20 giờ 30 phút tối 25-8, tàu cứu nạn Sar 412 đã đưa 7/10 ngư dân gặp nạn trên biển vào đêm 23-8 về đất liền an toàn. Hàng trăm người thân và chính quyền các cấp đã không kìm được cảm xúc. Ba người còn lại hiện đang được chăm sóc sức khỏe ngay trên đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
Ngay sau khi tiếng còi tàu cứu hộ hụ vang, cả khu vực chân cầu cảng của Trung tâm cứu hộ hàng hải khu vực 2 vỡ òa trong tiếng khóc vui sướng khi những ngư dân bị nạn lần lượt được đưa lên bờ. Sáu xe cấp cứu được điều đến để đưa những người bị nạn đến thẳng bệnh viện. Ông Trần Văn Long, giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II, cho biết sau ba ngày sóng to gió lớn, các lực lượng cứu hộ dù đã làm hết sức mình nhưng việc tìm kiếm vẫn vô vọng.
Điều kỳ diệu từ biển
Thế nhưng điều kỳ diệu của biển đã đến. 18 giờ 20 phút tối 25-8, trực ban trung tâm nhận được một thông báo: “Tàu cá ĐNa 90072 của ngư dân Lê Văn Linh (trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã phát hiện và cứu được bảy ngư dân khi họ đang trôi lênh đênh trên biển. Một lát sau tin vui lại đến khi một tàu khác của ngư dân Quảng Nam phát hiện và cứu được thêm ba ngư dân khác đang nằm lả trên thúng chai”.
20 giờ 30 phút tối 25-8, tàu cứu nạn Sar 412 đã đưa các ngư dân bị nạn trên biển |
“Ba người còn lại nhờ sức khỏe tốt nên được bố trí về sau. Hiện họ đang ở lại với tàu cứu hộ Sar 2701 trên đảo Cù Lao Chàm”- ông Huỳnh Vạn Thắng, phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng, cho biết.
Vẫn chưa hết bàng hoàng sau hơn 50 giờ trôi dạt trên biển, vừa bước chân lên đất liền, ngư dân Huỳnh Văn Tự giọng thều thào: “Chiều 23-8, khi đang đánh cá trên vùng biển cách đất liền khoảng 30 hải lý, anh em nhận được thông tin bão sắp vào. Lúc này gió bắt đầu nổi lên, thuyền trưởng cho tàu chạy về phía biển Cù Lao Chàm lánh nạn. Nhưng chỉ chạy được một đoạn thì tàu bị chết máy. Gió thổi mạnh, từng con sóng cao ngất ngưởng đập mạnh vào thân tàu. Quá lo sợ, anh em điện về cầu cứu”.
Sự can trường đã cứu họ
Ông Tự kể tiếp: “Đến chiều tối, tàu cứu nạn Sar 412 đã tiếp cận được với tàu của chúng tôi. Sau ba lần quần thảo tiếp cận để đưa ngư dân qua tàu cứu hộ nhưng không thành buộc lực lượng cứu hộ phải bắn súng dây rồi kéo tàu chúng tôi vào. Tuy nhiên, khi kéo đi được khoảng vài hải lý, sóng biển đánh dữ dội khiến dây néo giữa hai tàu đứt đôi. Chưa kịp hoàn hồn, chỉ ít phút sau một con sóng lớn đã đánh úp khiến tàu cá bị chìm, chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với tàu cứu hộ từ lúc đó”.
“Lúc này trên tàu có một chiếc thúng chai, anh em nhường “quyền sống” cho hai em nhỏ tuổi nhất là Nguyễn Thanh Toàn (19 tuổi) và Trần Văn Sen (15 tuổi). Sau khi đẩy hai đứa xuống thúng, anh em chúng tôi hô nhau nhảy xuống biển. Giữa đêm tối, anh em bấu víu lẫn nhau rồi kết thành một tấm phao lớn mặc cho con sóng đánh trôi tự do trên biển. Tuy nhiên, anh em chỉ bám nhau được một lúc thì tất cả dây kết bị đứt. Mỗi người chia nhau một chiếc phao nhỏ rồi từ đó sóng đánh dạt đi đâu thì đi. Cả 10 anh em trôi lênh đênh trên biển suốt 50 giờ, cho đến chiều tối 25-8 thì được tàu cá vớt lên” - ông Tự nhớ lại.
Theo đại tá Dương Đề Dũng- chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Đà Nẵng: “Chính sự can trường của ngư dân đã cứu lấy họ. Mặc dù chúng tôi đã huy động tổng lực lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp từ tàu thủy đến máy bay nhưng cuối cùng chính các ngư dân là những người tìm thấy đồng đội của mình”.
Theo Tuoitre