Xuất khẩu sang các thị trường lớn: Nhiều tín hiệu khả quan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực; thị trường Trung Quốc đang tăng nhập khẩu hàng hóa, những giải pháp mạnh của Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp… được nhận định sẽ là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong những tháng tới.

 

Kho chứa gạo xuất khẩu gạo tại ĐBSCL.Ảnh: Đức Thành
Kho chứa gạo xuất khẩu gạo tại ĐBSCL.Ảnh: Đức Thành




Thị trường Mỹ và EU - gặp khó;  Đông Nam Á - tăng nhẹ

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, quý I/2020, xuất khẩu của Việt Nam đạt 59,08 tỉ USD, chỉ tăng khoảng 0,5%; nhập khẩu đạt 56,26 tỉ USD, giảm 1,9%. Trong quý I/2020, Việt Nam xuất siêu đạt 2,8 tỉ USD (cùng kỳ năm 2019 xuất siêu đạt 1,5 tỉ USD). Với kết quả này, nhiều chuyên gia thương mại cho là chấp nhận được trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nặng nề. Tuy nhiên, bước sang quý II/2020, tình hình vẫn rất khó để đánh giá bởi hiện nay nhìn vào xuất khẩu tại những thị trường trọng điểm đang ảm đạm đặc biệt là Mỹ và EU.

Theo ông Bùi Trọng Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), hầu như các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vào 2 thị trường này đang trong tình trạng bị tạm dừng. Nếu trong quý II, dịch COVID-19 còn phức tạp, chắc chắn xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Bởi ngoài Trung Quốc, Mỹ và EU là hai trong số những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng dệt may, da giày, thủy sản...

Đến nay, đã có nhiều nhà nhập khẩu lớn từ Mỹ và EU đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giày Việt Nam tạm giãn, hoãn tiến độ giao hàng, chưa ký hợp đồng mới, thậm chí đã có trường hợp đề nghị hủy hợp đồng. Dự kiến, số lượng đơn hàng dệt may, da giày xuất khẩu vào Mỹ và EU trong tháng 4 và 5 của các doanh nghiệp Việt Nam suy giảm mạnh, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi sẽ chưa được đàm phán và khả năng phục hồi rất chậm. Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), ông Điền Quang Hiệp cho biết, hầu hết các hội viên gặp khó khăn tại các thị trường xuất khẩu Mỹ, EU...

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang khu vực Đông Nam Á đạt 6,3 tỉ USD, tăng 0,99% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 10% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Xuất khẩu nhóm mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu sang ASEAN có kim ngạch tăng trưởng tốt, đạt 720,3 triệu USD, tăng 16,5% so với Quý I/2019.

Với thị trường này, Việt Nam có nhiều ưu đãi như được hưởng lợi ích từ mức thuế 0% (đối với phần lớn mặt hàng) theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định Hàng hóa ASEAN (ATIGA), giúp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có sức cạnh tranh hơn so với hàng hóa của các nước khác ngoài khu vực.

Các thị trường trong khu vực Đông Nam Á có sự tương đồng về văn hoá, thói quen tiêu dùng. Người tiêu dùng tương đối cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu, thậm chí có tâm lý ưa thích các sản phẩm nhập khẩu cùng loại với sản phẩm trong nước. Ngoài ra, do có sự gần gũi về địa lý, chi phí vận chuyển hàng hóa sang các thị trường khu vực này cũng thấp hơn so với các thị trường khác. Một số thị trường trong khu vực Đông Nam Á hiện nay như Myanmar, Campuchia, Lào có sự hiện diện của các ngân hàng Việt Nam, tạo thuận lợi cho hoạt động thanh toán của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng có một số khó khăn nhất định như một số thị trường có đặc thù riêng về tôn giáo, giãn cách xã hội do dịch COVID-19 hay một số thị trường trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia gần đây tiếp tục thông báo điều tra hoặc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam (sắt thép, gạch ốp lát…), làm hạn chế xuất khẩu của Việt Nam…

Đại diện Trung tâm Phát triển Nguồn Nhân lực (Hội DNNVV) - bà Nguyễn Thị Thanh Bình cho rằng, các doanh nghiệp Việt đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trước nước ngoài kể cả xuất khẩu và nhập khẩu. Hiện chỉ chủ động được về mặt hàng nông, lâm, thổ sản nhưng mặt hàng này cũng đang khó khăn vì dịch bệnh không thể xuất khẩu được.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - ông Nghiêm Xuân Đa, sau thời gian chững lại của quý I/2020, nhu cầu thép sẽ tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, thị trường thép trong nước sẽ phải đối phó với thép xuất khẩu của Trung Quốc. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào giá cao sẽ cạnh tranh gay gắt với thép thành phẩm giá rẻ của Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thị trường lớn nhất của hàng Việt là Trung Quốc đã bước đầu khống chế được dịch. Trung Quốc là thị trường rất lớn, gần, lại là bạn hàng lâu năm và có nhu cầu rất lớn các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như lương thực, thực phẩm, rau quả tươi… Những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc tháo gỡ khó khăn cho giao thương tại các cửa khẩu với Trung Quốc cũng đang phát huy tác dụng. Đây là cơ hội lớn để ta đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Số liệu thống kê của Hải quan cho thấy, trong Quý I/2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 9,3 tỉ USD tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2019; chiếm tỉ trọng 14,8% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam với nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cao; đặc biệt là tiềm năng hồi phục của nền kinh tế sau dịch.

Đối với thị trường Trung Quốc, một mặt, tiếp tục bám sát tình hình để khơi thông xuất khẩu qua tuyến biến giới đường bộ. Mặt khác, cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch để triển khai các nội dung thống nhất giữa Bộ trưởng Công Thương với Bộ trưởng Thương mại và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm đưa các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hai nước vào thực hiện để thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương.

Đáng chú ý, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Nếu EU khống chế được dịch COVID-19 trong quý II để bắt đầu quý III, quý IV khôi phục lại hoạt động sản xuất thì EVFTA sẽ là cánh cửa rộng để đưa hàng sang thị trường EU, nơi có nhu cầu nhập khẩu rất nhiều mặt hàng như dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện thoại, linh kiện điện tử… Đây cũng là những mặt hàng nước ta rất có thế mạnh và luôn dẫn đầu trong nhóm các mặt hàng chục tỉ USD nhiều năm qua.

https://laodong.vn/kinh-te/xuat-khau-sang-cac-thi-truong-lon-nhieu-tin-hieu-kha-quan-801948.ldo
 

Theo Đặng Tiến - Cao Nguyên (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh: Internet

VinFast VF5 là xe ô tô bán chạy nhất thị trường Việt Nam năm 2024

(GLO)- Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng ô tô nhập khẩu về thị trường Việt Nam năm 2024 đạt 173.561 chiếc, trị giá 3,62 tỷ USD (tăng 45,8% về lượng và tăng 27,6% về trị giá so với năm 2023). Còn tại thị trường trong nước, VinFast VF5 là xe ô tô bán chạy nhất năm với 32.000 chiếc.