Gia Lai: Giấy phép lái xe hạng A1 được đổi đến cuối năm 2020

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xung quanh một số thông tin liên quan đến việc sẽ xử lý đối với trường hợp trễ hạn chuyển đổi giấy phép lái xe (GPLX) bằng giấy sang vật liệu Pet, phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN TRƯỜNG SƠN-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải nhằm làm rõ vấn đề này.

* P.V: Thưa ông, việc triển khai đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu PET đã được Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai triển khai như thế nào?
 

 Bộ phận “Một cửa” của Sở Giao thông-Vận tải. Ảnh: Đ.T
Bộ phận “Một cửa” của Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai. Ảnh: Đ.T

- Ông NGUYỄN TRƯỜNG SƠN: Để tăng cường công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân lưu giữ, sử dụng GPLX, đồng thời hạn chế tình trạng sử dụng GPLX giả, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, Bộ Giao thông-Vận tải đã triển khai thực hiện việc chuyển đổi GPLX bằng giấy bìa sang GPLX mới bằng vật liệu FET. Từ năm 2013 đến nay, Bộ Giao thông-Vận tải đã ban hành các văn bản quy định về lộ trình và điều chỉnh lộ trình chuyển đổi GPLX.

Căn cứ theo quy định đó, Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh việc chuyển đổi GPLX và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cũng như giảm chi phí tối đa trong việc cấp đổi GPLX cho người dân. Cụ thể, Sở đã phối hợp với các đơn vị bưu chính tổ chức tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại địa bàn các huyện, thị xã (1 lần/1 tháng); ủy quyền cho Bưu điện tỉnh tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX tại các bưu cục cấp huyện vào các ngày trong tuần (kể cả thứ bảy và chủ nhật) và thực hiện việc trả kết quả đổi GPLX tại nơi cư trú cho người dân có nhu cầu; đầu tư trang-thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin cho bộ phận “Một cửa” và tăng cường nhân lực, thời gian làm việc để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân... Nhờ đó, Sở đã tiết kiệm chi phí đi lại và các chi phí khác cho người dân nhiều tỷ đồng.

* P.V: Theo lộ trình, việc chuyển đổi đối với GPLX hạng A1 sẽ kết thúc vào 31-12-2020. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa nắm rõ thông tin trên. Vậy công tác tuyên truyền của sở đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Ông NGUYỄN TRƯỜNG SƠN: Để việc cấp đổi giấy phép lái xe sang vật liệu mới cho người dân diễn ra theo đúng lộ trình của Bộ Giao thông-Vận tải và giúp người dân hiểu đúng về việc chuyển đổi GPLX, Sở Giao thông-Vận tải đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Đề nghị Sở Tư pháp hỗ trợ, biên tập nội dung quy định đăng tải trên “Sổ tay phổ biến, giáo dục pháp luật ở thôn, làng, khu dân cư”; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thông tin về lộ trình chuyển đổi GPLX bằng giấy sang GPLX bằng vật liệu PET trên đài truyền thanh. Song song với đó, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh đã thường xuyên đăng tải thông tin về lộ trình chuyển đổi GPLX. Sở cũng thường xuyên đăng tải tin, bài trên Trang điện tử của sở; phổ biến tại các kỳ sát hạch cấp GPLX ô tô và mô tô; niêm yết công khai tại trụ sở làm việc, bộ phận “Một cửa” của sở và tại Bưu điện các huyện, thị xã. Mặt khác, tại bộ phận “Một cửa” của sở thường xuyên bố trí công chức tuyên truyền cho người dân về thời gian chuyển đổi GPLX.

 

Trong năm 2016, lượng người đến Sở Giao thông-Vận tải thực hiện chuyển đổi GPLX tăng đột biến. Bình quân mỗi ngày, sở tiếp nhận và trả kết quả cho khoảng 250 người dân. Đến nay, Sở đã thực hiện chuyển đổi được 171.034 GPLX (gồm 132.082 GPLX mô tô và 38.952 GPLX ô tô). Đáng nói là, trong quá trình thực hiện chuyển đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu PET (từ ngày 1-7-2013 đến 20-11-2016), Sở đã phát hiện và ra quyết định thu hồi 1.797 GPLX giả.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người dân đến Sở Giao thông-Vận tải để chuyển đổi GPLX hạng A1 (thời hạn được phép đổi đến 31-12-2020) đã gây quá tải cho bộ phận “Một cửa” và mất nhiều thời gian của người dân. Qua trao đổi, người dân cho biết là do nghe tin đồn đến cuối năm 2016, nếu không đổi GPLX hạng A1 sang thẻ nhựa PET sẽ bị Cảnh sát giao thông xử phạt khi tham gia giao thông và phải thi lại lý thuyết. Một số người khác lại cho rằng GPLX bằng vật liệu PET tiện lợi vì nhỏ gọn nên rủ nhau đi chuyển đổi hoặc do hiểu lầm lộ trình chuyển đổi theo quy định đối với GPLX ô tô và GPLX hạng A4.

* P.V: Vậy có hay không về việc phải thi lý thuyết do trễ hạn đổi GPLX và việc xử lý đối với những trường hợp chậm trễ trong chuyển đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu PET, thưa ông?

- Ông NGUYỄN TRƯỜNG SƠN: Hiện nay, việc chuyển đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu PET thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT ngày 20-10-2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ. Theo đó, lộ trình chuyển đổi GPLX được thực hiện như sau: GPLX ô tô và GPLX hạng A4 thực hiện trước ngày 31-12-2016; GPLX không thời hạn (hạng A1, A2, A3) thực hiện trước ngày 31-12-2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi, người có GPLX bằng giấy không đổi sang GPLX vật liệu PET phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX.

Sở Giao thông-Vận tải khẳng định, chưa có người dân nào phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX khi thực hiện chuyển đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu PET. Hiện tại, Bộ Giao thông-Vận tải đang tiến hành dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT. Khi Thông tư mới được ban hành và có hiệu lực, Sở Giao thông-Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp cho người dân hiểu rõ và đúng quy định, lộ trình về chuyển đổi GPLX và sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người dân được chuyển đổi GPLX khi có nhu cầu.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Lê Lan (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.