11 kỹ năng con bạn phải biết khi vào lớp 6

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu con sắp lên cấp 2 mà sáng nào bố mẹ vẫn phải gọi dậy thì có thể bạn đang làm hỏng tương lai của trẻ mà không biết.

"Chúng ta đang làm hộ con quá nhiều. Bố mẹ có ý tốt nhưng khi giúp con quá mức, chúng ta khiến con mất đi cơ hội học hỏi những điều thực sự quan trọng để bước vào thế giới thực khi làm người lớn", Julie Lythcott-Haims, cựu phụ trách sinh viên năm nhất tại Đại học Stanford (Mỹ), tác giả cuốn sách về nuôi dạy trẻ thành công, nói.

Là mẹ của hai con đang học trung học, Lythcott-Haims đã chia sẻ với các phụ huynh rằng cha mẹ hãy thôi không làm hộ con những việc dưới đây và dạy trẻ các kỹ năng này trước khi vào trung học, theo Parenting:

 

Giáo sư Julie Lythcott-Haim chia sẻ về việc bố mẹ nên ngừng thay con quá nhiều nếu muốn trẻ lớn lên thành công tại một buổi trò chuyện với các phụ huynh. Ảnh: Ted.
Giáo sư Julie Lythcott-Haim chia sẻ về việc bố mẹ nên ngừng thay con quá nhiều nếu muốn trẻ lớn lên thành công tại một buổi trò chuyện với các phụ huynh. Ảnh: Ted.

Nấu một bữa ăn

Khi bước vào trung học, trẻ có khả năng tự phục vụ bản thân mọi việc nếu phải làm. Điều này không có nghĩa là bố mẹ ngừng nấu bữa tối cho con nhưng hãy dạy con biết nấu ăn, để con có thể tự làm bữa sáng, thậm chí cả bữa trưa cho chính mình.

Khi nhà có chuyện, chẳng hạn như ông bà ốm và bố hoặc mẹ phải đến chăm sóc, bạn sẽ muốn con biết sáng tự dậy nấu và gói thức ăn để trưa mang đi hay lại ngồi trông chờ người khác? Càng lớn, trẻ càng cần phải tự biết lo cho bản thân và các con hoàn toàn có khả năng làm việc đó.

Thức dậy mà không cần ai gọi

Trước khi lên lớp 6, trẻ phải tự biết thức dậy đúng giờ, chủ động vệ sinh cá nhân và mặc quần áo đến trường. Quá nhiều bố mẹ vẫn đang làm thay con việc này. Chúng ta đặt đồng hồ báo thức, gọi con dậy và khi con bị muộn, bố mẹ lại chở con đến trường. Tất cả những gì chúng ta dạy cho con là: Không cần lo gì, bố mẹ sẽ làm hết cho.

Có sinh viên còn được bố mẹ lắp cả webcam ở trong phòng ký túc để đánh thức con dậy mỗi sáng. Làm vậy nghĩa là bố mẹ đã thất bại. Chúng ta cuồng điểm số và làm thay mọi việc để con lao vào học. Cách đó chỉ phá hỏng tương lai của trẻ.


 

 ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Giặt giũ

Khi dạy trẻ tuổi teen các việc nhà như giặt đồ, chúng ta phải cẩn thận đừng gắt gỏng và khiến trẻ cảm thấy tự ti vì mình chưa biết cách làm những việc này. Nếu trẻ chưa học được là vì bố mẹ chưa dạy. Hãy làm mẫu, hướng dẫn, xem con làm một lần và để con tự xoay sở việc này.

Hợp tác và hỗ trợ người khác

Nhiều người trẻ đi làm chỉ chăm chăm vào việc được phân công, không bao giờ chủ động đóng góp ý kiến cho tập thể hay có tinh thần hợp tác làm việc nhóm, hỗ trợ người khác. Đó là hệ quả của việc khi còn nhỏ, trẻ không tham gia việc nhà, không giúp gì cho bố mẹ trong gia đình.

Trẻ cần học cách góp sức cho cái chung. Hãy dạy con biết chia sẻ và giúp đỡ các việc nhà khi anh, chị em của mình bị ốm hay bận việc. Điều này sẽ giúp trẻ biết mình làm mọi việc không chỉ vì bản thân mà có thể làm cho người khác.

Tự biết bảo vệ quyền lợi của mình

Có nhiều phụ huynh gọi cho cả giảng viên đại học để phàn nàn về điểm của con. Hãy ngừng làm việc này ngay khi con vào trung học. Thay vì vậy, hãy dạy con cách đối thoại với những người có quyền và tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Bạn có thể bảo con: "Xem này, mẹ biết con rất thất vọng về điểm số (hay đang bực vì việc đã xảy ra trong đội bóng...). Con cần là người đi nói chuyện với giáo viên một cách tôn trọng và lên tiếng cho bản thân". Nếu trẻ tỏ ra hoang mang, hãy nói: "Con có thể làm được. Con có muốn thử tập duyệt trước với mẹ không". Cách duy nhất để dạy con là hãy tránh ra và để con tự làm việc đó.

Ngoài ra, cần chuẩn bị cho trẻ biết lắng nghe những gì người khác nói và hiểu rằng ý kiến đó có thể khác mình. Nhiều khi trẻ sẽ không đạt được kết quả như ý muốn và như vậy chẳng sao cả bởi con đã cố gắng.

Tự chuẩn bị vật dụng

Hãy nhớ rằng chiếc cặp sách bây giờ của con sau này sẽ là chiếc ca táp xách đi làm. Nếu bạn cứ thay con chuẩn bị đồ dùng học tập vì sợ trẻ quên thứ này, thiếu thứ kia thì con sẽ không học được cách chịu trách nhiệm nhớ các vật dụng của mình. Bạn có muốn đứa con hơn hai mươi phải hỏi mẹ: Con cần mang gì đi làm: Ví, chìa khóa, bữa trưa, máy tính xách tay...?

Gọi món khi ăn hàng

Kỹ năng này thật ra nên được dạy sớm hơn. Cách rất đơn giản, khi đi ăn ở nhà hàng, hãy để cho con lựa chọn món ăn, xem giá, gọi đồ cho riêng trẻ hoặc cả gia đình.

Hãy nhắc con nhìn vào mắt người phục vụ, nói lịch sự khi đưa ra các yêu cầu và biết cảm ơn. Một ngày không xa, trẻ sẽ đi ăn ngoài với bạn bè hoặc bạn khác giới và trẻ sẽ cần có kỹ năng này, không chỉ để gọi đồ ăn mà cả ghi điểm với người khác nhờ thái độ lịch sự, tôn trọng.

Trò chuyện với người lạ

Trong cuộc đời, ai cũng gặp vô số người lạ. Chúng ta biết như vậy nhưng lại nhắc con "chớ nói chuyện với người lạ". Thay vì vậy, hãy dạy con phân biệt một số ít những người lạ đáng ghê sợ trong số rất nhiều người lạ bình thường. Đó là một kỹ năng cần học.

Sau đó, hãy cho con ra thế giới bên ngoài để trò chuyện với người lạ - những người an toàn. Lythcott-Haims dạy các con mình kỹ năng này bằng cách để con đến một cửa hàng gần nhà mua đồ lặt vặt và nhờ người bán hàng trợ giúp.

Đi mua đồ tạp hóa

Nếu con bạn đã 13 tuổi và bạn chưa bao giờ để con rời tầm mắt trong siêu thị thì có vẻ bạn đã bảo vệ thái quá con. Hãy để con xách giỏ và tự đi chọn 5-6 món đồ cần mua. Trẻ tuổi teen sẽ không bị bắt cóc ở siêu thị hay cửa hàng tiện lợi.

Lên kế hoạch cho một buổi đi chơi

Bất cứ khi nào con đủ tuổi để đi chơi nhóm, hãy để trẻ tự lên kế hoạch. Giáo sư Lythcott-Haims nói rằng bà rất thoải mái với cô con gái 12 tuổi khi con đi chơi, xem phim với bạn bè. Bố hoặc mẹ có thể đưa, đón trẻ nhưng mọi việc khác, từ mua vé, mang tiền mua đồ ăn vặt các con đều tự làm. Việc này đơn giản nhưng là cách giúp trẻ biết cách tổ chức các hoạt động của mình khi lớn lên.

Tự bắt xe công cộng

Nhiều người lo sợ con có thể gặp các nguy cơ khi tự bắt xe công cộng nhưng thực tế là bạn không thể cứ mãi chở con đi bất cứ nơi đâu trẻ cần. Thay vì thế, hãy hướng dẫn con các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông công cộng, đi vào giờ nào, điểm đón, điểm dừng, có thể nhờ ai trợ giúp... Hãy để con làm việc này và bạn sẽ thấy trẻ thực hiện đơn giản thế nào.

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.