Làng "6 không" trên đỉnh Cheng Leng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hai mươi năm nay, dân làng ở đây sống trong cảnh không điện, không đường, không trường, không trạm, không có hộ khẩu và không được hưởng bất kỳ một chế độ, chính sách gì.

Đó là tình trạng ở một ngôi làng sống biệt lập trên đỉnh núi ở khu vực tiếp giáp giữa ba huyện Chư Sê, Phú Thiện và Mang Yang (Gia Lai): làng Cheng Leng, đặt theo tên ngọn núi của người Jrai - ngọn Plei Cheng Leng.

 

Những đứa trẻ ở làng Cheng Leng lớn lên không biết chữ, không được chăm sóc y tế.
Những đứa trẻ ở làng Cheng Leng lớn lên không biết chữ, không được chăm sóc y tế.

Biệt lập trên ngọn núi 1.000 mét

Trong căn nhà sàn, mái lợp tôn nóng đến rát mặt, bà Rmah Kam cặm cụi nấu bữa ăn trưa cho hai đứa cháu ngoại.

Để tới được đây, chỉ có một con đường duy nhất là đi theo lối mòn, leo qua vách núi đá lởm chởm ở độ cao khoảng 1.000 mét.

Sau hơn một giờ đi bộ từ chân núi, chúng tôi cũng lên được đỉnh núi. Ngôi làng hiện ra từ xa, với hơn 20 nóc nhà nằm giữa một khoảnh đất bằng phẳng.

Con gái và con rể của bà Rmah Kam đang ở trong rừng, phát dọn đất để chuẩn bị cho mùa vụ tới. Bữa trưa của ba bà cháu chỉ có cơm và canh rau rừng.

Gọi là canh nhưng thực ra chỉ có rau rừng nêm thêm chút muối và bột ngọt. "Ở đây cái gì cũng thiếu, chỉ rau rừng là có sẵn thôi!" - bà Rmah Kam nói.

Bà Rmah Kam là một trong những người đầu tiên lên núi Cheng Leng sinh sống và đã định cư ở đây được gần 20 năm.

Giấy tờ tùy thân duy nhất mà bà Kam có là chứng minh nhân dân do Công an tỉnh Gia Lai - Kon Tum (cũ) cấp năm 1979, nay đã không còn giá trị. Các con, các cháu của bà Kam không ai có giấy tờ tùy thân.

Cạnh nhà bà Rmah Kam là nhà bà Ksor Djrih, cũng là một trong những người đầu tiên lên sinh sống trên núi Cheng Leng.

Theo bà Djrih, dân làng đã quen với cuộc sống thiếu thốn. Tuy nhiên, do sinh con đẻ cái và người nơi khác lên núi ngày càng đông nên cuộc sống ngày càng khó khăn.

"Cuộc sống ở đây khó khăn lắm, cái gì cũng thiếu, mà thiếu nước là khổ nhất. Trồng trọt không có nước, nước uống cũng thiếu, tắm giặt cũng thiếu. Cả làng chỉ có hai cái giếng, không đủ cho sinh hoạt. Mà người thì ngày càng đông, càng thiếu, càng khổ" - bà Ksor Djrih chia sẻ.

Trẻ con không được học hành

Cha mẹ đi làm rẫy, những đứa trẻ ở Cheng Leng hằng ngày chỉ quẩn quanh chơi trong làng. Tất cả đều không hề biết đến cái chữ.

Ksor Thơ, Ksor Thoat, Rmah H’Lim, Rmah Lan năm nay đều đã 14-15 tuổi, là thế hệ những đứa trẻ đầu tiên sinh ra ở núi Cheng Leng, không đứa nào nói được tiếng Kinh, hỏi gì cũng lắc đầu, che miệng và cười.

Nhờ đến người dẫn đường người Jarai, chúng tôi hỏi được nhóm trẻ vài câu. "Cháu ở nhà trông 2 đứa em cho bố mẹ và hai chị đi làm rẫy. Rẫy ở trong rừng, xa lắm" - Ksor Thơ lí nhí, ngượng ngùng bằng tiếng Jarai.

