nhận về mình sự thiệt thòi.
Như chị tôi, trong mắt con cái luôn là nữ cường nhân, là bà tiên vạn năng, có thể xử lý mọi vấn đề mà không cần ai hỗ trợ. Chồng qua đời lúc con trai đang học lớp 10, chị chưa một lần than thở khi một mình tiếp tục hành trình nuôi dạy con gian khổ, cho đến lúc nó thành tài, kiếm được việc lương cao.
Con chị chỉ cần ăn, học và tận hưởng những niềm vui tuổi trẻ. Ngay cả lúc nghi mình mắc bệnh hiểm, chị cũng tranh thủ lúc đứa em gái ra Hà Nội công tác để nhờ đưa đi khám chứ không hề nghĩ đến việc bảo con trai đưa đi. Những lần tôi góp ý, chị bảo tình thương cha mẹ dành cho con là vô điều kiện, sao lại tính toán, so đo chuyện cho và nhận.
Đành là vậy, nhưng vì những đứa trẻ không được dạy cách làm thế nào để xứng đáng với tình yêu lớn ấy nên vào những dịp như 20/10 hay 8/3, khi cả mạng xã hội lẫn đời thực rộn ràng náo nhiệt các hoạt động tri ân, tôn vinh, chăm sóc phụ nữ, người mẹ bị con cái đặt ra ngoài cuộc. Hoa hay quà là để dành cho một nửa thế giới, nhưng không bao gồm mẹ họ.
Dù không đòi hỏi sự báo đáp, nhưng rõ ràng chị tôi hạnh phúc vô cùng khi nhận được bó hoa 20/10 con trai tặng. Rõ ràng giọt nước mắt của chị ngoài niềm vui sướng còn có cả chút ngậm ngùi, tủi thân vì bị con "bỏ quên" nhiều năm qua. Cũng là một người mẹ, trong dịp 20/10 này, tôi chỉ ước những người trẻ tuổi hãy thôi vô tâm, đừng chỉ ga lăng, chu đáo với các cô gái mà quên mất rằng mẹ mình cũng là phụ nữ.
Và những người mẹ, chúng ta cũng đừng tạo ra những đứa trẻ vô tâm bằng sự bảo bọc và hy sinh vô lối của mình.