Làng nghề miền Tây vào Tết-Bài 1: Vui, buồn ở mỗi làng hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) và làng hoa kiểng Chợ Lách (Bến Tre) hình thành từ lâu đời, không chỉ nổi tiếng ở miền Tây mà còn tỏa hương sắc trên nhiều vùng đất nước. Hoa được trồng quanh năm nhưng tết vẫn là mùa được người trồng hoa mong đợi nhất.

Tất bật

Dọc hai bên đường ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) dài hàng cây số, vào những ngày này đâu đâu cũng gặp những ruộng hoa xanh ngút ngàn vươn mình chuẩn bị đón xuân. Người dân ở làng hoa tất bật chăm sóc, ươm, trồng mong một mùa bội thu.

 

Khách đến mua hoa ở làng hoa Sa Đéc.
Khách đến mua hoa ở làng hoa Sa Đéc.

Giữa trưa nắng nhưng tiết trời se lạnh, ông Võ Văn Hạnh ở khóm Tân Huề, phường Tân Quy Đông (Sa Đéc) cặm cụi với vườn hoa vạn thọ. Dáng người mảnh khảnh, da ngăm đen, mặt đẫm mồ hôi, nghe khách đến vội đứng lên nở nụ cười niềm nở. “Mấy hôm nay làm đầu tắt mặt tối từ sáng đến chiều tối mới nghỉ để kịp giao hàng cho thương lái phục vụ cho các công trình cây xanh, hoa kiểng dịp tết”, ông Hạnh trần tình. Gia đình ông Hạnh đang trồng hơn 10.000 chậu hoa các loại để phục vụ thị trường tết. Ông cho biết, hơn chục năm trước xứ này còn trồng lúa nhưng không khá nổi, khoảng dăm năm nay chuyển sang trồng hoa mang lợi nhuận cao gần chục lần lúa, từ đó đời sống khá lên, có điều kiện nuôi 3 con ăn học.

Cách nhà ông Hạnh vài trăm mét là nhà của ông Đào Hải Triều. Ông cho biết, năm nay gia đình mở rộng quy mô từ 2.000 m2 lên 4.000 m2 diện tích để hơn chục loại hoa các loại như cát tường, hoa chuông, cúc đồng tiền… đặc biệt là trồng thử nghiệm giống dâu Tây từ Đà Lạt mang về. “Mấy ngày nay, không chỉ gia đình tôi mà hầu như làng hoa này đang chạy đua với thời gian để chăm sóc, trồng mới phục vụ cho kịp tết. Tuy vất vả nhưng mọi người đều vui vì đây cũng là miếng cơm của gia đình và đặc biệt hơn là góp phần làm cho làng hoa Sa Đéc ngày càng phát triển, được nhiều người biết đến”, ông Triều chia sẻ.

Đang tất bật phục vụ khách đến tham quan và mua hoa trong trang trại của mình, chị Nguyễn Ngọc Trinh ở phường Tân Quy Đông bày tỏ, còn hơn tháng rưỡi nữa mới đến tết, nhưng thời điểm này khách hàng đã đến mua hoa đem về trồng nên lượng khách tham quan, mua hoa đổ về ngày càng đông. Chị cho biết thêm, năm nay, tuy thời tiết có mưa nhẹ, đều thuận lợi cho dân trồng hoa. Đặc biệt, năm nay đầu tư nhiều giống hoa mới nên khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn.

Bà Phạm Thị Ngọc Thanh, phó chủ tịch UBND phường Tân Quy Đông nói rằng, nghề trồng hoa kiểng ở đây đã hình thành mấy chục năm và góp phần tạo cảnh quan thêm tươi đẹp, trở thành những địa điểm tham quan hấp dẫn thu hút khách du lịch thập phương. Ông Nguyễn Đức Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Quy Đông cho biết thêm, hiện nay địa phương đang triển khai xây dựng tuyến đường cảnh quan cặp sông Tiền như cầu tàu, bến tàu đón khách du lịch bằng đường thủy. Ngoài ra, xây dựng tuyến phố đi bộ từ bến tàu du lịch đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê để kết nối với các địa điểm tham quan di tích văn hoá lịch sử, làng hoa kiểng, hình thành tour du lịch đặc trưng của Sa Đéc.

 

Công nhân chở hoa đi tiêu thụ.
Công nhân chở hoa đi tiêu thụ.

Bí thư Đoàn Thanh niên phường Tân Quy Đông Nguyễn Bình Thiên Quốc hào hứng, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan về làng hoa, từ năm 2014 Đoàn phường thành lập câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch. “Các bạn tình nguyện viên xuất thân từ con em nông dân của làng nghề và sinh viên chuyên ngành du lịch giới thiệu về các giá trị đặc trưng của con người cũng như làng hoa để du khách trong và ngoài nước hiểu sâu hơn về làng hoa Sa Đéc”, anh Quốc nói.

