Đảo tuần lộc: Câu chuyện dưới những tảng thịt hun khói

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dân Sami chăn tuần lộc như một sinh kế và một lối sống đặc trưng. Tại Na Uy, chỉ người Sami mới được phép chăn tuần lộc.
Từ miền nam Na Uy, tác giả cùng nhóm bạn bè lái xe hơn 3.000 km lên đảo Soroya thăm xứ sở của dân Sami chăn tuần lộc ẢNH: KHANG NGUYỄN
Từ miền nam Na Uy, tác giả cùng nhóm bạn bè lái xe hơn 3.000 km lên đảo Soroya thăm xứ sở của dân Sami chăn tuần lộc ẢNH: KHANG NGUYỄN
“Mỗi năm tôi mổ 3 con tuần lộc rồi đem thịt phơi khô ăn lai rai. Ngoài ra, gia đình cũng giết thịt thêm khoảng 3 - 4 con để ăn tươi và hun khói”, chàng du mục Niilas vừa kể vừa nướng thịt cho chúng tôi ăn trong căn lều lavvu ấm cúng.
Đêm hôm trước, trong khi chúng tôi ngồi nói chuyện với anh Harri thì Niilas ra lavvu phía sau chân đồi nhóm lửa và treo hai tảng thịt lên để hun khói qua đêm. Lavvu là loại lều hình chóp nón mà người Sami thường dựng lên trong cuộc sống du mục theo chân đàn tuần lộc. Nó được làm bằng cách chống những cây bạch dương lên, phía trên chụm vào nhau, sau đó phủ bạt bên ngoài. Ngày trước, bạt thường được làm bằng da tuần lộc nhưng thời nay thì bằng những loại vải chống thấm, nhựa tổng hợp bền mà nhẹ hơn nhiều.
Buổi sáng thức dậy, chúng tôi ra lavvu, lại nhóm lửa lên. Niilas bảo rằng bây giờ đã có thể nướng thịt ăn được rồi, nhưng chúng tôi muốn dời tiệc bbq ấy vào buổi tối. Còn ngày hôm đó, chúng tôi đi lang thang khắp mạn tây đảo Soroya để tìm những đàn tuần lộc và trò chuyện với dân chăn tuần lộc.
Ngành kinh tế tuần lộc
Nói đến tuần lộc, dân xứ sở nhiệt đới thường liên tưởng tới hình ảnh lung linh mỗi mùa Giáng sinh về: ông già Noel cưỡi xe tuần lộc đi phát quà cho trẻ em khắp thế gian. Đấy thực ra chỉ là một trong rất nhiều “công dụng” của loài vật này.
Ở miền bắc châu Âu có một khu vực rộng lớn nơi người Sami sinh sống, thường được biết đến với tên gọi là Sápmi, bao trùm miền bắc Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và bán đảo Kola ở Nga. Dân Sami ở đó từ bao đời và trong vài trăm năm trở lại đây, họ bắt đầu chăn tuần lộc như một sinh kế và một lối sống đặc trưng. Tại Na Uy, chỉ người Sami mới được phép chăn tuần lộc và hoạt động này tập trung ở các hạt Finnmark, Troms, Nordland và Nord-Trondelag. Một số khu vực miền trung cũng có nhưng không đáng kể. Trong giang sơn tuần lộc, hạt Finnmark là nơi tập trung đông tuần lộc nhất. Theo thống kê, cả đất nước Na Uy có khoảng 3.000 người làm nghề chăn tuần lộc, thì có tới 2.200 trong số đó sống ở Finnmark, bao gồm đảo Soroya nơi chúng tôi ghé thăm. Finnmark có tới gần 200.000 con tuần lộc trên tổng số khoảng 250.000 con của toàn Na Uy. Dân Sami không sở hữu nhiều đất đai như các “địa chủ” người Na Uy nhưng họ có những lãnh địa chăn thả tuần lộc riêng biệt, được luật pháp thừa nhận. Chẳng hạn như hai anh chàng Niilas và Harri thì có lãnh địa chăn thả trên đảo Soroya (mùa hè) và ở vùng Kautokeino trong đất liền (mùa đông).
“Tuần lộc là một phần quan trọng trong đời sống kinh tế của người Sami. Chúng tôi nuôi tuần lộc để ăn thịt, lấy da, sừng. Tuần lộc cũng tham gia một số hoạt động thể thao, văn hóa”, Niilas chia sẻ và anh nói đôi khi người ta sử dụng tuần lộc để kéo xe. Thực ra, tuần lộc chiếm vị trí rất khiêm tốn trong nền nông nghiệp Na Uy, nhỏ bé hơn nhiều so với ngành nuôi cừu. Nhưng với người Sami, tuần lộc lại chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa. “Chúng tôi ăn thịt tuần lộc quanh năm. Thật khó để tưởng tượng cuộc sống của chúng tôi sẽ ra sao nếu không có tuần lộc”, anh Niilas nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết của loài vật có sừng với bộ tộc của anh.
Chập tối, trước bữa tiệc với thịt hun khói trong lavvu, chúng tôi lái xe lên núi cao để ngắm những đàn tuần lộc đang được người dân lùa về nơi quây nhốt. Ở đấy, có những phụ nữ và đàn ông lái những chiếc xe SUV Volvo, Audi và xe địa hình (ATV) chăn tuần lộc cùng những chú chó rất to. Dân Sami cởi mở nhưng cũng đôi phần e ngại rằng sự xuất hiện của chúng tôi có thể khiến lũ tuần lộc sợ rồi tản mát lên núi cao, rất khó để lùa về. Họ cũng không sẵn sàng tiết lộ số tuần lộc mà gia đình mình nuôi mà theo giải thích của Harri thì “người Sami không muốn phô trương tài sản”.
