40 năm giữ màu xanh trên đỉnh núi Nhàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù đã hơn 60 tuổi, nhưng ông Trần Đức Minh cư trú ở thôn An Thạnh (xã Sơn Tịnh, huyện Tịnh Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn ngày ngày rảo bước trên những lối mòn quen thuộc để tuần tra, bảo vệ rừng. Và 40 năm nay, núi Nhàn có được màu xanh chính là nhờ vào công lao to lớn của ông.

Bảo vệ rừng để trả ơn… rừng

Từ xa, hướng tầm mắt trông về làng An Thọ-ngọn núi Nhàn như một người mẹ dang rộng cánh tay để che chở, bảo vệ cho những đứa con đang nằm tựa lưng vào dãy núi. Trải qua bao cuộc chiến tranh bị bom đạn cày phá, rồi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thế nhưng màu xanh của ngọn núi vẫn luôn được duy trì, không một góc cây nào trong núi bị chặt, cho dù đó là cây nhỏ nhất.

 

 Mặc dù tuổi cao nhưng hàng ngày ông Minh vẫn thường vào rừng để kiểm tra, phát quang các cây bụi rậm. Ảnh: Trần Lâm
Mặc dù tuổi cao nhưng hàng ngày ông Minh vẫn thường vào rừng để kiểm tra, phát quang các cây bụi rậm. Ảnh: Trần Lâm

Chúng tôi tìm đến thăm nhà ông Minh ở cuối thôn An Thạnh, cũng như bao nhiêu ngôi nhà khác trong thôn, ngôi nhà của ông Minh nằm tựa lưng vào dãy núi. Thấy khách đến, ông lật đật dẹp mọi công chuyện sang một bên để tiếp chuyện.

Ông Minh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, cả nhà ông hồi đó có đến 5 người từng phục vụ trong cả hai cuộc kháng chiến, ông anh đầu của ông là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Bản thân ông cũng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi, hiện tại cũng đang hưởng chế độ thương binh loại III.

Với tình yêu quê hương đất nước, chứng kiến cảnh bà con bị bọn xâm lược hành hạ nên khi chỉ mới 17 tuổi, ông đã bắt đầu tham gia du kích, rồi 2 năm sau ông đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi. Sau ngày đất nước được giải phóng, ông về quê và được phân công làm xã đội trưởng xã nhà. Với tư cách là xã đội trưởng, ông liền thành lập tổ bảo vệ rừng cùng với 2 thành viên khác trong làng. Nhiệm vụ của tổ là đi tuần tra, chặt phát cây bụi nhỏ, tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng đến với bà con.

Khi hỏi đến lý do vì sao ông ra sức bảo vệ rừng? Ông nhớ lại: “Vào khoảng những năm 1972, tôi cùng đồng đội là người địa phương đã chọn khu rừng này làm căn cứ. Hồi đó, núi Nhàn này là một trong những chốt quan trọng bậc nhất của khu vực Tây Sơn Tịnh. Kiểm soát được nới này là xem như có được một địa bàn rộng lớn. Thấy được sự quan trọng của ngọn núi nên chúng tôi quyết tâm giữ bằng được. Có nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống vì để giữ vững ngọn núi này. Đồng đội tôi đã ngã xuống vì ngọn núi nên bây giờ tôi phải giữ bằng được những gốc cây, ngọn núi để tri ân đồng đội, để trả ơn ngọn núi đã che chở, bảo vệ chúng tôi trong thời gian khó đó”.

Theo như ông Minh cho biết thì trước đây người dân chưa ý thức được lợi ích từ ngọn núi nên nạn phá rừng diễn ra gay gắt. Đợt đó ông và tổ bảo vệ đã phải lao tâm khổ tứ tìm mọi cách để ngăn chặn nạn phá rừng. Vừa làm công tác bảo vệ, ông vừa phải ra sức tuyên truyền đến với người dân để nhằm nâng cao ý thức của người dân. Những cuộc họp thôn xóm liên tục được diễn ra, ông đứng ra nói lời hay lẽ phải về lợi ích của việc bảo vệ rừng cho bà con nghe, lúc đầu ai cũng phản đối, nhưng rồi mọi người cũng đã nghe theo và ra sức bảo vệ rừng.

“Hồi đó họ chửi bới, họ nói tôi dữ lắm. Nhưng với quyết tâm giữ bằng được ngọn núi nên tôi phải liều cho dù phải bỏ mạng. Cũng may, mình nói mãi rồi người dân ai cũng nghe. Rồi từ đó đến nay ai cũng ra sức cùng tôi bảo vệ rừng, không một ai dám tự tiện vô rừng chặt một cây, dù nhỏ nhất”-ông Minh hồi hởi.

Vừa bảo vệ, vừa tìm người kế tục

Dẫn tôi lên thăm khu rừng, vừa đi ông vừa khoe: “Lợi ích mà ngọn núi này mang lại cho làng chúng tôi nhiều lắm, mùa mưa bão thì hạn chế gió, về mùa hè thì điều tiết không khí, sống quanh khu rừng lúc nào cũng thấy mát mẻ, dễ chịu. Rừng này giống như một bức bình phong che chở, bảo vệ lấy ngôi làng chúng tôi”.

Mải trò chuyện, chúng tôi vượt qua đoạn đường dốc lởm chởm đá tai mèo lúc nào không hay, khu rừng hiện ra trước mắt chúng tôi với những cây cổ thụ, chằng chịt trong đó là dây leo, những tảng đá dựng đứng tạo thành những cái hang vừa cho hai người trú ngụ.

Những lối mòn trong khu rừng dường như đã quen với những bước chân không mỏi của ông Minh, gần 40 năm đi tuần tra bảo vệ nên bây giờ mọi ngóc ngách, mọi tảng đá, gốc cây ông đều nhớ và thuộc như lòng bàn tay. Mải miết đi, cơn mưa bất chợt ùa về, tán lá rừng như những chiếc ô che chở cho chúng tôi tránh khỏi một trận mưa lớn.

Để đáp lại lòng tận tụy của ông trong việc bảo vệ rừng, chính quyền địa phương đã trả công cho tổ bảo vệ của ông mỗi người 3 sào đất và 1 triệu đồng/năm. Nhưng cái mà ông Minh muốn không phải là sự trả công, bởi ông làm với tinh thần tự nguyện nên công cán đối với ông không thành vấn đề. Cái mà ông trăn trở, suy nghĩ bấy lâu nay chính là tìm ra được người tận tụy, biết hy sinh để kế tục việc tuần tra và bảo vệ rừng. Bởi lẽ, bây giờ cả ba người trong tổ bảo vệ của ông ai cũng đã cao tuổi, không ai còn sức để mà đi hết cả khu rừng.

“Bây giờ, tôi chỉ có một ước muốn duy nhất đó là tìm được người nhằm thay thế tôi. Tuổi cao rồi, sức đâu để mà đi tuần tra bảo vệ. Trong thôn giờ chỉ còn lại người già, thanh niên lớn lên đứa thì đi học, đứa thì đi kiếm nghề mưu sinh, nên tìm người trẻ thì rất khó”-ông Minh vừa chặt bui rậm, vừa than thở.

Rừng núi Nhàn có được sự trù phú, xanh tươi như hôm nay là nhờ đến sức lực của ông Minh. Làng An Thạnh có được cuộc sống yên ổn, không khí trong lành là nhờ sự chở che của ngọn núi Nhàn. Thế nhưng, cái ưu thế đó có được tồn tại bền vững hay không, thì đó là một câu hỏi lớn mà chính ông Minh nhiều lúc cũng không biết câu trả lời.   

Trần Lâm

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.