Xử lý người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia- Còn nhiều khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 2 tháng triển khai, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh Gia Lai đã phát hiện và xử lý hơn 400 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia. Không khó để nhận ra, song con số đó so với số người thực tế có sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông hàng ngày là quá nhỏ.

Theo thống kê, phần lớn những vụ tai nạn giao thông xảy ra thời gian qua xuất phát từ nguyên nhân người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia. Bởi vậy, Tháng An toàn giao thông năm nay, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã chọn chủ đề “Phòng- chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”. Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Cảnh sát Giao thông TP. Pleiku lập biên bản một người đi xe máy có sử dụng rượu, bia quá nồng độ. Ảnh: Tiến Dũng
Cảnh sát Giao thông TP. Pleiku lập biên bản một người đi xe máy có sử dụng rượu, bia quá nồng độ. Ảnh: Tiến Dũng
Thực hiện chỉ đạo này, từ đầu tháng 9 đến nay, bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm về tốc độ, chở quá khổ, quá tải, không đội mũ bảo hiểm… như thông thường, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh còn tăng cường xử lý các trường hợp người điều khiển ô tô, mô tô, xe máy có sử dụng rượu, bia. Thậm chí, Ban Giám đốc Công an tỉnh còn chỉ đạo Phòng Cảnh sát Giao thông và Công an TP. Pleiku mở đợt cao điểm xử lý người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia trong thời gian từ ngày 5 đến 15-10. Kết quả, chỉ trong 10 ngày đó, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã phát hiện và xử lý 197 trường hợp. Còn tính cả tháng 9 và tháng 10, theo thống kê chưa đầy đủ của Văn phòng Công an tỉnh, con số này là 460 trường hợp. Trong số này, đa số các trường hợp vi phạm là người điều khiển xe máy song tỷ lệ người điều khiển ô tô, kể cả ô tô khách cũng chiếm phần không nhỏ.


Điều dễ dàng nhận thấy là số lượng các trường hợp vi phạm bị phát hiện và xử lý còn quá nhỏ so với thực tế số người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia hàng ngày ở tỉnh. Cứ nhìn vào “hệ thống” quán nhậu, nhà hàng nhiều như nấm khắp các huyện, thị xã và đặc biệt là TP. Pleiku lúc nào cũng đông chật khách là đủ hiểu, cố gắng tuyên truyền mà các cấp, các ngành, đoàn thể thực hiện thời gian qua cũng như việc xử lý của lực lượng Cảnh sát Giao thông vẫn chưa đủ mạnh để làm thay đổi nhận thức của người dân về tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ngay cả khi đã uống rượu, bia rành rành và bị lập biên bản thì theo Thượng tá Phạm Văn Uấn- Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), nhiều người, trong đó có cả những cán bộ, công chức vẫn tỏ thái độ phản ứng, thậm chí buông ra những lời nói xúc phạm đến lực lượng làm nhiệm vụ.

Cùng với công tác tuyên truyền chưa phát huy hiệu quả, việc người điều khiển phương tiện giao thông lạm dụng rượu, bia thời gian qua còn xuất phát từ chính những hạn chế trong lực lượng Cảnh sát Giao thông, cụ thể là việc thiếu máy đo nồng độ cồn. Theo Thượng tá Phạm Văn Uấn, hiện nay, có 5 đơn vị gồm Công an các huyện: Đak Đoa, Ia Pa, Krông Pa, Kông Chro và Chư Prông vẫn chưa được trang bị phương tiện này.

Trong khi đó, các đơn vị như thị xã Ayun Pa, Đức Cơ, Chư Pah, Đak Pơ, Ia Grai, Mang Yang, Chư Pưh thì có máy nhưng đều là máy cấp từ năm 2006, đến nay đã hư hỏng không sử dụng được. Những địa bàn trên, nếu không có Phòng Cảnh sát Giao thông tăng cường hỗ trợ thì việc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia không thể làm được. Còn ngay với những đơn vị có máy đo, việc kiểm tra và xử lý người vi phạm cũng không được tiến hành thường xuyên bởi địa bàn thì rộng mà lực lượng lại mỏng.

Từ thực trạng trên cho thấy, nếu các cấp chính quyền và các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng những hình thức phù hợp, hiệu quả; nếu lực lượng Cảnh sát Giao thông không được trang bị đầy đủ phương tiện làm việc và không tập trung đẩy mạnh công tác kiểm soát, xử lý thì chuyện người điều khiển phương tiện giao thông tiếp tục lạm dụng rượu, bia là điều không có gì ngạc nhiên.

Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm