Xử sao với thí sinh gian lận trong 'vụ án mua bán điểm'? Xử sao để thể hiện tính răn đe, tinh thần thượng tôn pháp luật? Làm sao để gây dựng lại niềm tin về những kỳ thi nghiêm túc?... Những câu hỏi lại được đặt ra khi một mùa thi mới bắt đầu.
Xử sao với thí sinh gian lận trong "vụ án mua bán điểm" là câu hỏi của hàng triệu phụ huynh, thí sinh và người có liên quan khi ngày 20-4 kết thúc nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH năm 2019.
Phải sớm có câu trả lời để thể hiện tính răn đe, tinh thần thượng tôn pháp luật, và cũng là gây dựng lại niềm tin về những kỳ thi, tuyển sinh nghiêm túc, công bằng.
Đến thời điểm này, thông tin mà dư luận có được về sự việc gồm: kết luận có nhiều thí sinh được sửa điểm, nhiều thí sinh đã trúng tuyển bằng điểm sửa và tùy theo cách xử lý của các trường ĐH, có thí sinh bị loại ra, có thí sinh vẫn tiếp tục học do... việc gian lận không ảnh hưởng đến quy trình, tiêu chuẩn xét tuyển.
Về cá nhân liên quan, có ba bên, tạm gọi là bên bán điểm, bên mua điểm và bên sử dụng điểm mua. Trong đó, bên bán điểm đã được xác định là một số cán bộ ngành giáo dục và ngành công an làm nhiệm vụ trong kỳ thi đã bị khởi tố để điều tra.
Trong vài trường hợp, hành vi của bên bán điểm cũng đã được xác định ít nhiều qua quy trình can thiệp vào bài thi để nâng điểm. Mục đích của bên bán điểm vì tiền hay vì quen còn phải chờ kết luận cuối cùng.
Bên mua điểm thì sao? Theo thông tin của cơ quan chức năng, nhóm mua điểm có người trong ngành giáo dục có con em dự thi, có người ở ngành khác nhưng có chức vụ, có người chỉ đơn giản là... nhà giàu.
Cụ thể họ là những ai, có hành vi gì khi mua điểm, mua điểm bằng tiền hay bằng quan hệ cũng phải chờ điều tra, kết luận.
Tranh luận những ngày gần đây liên quan nhiều đến bên sử dụng điểm mua. Có quan điểm không xử lý bằng việc suy đoán. Nhưng GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 - nêu vấn đề "bên sử dụng điểm mua" không thể không liên quan.
Bởi theo ông Đức, học lực như thế nào thí sinh tự biết, thầy cô giáo cũng biết, vì thế khó tin rằng khi điểm thi cao bất thường so với học lực hằng ngày mà thí sinh không biết (!?). Từ đó, ông Đức cho rằng lập luận có thể thí sinh không biết về gian lận này nên không có cơ sở để xử lý chỉ là bao biện.
Hiện nay, do chưa xác định thí sinh liên quan thế nào đến gian lận mới chưa xử lý thí sinh, chỉ xử lý bài thi, không công nhận kết quả bài thi đó. Nếu phát hiện thí sinh liên quan đến gian lận, lót tay, mua điểm, thậm chí khi đó thí sinh sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhận định trên hiểu một cách nôm na là thí sinh sử dụng điểm mua ung dung cầm nộp vào các trường ĐH và trúng tuyển trong khi tự biết học lực của mình đến đâu, vì thế khó tránh khỏi liên đới trách nhiệm.
Nhưng xử thế nào, chứng minh "bên sử dụng điểm mua" liên đới ra sao là sự thử thách đối với cơ quan chức năng. Câu trả lời cuối cùng phải thỏa được yêu cầu thượng tôn pháp luật, công bằng và phải được số đông tâm phục khẩu phục.
Nếu các quyết định xử lý dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau trong xã hội, không khéo quá trình gầy dựng lại niềm tin về sự công bằng trong thi cử còn trở ngại, gập ghềnh.
Phúc Nguyên (TTO)