“Chăn tuần lộc là việc của đàn ông, có thể nói như vậy. Có khoảng 90% người chăn tuần lộc là nam giới. Phụ nữ cũng tham gia vào nghề này, nhưng chủ yếu là các công việc phụ trợ. Chẳng hạn vợ tôi làm giày bằng da tuần lộc để tôi đi lại trong mùa đông”, anh Niilas nói.
Tác giả cùng anh Niilas Sara và món thịt tuần lộc hun khói trong lavvu dưới chân đồi ẢNH: KHANG NGUYỄN
Tác giả cùng anh Niilas Sara và món thịt tuần lộc hun khói trong lavvu dưới chân đồi ẢNH: KHANG NGUYỄN
Ăn thịt quanh năm
Trên bàn trong nhà ăn, Niilas để một cục thịt tuần lộc khô to bằng nắm tay người lớn. Đó là một khối đặc và lên nhựa đỏ thẫm trông rất hấp dẫn. Mấy lần tôi thử xắt vài miếng nhỏ ăn, thấy có mùi hôi rất đặc trưng. Đấy là món thịt khô mà gia đình anh dùng để ăn trong mùa xuân và hè. Buổi tối, khi chúng tôi ngồi quanh bếp lửa trong lavvu, phía trên là hai tảng thịt hun khói to tướng, Niilas vừa nướng thịt và xẻ cho chúng tôi ăn, vừa kể về cuộc sống của người Sami chăn tuần lộc.
“Mỗi năm, vào tháng 3, tôi mổ 3 con tuần lộc lấy thịt phơi khô ăn trong mùa xuân và hè”, Niilas kể. Tại sao lại mổ vào tháng 3? Anh chàng người Sami giải thích đó là thời điểm mà thịt tuần lộc ngon nhất, khi tuần lộc ít bị đám côn trùng cắn. Đó cũng là thời điểm đông sắp tàn, mùa xuân đang chớm, mổ xong phơi khô thì có cái để ăn khi xuân đến, hạ về. Ngoài ra, để có cái ăn quanh năm suốt tháng, Niilas còn mổ lai rai chừng 3 - 4 con tuần lộc nữa. Số này dùng để hun khói ăn trong tháng 8 - 9 và làm thịt tươi phục vụ cho mùa đông cần nhiều năng lượng để chống chọi với giá lạnh cận Bắc cực. “Thịt tươi dùng trong mùa đông do cung cấp nhiều năng lượng. Bạn chẳng cần bảo quản gì, chỉ cần để ngoài trời bởi chúng tôi có một cái tủ lạnh thiên nhiên khổng lồ luôn duy trì mức âm 20 - 30 độ C trong nhiều tháng liền”, Niilas giải thích thêm.
Thịt tuần lộc để ăn hằng ngày và thịt tuần lộc cũng để dùng trong các sự kiện trọng đại. “Tôi đã mổ 14 con tuần lộc trong ngày cưới của mình”, người đàn ông 5 con, với con gái lớn đã 18 tuổi, nhớ lại sự kiện của nhiều năm về trước. “Khi con cái tôi lớn lên, làm tiệc cưới, chúng tôi cũng sẽ mổ tuần lộc”. Tôi hỏi Niilas rằng các anh có ăn thịt sống không, bởi tôi từng đọc câu chuyện trên mạng về một bộ tộc bên Nga ăn thịt tuần lộc sống. “Tôi từng sang đấy và từng thử ăn thịt sống. Nói chung mùi vị rất ổn, không như mình chỉ xem hình rồi tưởng tượng ra. Tuy nhiên, người Sami chúng tôi không ăn sống”, anh nói.
Người Sami nuôi và giết thịt tuần lộc để ăn quanh năm. Có lẽ đó là một dấu tích mờ nhạt của lối sống tự cung tự cấp vốn đã tồn tại hàng ngàn năm qua ở nơi này và chỉ dần phai lạt khi nền văn minh hiện đại ùa đến. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của gia đình, người Sami hôm nay còn nuôi tuần lộc để bán. “Có hai công ty địa phương chuyên mua tuần lộc. Chúng tôi bán tuần lộc qua hai công ty này. Hằng năm, tôi sẽ tính toán số lượng tuần lộc mới sinh, số bị mất do tai nạn, do đại bàng ăn mất và số mà tôi đã làm thịt rồi xác định số lượng cần bán mỗi năm. Cơ bản là làm sao cho số lượng đàn tuần lộc không biến động nhiều”. Niilas cho biết một con tuần lộc bán ra có giá chừng 4.000 - 10.000 krone, tương đương 12 - 28 triệu đồng, tùy theo trọng lượng
“Có những gia đình nuôi tuần lộc rất giàu, còn lại đa số vẫn có mức sống trung bình theo tiêu chuẩn ở Na Uy. Nuôi tuần lộc rất vất vả, nên có nhiều người Sami trẻ tuổi không theo nghề này. Riêng tôi, nuôi tuần lộc một phần vì mục đích kinh tế, phần còn lại bởi tôi muốn nền văn hóa Sami tiếp tục sinh tồn”, Niilas trầm giọng giữa đêm khuya, vừa khẽ khêu lên ngọn lửa sắp tàn khi những nhánh bạch dương đã cháy hết. Anh bảo rằng anh tôn trọng lựa chọn của các con mình nhưng vẫn thầm mong chúng sẽ nối nghiệp chăn tuần lộc.  (còn tiếp)
Đỗ Hùng (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.