Thấp thỏm bởi tin đồn

Trái với tâm trạng vui vẻ, háo hức phục vụ thị trường tết ở làng hoa Sa Đéc thì người dân ở làng hoa giấy Chợ Lách (Bến Tre) vốn nổi tiếng xưa nay giờ đang lâm cảnh lao đao, lo lắng vì đến thời điểm cuối tháng 12 dương lịch, nhưng vẫn chưa có thương lái đến đặt hàng. “Mọi năm đến thời điểm này, mỗi ngày có gần cả chục thương lái đến hỏi mua, đặt cọc để gần tết lấy hàng đi bán còn giờ chẳng thấy ai đến”, bà Nguyễn Thị Tiến, người dân trồng hoa giấy ở ấp Lân Đông, xã Phú Sơn (Chợ Lách) nói với phóng viên Tiền Phong giọng buồn bã.

 

Ông Huỳnh Thanh Tâm ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) bên vườn hoa giấy của mình.
Ông Huỳnh Thanh Tâm ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) bên vườn hoa giấy của mình.

Theo bà Tiến, năm nay xuất hiện 2 tin đồn thất thiệt gây bất lợi cho người trồng hoa là tin nói hoa giấy để trong nhà thu hút tà ma nên nhiều người e ngại không dám mua. “Tin này chưa lắng xuống thì mấy tháng gần đây lại xuất hiện thêm tin hóa chất xịt vào bông giấy gây ung thư khiến người trồng hoa lao đao”, bà Tiến nói.

Ông Huỳnh Thanh Tâm, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa giấy Lân Đông gắn bó với nghề trồng hoa trên 20 năm đầy tâm trạng: “Từ khi làm nghề đến nay mấy chục năm mà chưa năm nào khổ sở như năm nay. Đến giờ đã trễ hơn năm ngoái tháng rưỡi mà vẫn chưa có thương lái đến hỏi mua chỉ vì tin đồn thất thiệt”.

Theo ông Tâm, chất xịt vào hoa để khi vận chuyển đi lâu không rụng, đã sử dụng nhiều năm. Chất này được nhiều nhà khoa học, cơ quan chức năng vào cuộc nghiên cứu, chứng minh là không có độc hại gì cả. “Nếu gây ung thư thì chính người dân tụi tôi trực tiếp làm mấy chục năm nay đã bị rồi. Thật tình cũng chỉ là cạnh tranh với nhau không lành mạnh rồi tung tin bịa đặt để hại nhau”, ông Tâm bức xúc nói thêm: “Mấy năm trước khoảng tháng 10 âm lịch là có thương lái từ Sài Gòn, Hà Nội và nhiều nơi khác đến làng nghề đặt mua nườm nượp vui như chợ tết, nhưng năm nay còn hơn tháng nữa đến tết, nhưng không có ai mua, trong khi năm nay gia đình ông đầu tư 1.000 chậu, chi phí gần 60 triệu đồng”.

Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Bằng cũng có gần 1.000 chậu hoa giấy cũng chưa có ai mua. “Một năm trông chờ vào dịp tết để bán có tiền sắm sửa nhà cửa, con cái ăn học và đón tết, tuy nhiên năm nay đầu tư vào mấy chục triệu nhưng đến giờ thấy không khí hiu quạnh, rầu cả ruột”, ông Bằng tâm tư.

 

Toàn huyện Chợ Lách có khoảng 600 ha hoa kiểng cung cấp thị trường tết với khoảng 7 triệu sản phẩm. Riêng làng hoa giấy ở xã Phú Sơn năm 2016 cung cấp 1 triệu sản phẩm, dự kiến năm nay cung cấp khoảng 700.000 sản phẩm. Tuy nhiên, vì thông tin thất thiệt khiến cho người trồng hoa lao đao, lo lắng.

Ông Phạm Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, làng nghề hoa giấy đã hình thành mấy chục năm nay. “Chính nhờ trồng hoa mà người dân nâng cao cuộc sống, khá giả hơn nhiều so với trồng lúa. Mấy chục năm nay người dân làm nhưng chưa bao giờ địa phương ghi nhận trường hợp nào bị ung thư cả. Tuy nhiên với tin đồn thất thiệt đó khiến người trồng hoa lao đao”. Ông Nam cho biết thêm, thông tin hoa giấy có chất ung thư đã được các nhà khoa học, ngành chức năng minh oan là tin đồn thất thiệt nên người dân cứ yên tâm sử dụng. Còn TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách khẳng định, thông tin hoa giấy có chất ung thư là hoàn toàn bịa đặt, không có cơ sở. Thông tin bịa đặt này làm cho người trồng hoa bị ảnh hưởng lớn.

Hòa Hội/tienphong

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.