Bài 1: Xà Nu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi trở lại Đak Glei (Kon Tum) trong tâm trạng vừa thắc thỏm, vừa hồi hộp. Không hồi hộp sao được khi cái tên vùng đất nổi tiếng như thế mà đến mấy chục năm rồi mới trở lại. Đak Glei nổi tiếng bởi nó có “Rừng xà nu” ở làng Xô Man, và là nơi nhà văn Nguyên Ngọc đã tạc nên một nhân vật văn học vừa kỳ vĩ vừa có vẻ bí ẩn là cụ Mết. Mà, điều kỳ vĩ ấy càng hấp dẫn là bởi cụ Mết là một nhân vật có thật.
Di ảnh cụ Mết.
Di ảnh cụ Mết.
Có một sự thật là thế này, rất nhiều thầy-cô giáo dạy văn cấp III, biết tôi ở Tây Nguyên và có tìm tòi một chút về mảnh đất này, vẫn hay hỏi tôi rằng xà nu là loại cây như thế nào, nó có thật không, hay lại cũng do nhà văn Nguyên Ngọc “sáng tạo” ra như cái tên làng Kông Hoa và Xô Man nổi tiếng. Làng Kông Hoa tên thật là làng Stơr thuộc xã Tơ Tung, huyện Kbang. Còn làng Xô Man và cây xà nu?

Có nhiều khi sự thật nó đơn giản vô cùng. Khi lên Tây Nguyên, tôi đã tìm hiểu về cây kơ nia và biết nó là cây cầy (hoặc là cậy) ở đồng bằng, tìm hiểu cây pơ lang thì biết nó là cây hoa gạo, mộc miên ở miền Bắc... Vậy nên, xà nu, nó chính là cây... thông đấy ạ. Thông có hai loại, thông 3 lá và thông 2 lá. Thông hai lá mới là thông lấy nhựa, nó có thể cho 6 kg nhựa/cây/năm, từ nhựa ấy người ta làm ra colophan, còn gọi là tùng hương và dầu thông người ta hay dùng để quang nón cho bóng.
Còn cái cây xà nu ta đang nói đây nó là thông ba lá, nhựa rất ít, chủ yếu để lấy gỗ vì gỗ nó nhẹ, phổ biến là làm vỏ thùng đạn. Người dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt vùng người Dẻ Triêng ở Đak Glei chỉ sử dụng của xà nu một thứ, một thứ duy nhất, ấy là nhựa của nó để thắp sáng. Họ tước những mảnh nhựa, đốt thay đèn. Và điều ấy lý giải tại sao da người Dẻ Triêng luôn ám khói. Còn chúng ta, chỉ ngủ một đêm ở làng, sáng mai ra, lỗ mũi, vành tai, các nếp nhăn, các góc khuất... đều đầy muội nhựa thông. Tôi nhiều lần đi về các làng người dân tộc thiểu số, chưa bao giờ thấy họ sử dụng gỗ cây xà nu làm nhà hoặc sử dụng vào đời sống thường nhật, kể cả củi, có lẽ do thời ấy rừng còn nhiều loại gỗ tốt hơn cây thông nhiều mà lại không có nhựa, khói, không bị hăng... Mà có điều này chúng tôi mới phát hiện trong chuyến về Đak Glei kỳ này, ấy là người Dẻ Triêng ở đây không gọi cây thông ba lá này là xà nu, mà nó lại là loong nuh kia, thế tức là, có khi, ngay cả tên gọi xà nu cũng là của nhà văn khai sinh cho nó?...
Làng Xốp Nghét hôm nay. Ảnh: Văn Công Hùng
Làng Xốp Nghét hôm nay. Ảnh: Văn Công Hùng
Hồi ấy, trong “Rừng xà nu” của Nguyên Ngọc, xà nu còn là rừng, sum suê và cổ thụ. Tôi nhớ lần đầu tiên lên Đak Glei là năm 1982, từ Pleiku lên phải đi ba ngày bằng xe zin ba cầu, xà nu vẫn còn là rừng, cây nào cây ấy to cỡ hai người ôm, cao vời vợi, trên ngọn sóc, khỉ chuyền cành... Bây giờ về lại, chả thấy xà nu cổ thụ đâu nữa, chỉ toàn là thông non.

Khoảng cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, cái hồi ông Tư Đành với cái Công ty Công-Nông-Lâm nghiệp Đak Glei đang còn nổi đình nổi đám, ông Tư Đành có tổ chức cho một tốp nhà văn lên thăm Công ty. Sướng nhất là trong số khách mời có nhà văn Nguyên Ngọc. Tôi tháp tùng ông đi chuyến ấy. Ông Tư Đành bố trí một xe U-oát mới tinh, hai cầu, một cậu lái xe tên Ngọc Anh, vào loại giỏi nhất trong đội ngũ lái xe của Công ty. Và Ngọc Anh đã chứng tỏ là một tay lái lụa thật sự khi đưa chúng tôi leo lên tận đỉnh Ngọc Linh, lên Mường Hoong, Đak Choong, Đak Nhoong... giữa mùa mưa mù mịt, cách mấy mét không nhìn thấy phía trước, đường đất, nhiều đoạn sụt lở, có đoạn chỉ có thể tiến hoặc lùi, không thể quay đầu, nhiều lúc xe chênh vênh trên bờ vực...
Ông Nguyên Ngọc ngồi ghế trên, mặt không biến sắc, mắt đảo liên tục vừa dò đường, vừa tìm đường.
Vâng, ông đang tìm đường về làng Xô Man...
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.