Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương giàu đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 6 năm hình thành và phát triển, Ban Liên lạc những người hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến tỉnh Gia Lai (gọi tắt là Ban Liên lạc) đã tập hợp được trên 600 thành viên, gấp hơn 3 lần năm 2010, đang sinh hoạt trong 12 chi hội.

  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu của Ban Liên lạc. Ảnh: T.N
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu của Ban Liên lạc. Ảnh: T.N

Theo thống kê có thể chưa hoàn toàn chính xác, nhưng những con số sau đây đủ nói lên những điều mà tôn chỉ mục đích, nguyên tắc tổ chức, phạm vi hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Liên lạc đã được cấp có thẩm quyền cho phép trong bản quy chế được các lần Đại hội đại biểu Ban Liên lạc thảo luận đề ra và bổ sung sửa đổi, trong số thành viên nói trên, 69% là đảng viên; 59% là cựu chiến binh; 52,6% là thương-bệnh binh; 84% là cán bộ hưu trí, mất sức; 68% là người cao tuổi... Họ là những người trong cuộc, tự nguyện gia nhập tổ chức, tự nguyện làm những điều mà tổ chức đề ra-những việc làm có ích cho mình, cho đồng đội và cho mọi người.

Trong Đại hội đại biểu lần thứ III diễn ra hồi trung tuần tháng 12 vừa rồi, Ban Chấp hành Ban Liên lạc khóa II đã đánh giá những kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ 2013-2016 là rất đáng ghi nhận. Theo đó, Ban Liên lạc đã tổ chức nhiều hoạt động tự nguyện như việc tập hợp, đoàn kết hội viên, động viên, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; thăm và viếng các hội viên khi ốm đau, qua đời với 323 lượt hội viên. Trong số đó có 27 hội viên do già yếu, bệnh tật qua đời, với số tiền từ quỹ của Ban Liên lạc là hơn 47 triệu đồng. Việc làm ấy tuy nhỏ nhưng đã là nguồn động viên to lớn đến hội viên và gia đình, người thân của họ, thể hiện tấm lòng của đồng đội, đồng chí. Cuộc chiến tranh giải phóng và thống nhất nước nhà đã lùi xa, nỗi đau về thể chất có thể đã bớt đi vì đã có nhiều chính sách của Nhà nước chăm lo, của cộng đồng chia sẻ. Song về tinh thần, khó có thể có gì bù đắp được, khi mà bao nhiêu người đã một thời theo tiếng gọi của quê hương, đất nước mà cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình, để lại cái tuổi đẹp nhất của đời người nơi rừng xanh, chiến địa... Và họ, giờ đã có một tổ chức, một nơi tin cậy để gửi lòng mình, tự nguyện làm những gì có thể theo sức mình như đã từng làm trong hơn 6 năm qua-cho mọi người và cho mỗi người.

Số tiền ít ỏi là 54 triệu đồng gửi đến cán bộ, chiến sĩ Trường Sa thân yêu theo những lần kêu gọi của MTTQ các cấp đã nói lên tấm lòng của hội viên Ban Liên lạc với biển đảo quê hương, góp phần động viên những người lính đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Những hoạt động rất hữu ích như việc giúp đỡ người nghèo, tặng quà cho học sinh vượt khó học giỏi... với giá trị trên 71,6 triệu đồng. Những việc làm tuy nhỏ như vậy nhưng ý nghĩa không nhỏ, bởi tấm lòng thật xuất phát từ những trái tim yêu thương của những người từng vào sinh ra tử vì nghĩa nước tình nhà thuở nào... Cùng với đó là những hoạt động, sinh hoạt trong các dịp lễ, Tết, xuất bản sách, nhất là vào những ngày kỷ niệm lớn, tổ chức sinh hoạt, gặp mặt, gợi lại trong mỗi hội viên tinh thần và truyền thống yêu nước, hướng về Đảng, tham gia các hoạt động có tính chất phong trào ở địa phương; gương mẫu thực hiện và vận động người thân, gia đình, cộng đồng thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương và đoàn thể ở cơ sở.

Bàn chuyện cho tương lai của Ban Liên lạc là việc mở rộng đối tượng kết nạp hội viên, có người đề nghị kết nạp những người đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, công tác trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc vào hội cơ sở. Vấn đề này cũng là việc cần kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét. Tuy nhiên, theo nhiều hội viên cũng có những ý kiến khác nhau, bởi quy chế đã được UBND tỉnh phê chuẩn chỉ giới hạn việc kết nạp hội viên là những người hoạt động cách mạng trong các thời kỳ kháng chiến trước ngày 30-4-1975, đang cư trú tại tỉnh Gia Lai. Và, đã là một tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, cho nên việc kết nạp hội viên cũng theo nguyên tắc này. Những người đủ điều kiện, nhưng đồng thời muốn trở thành hội viên phải coi tiêu chí tự nguyện là trước hết; tham gia hoạt động đảm bảo thực hiện quy chế của Ban Liên lạc, chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước.

Từ tổ chức của mình-Ban Liên lạc, nơi hội tụ những người đã một thời cống hiến tuổi xuân cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà theo chúng tôi biết, luôn mở rộng vòng tay đón những người có đủ các tiêu chí theo quy chế đã định vào tổ chức, cùng nhau tham gia sinh hoạt, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong đời sống thường nhật về tinh thần và vật chất; động viên, nhắc nhở nhau giữ vững truyền thống yêu nước, trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và Bác Hồ, góp phần tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay, rèn luyện và học tập, lao động sản xuất xây dựng quê hương Gia Lai ngày thêm giàu đẹp!

 Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

Pleiku: Cháy nhà dân tại đường Hàn Mặc Tử

Pleiku: Cháy nhà dân tại đường Hàn Mặc Tử

(GLO)- Vào khoảng 13 giờ 20 ngày 18-4, đã xảy ra vụ cháy nhà người dân tại tổ 6, phường Trà Bá, TP. Pleiku. Công an TP. Pleiku phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) nhanh chóng vào cuộc dập tắt đám cháy.