Y Var - Cán bộ phụ nữ năng động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở xã Đăk Tờ Kan (huyện Tu Mơ Rông), chị Y Var được bà con nơi đây khen ngợi không chỉ là Chủ tịch Hội LHPN xã năng động, nhiệt tình mà còn làm kinh tế gia đình giỏi.

Chị Y Var tâm sự: Là Chủ tịch Hội LHPN xã, muốn các chị em tin và làm theo thì trước tiên bản thân phải gương mẫu trong việc nước lẫn việc nhà. Bởi vậy, tôi luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ các cấp giao phó, gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào do Hội triển khai.

Trong quá trình công tác, với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Y Var luôn bám sát chỉ đạo, kế hoạch của cấp trên, vận dụng phù hợp tình hình thực tế ở xã. Đặc biệt, nắm bắt tình trạng còn nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học hành, buông lỏng quản lý giáo dục con em, dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học, thanh thiếu niên tụ tập rượu chè, ăn cắp vặt… gây mất an ninh trật tự, chị đã đưa ra chương trình hành động, trực tiếp cùng đội ngũ cán bộ phụ nữ xã, thôn tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình để có hướng tiếp cận tuyên truyền vận động phù hợp, hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều năm qua, tỷ lệ trẻ em đến trường học đúng độ tuổi trên địa bàn luôn đạt 100%, tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học và tiếp tục học THCS là 100%; trong xã không còn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình hay các nhóm thanh thiếu niên tụ tập rượu chè, cờ bạc, ăn cắp vặt…

Là xã nông thôn vùng sâu, người dân còn những tập tục lạc hậu ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, sức khỏe con người, chị Y Var đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ phụ nữ trong xã đẩy mạnh tuyên truyền vận động chị em tham gia và thực hiện tốt mô hình “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, giữ gìn vệ sinh nhà ở, đường làng ngõ xóm. Đến nay, hơn 80% số hộ dân trong xã chăn nuôi có chuồng trại xây cách xa nhà và sử dụng nước sạch đạt chuẩn quốc gia; một tháng một lần, các chị em cùng mọi người tham gia tổng dọn vệ sinh thôn làng.

Để giúp chị em phụ nữ nâng cao thu nhập, chị Y Var đã thành lập mô hình Lò sấy măng khô ở thôn Tê Xô Trong. Với mô hình này, 7 chị em phụ nữ tham gia đã có thêm việc làm, đồng thời giúp các chị em trên địa bàn có thêm thu nhập từ việc bán măng tươi.

Không chỉ giỏi việc Hội, chị Y Var còn là một phụ nữ đảm việc nhà. Ngoài giờ làm việc, chị còn tranh thủ phụ giúp chồng làm nông nghiệp, thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng.

Dẫn tôi đi thăm vườn cây sau nhà, chị kể rằng, người dân ở Đăk Tờ Kan chủ yếu trồng cây mì, hiệu quả kinh tế không cao, trồng lâu năm khiến đất bạc màu. Nhận thấy khí hậu và thổ nhưỡng ở đây có thể phát triển cây công nghiệp lâu năm, gia đình chị đã mạnh dạn phát triển 1,5ha cao su và 1ha cà phê.

“Lúc mới trồng tôi lo lắm, vì chưa có kinh nghiệm gì cả. Sau đó tôi tìm hiểu các kỹ thuật chăm sóc cây cà phê và cao su thông qua các lớp tập huấn do xã tổ chức và những chủ vườn khác” – chị Y Var tâm sự.


 

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cà phê của chị Y Var cho năng suất rất hiệu quả. Ảnh: VT
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cà phê của chị Y Var cho năng suất rất hiệu quả. Ảnh: VT



Đến nay, vườn cao su của chị đã cho thu hoạch. Đến mùa thu hoạch, chị cùng chồng mình thức dậy trước 3h sáng để khai thác mủ, sau đó quay về nhà lo cho con cái đi học rồi mới đến cơ quan. Tuy vất vả, nhưng nghĩ đến tương lai con mình sau này được ổn định, vợ chồng chị động viên nhau cùng vượt qua.

Chỉ tay vào vườn cà phê nằm nối tiếp vườn cao su, chị Y Var phấn khởi kể: Hồi tôi mới trồng, ai cũng nói cà phê không phát triển được ở vùng này, nhưng nhờ chăm sóc đúng kĩ thuật, vườn cà phê nhanh bén rễ và đâm chồi nảy lộc. Mùa vừa rồi là năm thứ hai thu hoạch, cây còn non nhưng trái chín đỏ vây quanh cành như những cây lâu năm, 1ha mà thu được 40 bao.

Cùng với đó, vợ chồng chị còn nuôi 5 con bò, 4 con trâu. Chị cười khoe: Trước còn nhiều nữa, vừa rồi mới bán 3 con được 60 triệu. Năm nào gia đình cũng có thêm nguồn thu từ bán trâu, bò.

Nhận xét về chị Y Var, ông Huỳnh Xuân Thắng – Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan cho hay: Chị Y Var là một cán bộ năng nổ, đi đầu trong các phong trào do xã đề ra. Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ, chị Y Var luôn sâu sát cơ sở, tìm hướng đi mới để giúp bà con thoát nghèo. Sản phẩm măng khô từ lò sấy măng của Hội Phụ nữ đã được xã lựa chọn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh đó, chị Y Var còn là tấm gương đi đầu về phát triển kinh tế gia đình tại địa phương.


http://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/y-var-can-bo-phu-nu-nang-dong-17960.html

Theo Văn Tùng  (baokontum)

Có thể bạn quan tâm