Tình ngọt dưới chân núi Bêu Chong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách TP. Pleiku gần 40 km, làng A Mơng (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) nằm ngay dưới chân dãy núi Bêu Chong hùng vĩ. Nơi đây ghi dấu mối tình của cô gái mù Rơ Chăm Pum và người chồng kém 11 tuổi mà chỉ cần nghe thôi ai cũng ngỡ như là cổ tích.

Cô gái mù đảm đang

Chúng tôi đến làng A Mơng vào một buổi chiều nắng ấm. Hỏi mãi, người dân địa phương mới chỉ cho chúng tôi đến ngôi nhà sàn của chị Rơ Châm Pum ở cuối con đường nhấp nhô sỏi đá. Thấy khách đến thăm nhà, anh Rơ Châm Ngưn liền dắt tay vợ ra chào. Hai vợ chồng tình tứ ngồi cạnh nhau như cặp đôi mới yêu. Thỉnh thoảng, anh Ngưn lại quay sang âu yếm vuốt tóc vợ. Nhìn cảnh này, ít ai biết được rằng để đến với nhau, họ đã phải trải qua những rào cản khá lớn từ gia đình.

 

  Tác giả trò chuyện cùng vợ chồng chị Rơ Chăm Pum. Ảnh: Triệu Thanh
Tác giả trò chuyện cùng vợ chồng chị Rơ Chăm Pum. Ảnh: T.T

Giống như những đứa trẻ người Jrai cùng trang lứa khác, lúc sinh ra (năm 1973), cô bé Pum cũng hoàn toàn khỏe mạnh. Thế nhưng, đến năm 3 tuổi thì Pum bị ốm nặng. Lúc đó, cha mẹ Pum chỉ biết gọi thầy mo về cúng con ma rừng để chữa bệnh cho con. Một thời gian sau, do không được chữa trị đúng cách, đôi mắt của Pum ngày một mờ đi rồi mù hẳn. Chứng kiến con vô tư nô đùa với chúng bạn, bố mẹ Pum không thể nào cầm được nước mắt vì xót xa cho số phận của cô con gái bất hạnh.

Từ khi bị mù, Pum không còn thấy đường đi, nhưng chị vẫn cố gắng dò dẫm trong bóng tối để có thể tự chăm sóc bản thân. Nhiều lần ngã đến sưng vù cả chân, chị lại bật khóc khi cảm thấy mình vô dụng. Nhưng mỗi khi những vết thương lành lặn, chị lại tiếp tục những bước đi dò dẫm trong bóng tối. Nhờ sự kiên trì khổ luyện, chị đã có thể tự chăm lo cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Không dừng lại ở đó, chị Pum còn có thể phụ giúp bố mẹ trông em, nấu nướng những lúc người lớn lên rẫy. Nhờ sự tỉ mỉ, cẩn thận của chị, căn nhà nhỏ trở nên ngăn nắp sạch sẽ khiến mọi người trong làng phải ồ lên ngạc nhiên khi đến chơi.

Vốn là một người chăm chỉ, cần cù nên chị Pum chả mấy khi cho đôi tay mình nghỉ ngơi. Hàng ngày, ngoài công việc nội trợ, chị còn tự mình đi cõng nước từ con suối cách nhà vài trăm mét về để phục vụ sinh hoạt của cả gia đình. Người già trong làng A Mơng vẫn lấy Pum ra làm tấm gương cho con cháu mình học tập.

Tình ngọt    

Trong một lần đến chơi nhà bạn ở làng A Mơng, anh Ngưn (SN 1984, làng Yang, xã Ia Phí, huyện Chư Pah) vô cùng ngạc nhiên khi bắt gặp người con gái mù đi cõng nước về nhà-công việc mà vốn dĩ chỉ dành cho những người sáng mắt. Sau khi nghe bạn mình cho biết chuyện chị Pum bị mù, anh thầm cảm mến người con gái bất hạnh nhưng không chịu đầu hàng số phận ấy. Từ đó, mỗi khi rảnh rỗi, anh đều lấy cớ sang nhà bạn chơi để được gặp chị. Từ chỗ chỉ dám nhìn “trộm” chị Pum từ xa, anh Ngưn lấy hết dũng khí lại gần để làm quen với người trong mộng của mình.

Sau gần nửa năm quen nhau, anh Ngưn ngỏ lời hỏi cưới chị Pum về làm vợ mình. Lúc nghe anh Ngưn hỏi “có thích lấy chồng không?”, chị Pum vỡ òa hạnh phúc. Thế nhưng mặc cảm của một người khuyết tật khiến chị chỉ dám e lệ đáp: “Có chứ, chỉ sợ họ không chịu lấy mình thôi”. Được lời như cởi tấm lòng, anh Ngưn vội vã về thưa chuyện cưới hỏi với bố mẹ hai bên gia đình.

Thế nhưng, đáp lại sự háo hức của “đôi tình nhân” là sự phản đối quyết liệt từ hai bên gia đình, nhất là từ phía gia đình anh Ngưn khi biết chị Pum không những lớn hơn con trai mình 11 tuổi mà còn bị mù lòa. Còn bố mẹ chị Pum cũng ra sức phản đối vì lo lắng liệu anh Ngưn có thực sự yêu thương con gái mình không hay đó chỉ là thứ tình cảm nhất thời.

Đến cuối năm 2015, sau khi mọi khoảng cách đã được xóa bỏ nhờ sự kiên trì thuyết phục của anh chị, một đám cưới nhỏ đã được tổ chức trong sự hân hoan của người thân hai bên. Không những vậy, sau đám cưới, anh Ngưn tự nguyện xin ở rể gia đình chị Pum để chứng minh tình yêu mình dành cho vợ. Nhờ sự chăm chỉ lao động, gia đình chị Pum không còn phải lo chạy ăn từng bữa như trước đây nữa. Thế nhưng, theo anh Ngưn thì điều đáng quý nhất là tình cảm của hai vợ chồng dành cho nhau vẫn nguyên vẹn như lúc đầu. Suốt hơn 2 năm qua, cả hai vẫn luôn dành cho nhau những lời yêu thương và chưa từng một lần nặng lời với nhau.


 

“Lấy được Pum mình vui lắm. Dù cô ấy không nhìn được nhưng bù lại cái bụng cô ấy tốt lắm, lại chăm chỉ làm việc nhà nữa. Cứ làm xong việc nhà là Pum lại bắt mình nắm tay dắt lên rẫy vì ở nhà Pum sợ buồn. Mình chỉ mong năm mới có đủ tiền để đưa Pum đi chữa cái mắt, để cô ấy nhìn thấy được cái đường, nhìn thấy mặt mình. Được như vậy thì mình vui lắm rồi”-anh Ngưn mãn nguyện kể về cuộc hôn nhân của mình.

Chúng tôi chia tay vợ chồng chị Pum ra về khi mặt trời khuất dần sau dãy núi Bêu Chong. Anh Ngưn nắm tay vợ tiễn khách ra đến đầu làng, hai người đứng dựa vào nhau trước cơn gió chiều lành lạnh. Có lẽ dù đi tới nơi đâu họ cũng vẫn nắm tay nhau cho dù gió có thổi.

 Triệu Thanh

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.