Phố chợ ngoại trong lòng Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người Sài Gòn không ngại ngần tiếp nhận những cư dân nước ngoài và văn hóa định cư của họ... Len lỏi giữa dòng du khách, chúng tôi như lạc vào một không gian của người Hồi giáo sầm uất và sinh động trên đường Nguyễn An Ninh thẳng hướng cửa tây của chợ Bến Thành.

Vài năm trở lại đây, con đường dài chừng 100 mét với những hàng quán kinh doanh khá đặc biệt ở đây được mệnh danh là "phố Mã Lai" giữa lòng Sài Gòn.

 

Phố Mã Lai trên đường Nguyễn An Ninh, Q.1, TP.HCM.
Phố Mã Lai trên đường Nguyễn An Ninh, Q.1, TP.HCM.

Sắc màu Mã Lai

Chiếm phần nhiều trên "phố Mã Lai" là cửa hàng túi xách, đồ lưu niệm và nhà hàng.

Bắt mắt hơn cả là những hàng áo quần, vải vóc với hàng dãy dài manơcanh choàng khăn tudung nhiều màu sắc, rất đặc trưng của người theo đạo Hồi; y hệt kiểu choàng khăn của những cô bán hàng đang vận bộ đồ baju kurung đon đả mời chào.

Tương tự, những nhà hàng chưng biển hàng loạt hình ảnh món ăn hấp dẫn, nhiều màu sắc kèm theo tên món Mã Lai.

Những người đàn ông da ngăm đen, đội mũ kopiah, có khi vận trang phục baju melayu mời khách bằng tiếng Mã cũng là nét riêng biệt ở phố này.

Theo trí nhớ của nhiều người ở đây, "phố Mã Lai" hình thành vào đầu thập niên 2010, bắt đầu từ những cửa hàng bán quần áo dành cho du khách Hồi giáo. Khi đó đường Nguyễn An Ninh vắng khách, chỉ lác đác một số quán hàng, khách sạn.

Sau một vài năm, người ta thấy 3-4 cửa hiệu vừa bán quần áo, vừa bán hàng ăn bằng tiếng Mã mở thêm.

Khi khách đến đông dần, có mùa từng đoàn tấp nập, hàng quán càng phát triển hình thành nên một khu "phố Mã Lai" sầm uất như ngày nay.

Phần lớn người kinh doanh ở đây thuộc dân tộc Chăm theo đạo Hồi sinh sống ở TP.HCM. Mấy năm trước từng có một số thương gia từ Mã Lai sang đầu tư mở hiệu.

 

Bà Basiroh (bìa trái) và những du khách Hồi giáo đến từ Mã Lai.
Bà Basiroh (bìa trái) và những du khách Hồi giáo đến từ Mã Lai.

Theo một người dân: "Mấy người Mã Lai ban đầu kinh doanh cũng rầm rộ lắm, nhưng một thời gian là họ rút dần, nhà hàng cuối cùng của họ cũng sang lại cho người Chăm để về nước.

Tôi không hiểu vì sao họ rút nữa, có lẽ do không cạnh tranh nổi!". Người này còn cho biết: "Người Mã hễ đến Sài Gòn là tìm đến đây, ăn uống, mua sắm, ngủ nghỉ...".

"Tiệm bánh di động" của ông Dul

Cuối năm, nhất là tháng 12, "phố Mã Lai" này nhộn nhịp hơn hẳn vì vào dịp nghỉ của học sinh Mã Lai; các gia đình đưa con em đi du lịch VN. Đây cũng là thời điểm "phố Mã Lai" đông vui, hàng gì cũng bán đắt.

Ngược xuôi giữa tuyến phố giữa trưa, chúng tôi bắt gặp một người chở xe bán bánh chào mời đoàn khách Mã Lai.

Ông dùng tăm xỉa mấy mẩu bánh xếp, bánh khoai mì mời khách nếm rồi nhìn thăm dò với một vẻ rất thân thiện. Khách gật gù, tấm tắc khen ngon, mua cả chục hộp bánh bằng tiền Mã...

Đó là ông Dul Hamid, một người Chăm theo đạo Hồi, bán "hàng chạy" ở đây từ khoảng năm năm nay.

"Tui vừa đi giao hơn 20 hộp cơm cho một đoàn khách Mã Lai. Tui có nhiều khách quen nên có đoàn sang là alô đặt tui nấu mang đến khách sạn. Điều đặc biệt là họ rất thích bánh khoai mì. Rất nhiều người đặt mua nên tôi phải dậy từ 3h sáng để làm" - ông Dul khoe.

Ông Dul kể sau khi sinh sống tại Malaysia sáu năm, vợ ông - người Sài Gòn - về nước làm ăn. Họ gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng. Sau đó hai vợ chồng trở lại Mã Lai, bà buôn bán vải, ông phụ thợ hồ.

Nhưng chỉ được ba năm, thấy khó làm ăn nên họ về lại Sài Gòn làm cơm, làm bánh bán cho du khách.

Ngoài thời gian bán bánh và cơm, ông Dul còn nhận lái xe ôm chở du khách Mã Lai đi thăm thú Sài Gòn.

Người... khởi thủy

Trên tuyến phố này, nhà hàng Basiroh là nơi tập trung đông khách Mã Lai bậc nhất. Trong nhà hàng, một người phụ nữ đang trò chuyện với một đoàn khách bằng tiếng Mã Lai. Đó là bà Basiroh, chủ nhà hàng, một người Chăm sống tại Sài Gòn.

Bà cho biết mình đang tiếp đoàn khách Mã Lai đến từ Kuala Lumpur. "Chúng tôi coi nhau như bạn bè vì họ được những người bạn của tôi là những khách đã ghé trước đây giới thiệu. Họ tìm đến đây để được ăn món ngon!".

 

Một cửa hàng vải vóc quần áo dành cho người Mã Lai trên “phố Mã Lai”.
Một cửa hàng vải vóc quần áo dành cho người Mã Lai trên “phố Mã Lai”.

Bà Basiroh tự hào khi giới thiệu mình là người khởi thủy cho "phố Mã Lai" này. Bà kể mọi sự bắt đầu vào cuối thập niên 1990, khi còn là một nhân viên nghiên cứu thị trường cho một tập đoàn Anh đóng trên đường Pasteur (Q.1, TP.HCM).

Một lần tình cờ bà đem cơm xuống sảnh ngồi ăn, chợt một đoàn khách Mã Lai nhìn thấy hỏi ngay: "Ở đây có bán thức ăn cho người đạo Hồi à?".

Họ còn hỏi dồn dập việc mua sắm áo quần cho người đạo Hồi ở đâu... Thế là bà nảy ý định nấu cơm cung cấp cho họ và đặt hàng may cho khách. Trong khoảng hai năm, khách Mã Lai đến TP.HCM lần lượt người này giới thiệu người kia, bà tổ chức may ở nhà rồi cung cấp cho từng đoàn "alô" đặt hàng.

Khi khách Mã Lai đến Sài Gòn ngày càng đông, bà thuê ngay mặt bằng trên đường Nguyễn An Ninh mở bán quần áo.

Khách Mã Lai hễ sang Sài Gòn là tìm đến mua. Họ mua xong, kêu đói bụng và bảo quá khó tìm nơi ăn món Hồi giáo nên nhờ bà nấu giúp.

Thế là bà bán thêm thức ăn, ban đầu chỉ vài món, đặt 2-3 bàn ở vỉa hè trước quán quần áo. Sau khách đông dần, bà mở nhà hàng. Có thời điểm bà có đến ba nhà hàng mang tên Basiroh, nhiều nhất trên "phố Mã Lai" này.

Người Mã Lai thích phở

Trong hàng loạt món ăn ở quán, bà Basiroh cho biết người Mã Lai thích nhất vẫn là phở. Bà nói: "Họ rất thích phở VN, thích đến lạ luôn, họ đi về giới thiệu với nhau rồi ai sang cũng tìm đến đây thử ăn phở!".

Hàng loạt món Mã Lai của nhà hàng cũng nhận được rất nhiều lời khen của thực khách. Với bà Basiroh, bí quyết của nhà hàng bà chính là nước mắm Việt Nam.

"Ban đầu tui cứ tưởng sở thích của người Mã Lai ăn nhạt vì những món ăn của họ rất nhạt nhẽo. Nhưng khi chế biến tui nêm nhiều gia vị của Việt Nam mình, đặc biệt là nước mắm khiến món Mã Lai trở nên đậm đà, ai ăn cũng khoái!" - bà nói.

Thái Lộc/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.