Sống biệt lập trên núi nên những đứa trẻ gần như không có trò gì để chơi. Những cây me, cây xoài cũng chừng 14-15 năm tuổi, lớn lên cùng với những đứa trẻ và là bạn của chúng.

Trong khi hầu hết người lớn đều đang ở nương rẫy, anh Rmah T’rúi ngồi trước cửa nhà, dáng vẻ mệt mỏi. Hai đứa con của anh bị sốt, anh vất vả chăm con đã mấy ngày nay mà chưa khỏi.

"Có lẽ chúng bị bệnh vì muỗi rừng đốt. Mình cũng từng bị sốt vì muỗi rừng rồi, lâu khỏi lắm" - Rmah T’rúi...chẩn bệnh.

Rmah T’rúi là một trong những người mới tới định cư ở núi Cheng Leng. Anh cho biết trước đây ở một ngôi làng dưới núi, do không có đất sản xuất nên dẫn theo vợ con lên định cư trên núi Cheng Leng và để có cái ăn, hai vợ chồng quanh năm đi phát rừng, làm rẫy.

Không có người dạy chữ nên như bọn trẻ ở làng, con của anh T’rúi cũng mù chữ. Ốm đau thì thường để tự khỏi.

Lúc ốm nặng hơn thì đưa đi thầy cúng ở làng dưới núi để chữa bệnh. Lúc nào thầy cúng bó tay, cần phải cấp cứu, anh T’rúi mới đưa con đi bệnh viện, nhưng phải mất cả ngày đường.

Định cư hay dời làng?

Làng Cheng Leng hiện có khoảng 20 hộ gia đình đang sinh sống. Theo ông Phùng Trung Toàn - chủ tịch UBND xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện), về nguồn gốc, làng Cheng Leng có tám gia đình với hơn 40 nhân khẩu từ làng Trớ (xã Chư A Thai) lên định cư từ năm 2004.

Số còn lại là dân góp từ các làng quanh vùng, chủ yếu từ huyện Chư Sê.

Chính quyền xã Chư A Thai đã nhiều lần cử cán bộ lên làng Cheng Leng để khảo sát, tìm phương án giải quyết những khó khăn cho người dân.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp. Bởi nếu lập làng, đưa vào quản lý hành chính, kéo điện, làm đường đến làng thì phải tốn rất nhiều tiền, có thể tới cả chục tỉ đồng mới thực hiện được.

Mà nếu làm việc này thì phải giao cho chính quyền xã H’Bông của huyện Chư Sê, bởi khu vực làng Cheng Leng hiện nay thuộc địa phận xã H’Bông.

Còn nếu di dân xuống núi cũng không khả thi, bởi xã Chư A Thai hiện nay không còn quỹ đất sản xuất để cấp cho các hộ dân ở Cheng Leng.

"Xã cũng nhiều lần đặt vấn đề đưa dân xuống, cấp hộ khẩu, chứng minh nhân dân nhưng người dân không đồng ý vì không có đất sản xuất cho bà con" - ông Phùng Trung Toàn cũng lúng túng.

Ông Toàn nói sẽ có báo cáo gửi lên Huyện ủy và UBND huyện để cấp trên xem xét có giải pháp, đặc biệt là làm sao để con em họ được đến lớp, đến trường, chứ để các cháu mù chữ thế này thì không được.

 

Sống biệt lập, không được chăm sóc
Giấy tờ tùy thân của bà Rmah Kam được cấp từ năm 1979 - từ gần 40 năm trước - nay không còn giá trị.
Giấy tờ tùy thân của bà Rmah Kam được cấp từ năm 1979 - từ gần 40 năm trước - nay không còn giá trị.
Tính theo địa giới hành chính, khu vực làng Cheng Leng hiện nay thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa, địa phận xã H’Bông (huyện Chư Sê).

Do sống biệt lập trên núi nên bà con không được hưởng bất kỳ một chế độ, chính sách gì, kể cả chính sách tối thiểu về y tế.

Khánh Nguyễn/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.