Con một…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều người quan niệm “Trời sinh voi, sinh cỏ”, “Đông con hơn nhiều của”-càng nhiều con càng tốt, đẻ con ra được thì nuôi được, con người sinh ra cũng đồng nghĩa với việc những nhu cầu về vật chất, tinh thần cũng tự khắc sẽ đến… Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, quan niệm ấy dường như không còn phù hợp, bởi nhu cầu của con người không dừng lại ở việc ăn no, mặc ấm mà cao hơn là ăn ngon, mặc đẹp và hưởng thụ cuộc sống một cách tốt nhất có thể... Đó cũng là một trong nhiều lý do khiến cho nhiều gia đình cân nhắc khi sinh con và nhiều gia đình trẻ, nhất là ở khu vực thành thị đang có xu hướng lười sinh con hay chỉ sinh một con!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở Gia Lai, dù chưa có thống kê đầy đủ về vấn đề này, song thời gian gần đây, nhiều gia đình trẻ cũng đang có xu hướng ngại sinh con, hoặc chỉ sinh một con, vì nhiều lý do. Có con gái đầu đã học lớp 2 song chị Trần Thị Thời (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) vẫn không có ý định sinh con thứ hai, mặc cho hai bên nội-ngoại bao lần nhắc khéo. Nguyên nhân khiến anh chị quyết định không sinh con thứ hai một phần vì kinh tế chẳng dư dả. Thu nhập từ việc bán tạp hóa dưới huyện của chồng và giúp việc nhà của vợ, nếu khéo vun vén mới tạm đủ chi phí cho hai vợ chồng và lo cho con gái ăn học. Kế nữa, ngay từ khi bé mới sinh ra, bé đã rất khó nuôi. “Bé khóc đêm liên tục, hai vợ chồng phải thay nhau chăm cháu vì bà nội thì già yếu, ông bà ngoại lại ở xa. Khi bé được 1 tuổi, chồng mình sút 10 kg nên cứ nghĩ đến chuyện sinh đứa thứ hai là hai vợ chồng đều... ngán”-chị Thời chia sẻ. Riêng chị Hồng Thuận (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) cũng chọn sinh một con, vì lần sinh con đầu tiên cách đây 11 năm đối với chị vẫn luôn là nỗi sợ.

Ngoài vấn đề tài chính eo hẹp, không thể đáp ứng nhu cầu nuôi-dạy các con một cách toàn diện, nhiều gia đình trẻ còn đưa ra khá nhiều lý do cho việc chỉ sinh một con: công việc quá bận rộn, không có nhiều thời gian bên con cái; chồng không chịu gánh vác, chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái cùng vợ; hay một số phụ nữ ngại sinh nhiều lần vì sợ ảnh hưởng đến nhan sắc… Đặc biệt, với lối sống hiện đại, tư duy thoáng, không thích phụ thuộc và áp đặt con cái, nhiều gia đình muốn sinh ít con để có thể nuôi dạy con một cách tốt nhất. Hơn thế, với họ, con cái là một phần rất quan trọng trong cuộc sống nhưng không phải là tất cả! Họ hy sinh và dành nhiều thời gian, tiền bạc để quan tâm đầu tư cho con… nhưng vẫn hưởng thụ cuộc sống theo những cách riêng của mình.

Nhìn ở góc độ tích cực, không thể phủ nhận những lợi ích từ việc sinh con một, nhờ đó cha mẹ sẽ dành thời gian trọn vẹn cho con mà không phải phân chia quỹ thời gian cho đứa này, đứa kia; cũng chẳng phải đau đầu để giải quyết những tranh giành, cãi cọ của con trẻ… Cha mẹ có thể gần gũi với con, trò chuyện, chia sẻ với con về mọi chuyện và đồng hành với con trên mỗi nẻo đường, giúp con tự tin hòa nhập với cuộc sống. Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh khác, con một thường được ông bà, cha mẹ nuông chiều, dễ sinh tâm lý mình là “cái rốn của vũ trụ”, sống ích kỷ, chỉ biết đến bản thân...

Sinh một hay hai con, quyết định này hoàn toàn phụ thuộc vào các gia đình, nhưng nếu sinh một con trở thành xu thế thì đây lại là vấn đề của toàn xã hội. Vì việc chỉ sinh một con về lâu dài sẽ đẩy nhanh quá trình già hóa dân số, giảm nguồn nhân lực và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Bài học của Trung Quốc khi áp dụng chính sách “mỗi gia đình chỉ có một con” hẳn còn rất mới. Sau bao nhiêu năm áp dụng chính sách này, đến khi đối diện với sự già hóa dân số, sự mất cân bằng giới tính, thiếu hụt lao động, hai-ba thế hệ cùng gặm nhấm sự cô đơn… Trung Quốc đã phải chấm dứt tình trạng này và cho phép tất cả các cặp vợ chồng được sinh con thứ hai, song khuyến khích sinh sau bao năm cấm đoán cũng chẳng hề dễ!

 An Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Họp chợ lấn vỉa hè, lòng đường Nơ Trang Long

Họp chợ lấn vỉa hè, lòng đường Nơ Trang Long

(GLO)- Tình trạng họp chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng đường Nơ Trang Long (phường Trà Bá, TP. Pleiku) đã tồn tại hơn 4 năm qua, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng vẫn chưa được giải quyết khiến người dân bức xúc.
Khó khăn bủa vây làng tái định cư

Khó khăn bủa vây làng tái định cư

(GLO)- Cuộc sống khó khăn, vất vả vẫn bủa vây người dân 3 làng tái định cư ở xã Ia Phí (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) trong gần 3 thập kỷ qua. Lời hứa từ phía Công ty Thủy điện Ia Ly mới đây đã thắp lên hy vọng vào sự đổi thay trong tương lai.

Ban Dân tộc, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh kết nghĩa với làng Klư

Ban Dân tộc, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh kết nghĩa với làng Klư

(GLO)- Sáng 7-3, tại Nhà sinh hoạt cộng đồng làng Klư (xã Krong, huyện Kbang), Ban Dân tộc phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổ chức lễ kết nghĩa với Nhân dân làng Klư. Dự lễ kết nghĩa có đồng chí Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Địa điểm kiểm tra là tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh. Ảnh- Nhật Hào

Kiểm tra quy trình cấp sổ đỏ tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai

(GLO)- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung vừa ký Quyết định số 32/QĐ-STNMT thành lập tổ kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh.