"Xứ đảo" giữa lòng sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thôn Hồng Lam (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nằm giữa lòng sông Lam về phía hạ nguồn. Đây là một thôn rất đặc biệt, một “thẻo đất” 3 km2 nằm giữa tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Từ trên cầu Bến Thủy nối quốc lộ 1A nhìn xuôi về phía biển thấy Hồng Lam rất gần, có cảm giác cầm hòn đá ném là tới. Còn từ Hồng Lam, ban đêm nhìn về TP Vinh, điện rực sáng thì cứ nghĩ từ thôn bước vài chục bước chân là chạm chốn phồn hoa. Nhưng, sông Lam đã tạo, đã biến Hồng Lam thành một “xứ đảo”, gần đó mà xa đó…

 

Hồng Lam - “xứ đảo” vừa gần vừa xa.
Hồng Lam - “xứ đảo” vừa gần vừa xa.

Ngăn sông, lụy đò

Sáng sớm, dòng sông Lam êm đềm, nhưng bến đò nối đất liền phía xã Xuân Giang sang thôn Hồng Lam đã tấp nập. Tiếng nói cười rộn cả bến sông. Các cháu học sinh từ thôn sang đất liền đi học, người lớn đi làm. Trong câu chuyện, anh Trần Đình Huynh, người lái đò, chép miệng bảo, người lớn quen rồi thì không sao, nhưng bọn nhỏ đi học mới thương. Những ngày lạnh thế này, các cháu phải dậy từ khoảng 5 giờ, lo ăn sáng xong phải ra đò cho kịp chuyến lúc 6 giờ kém 15. Nếu chậm phải đi chuyến sau sẽ muộn học. Những đứa lớn, nhà có điều kiện một chút thì đạp xe ra bến, quăng xe bên bờ tre rồi sang đò, các cháu nhỏ thì người lớn phải đưa sang tận trường học. Hiện có 50 học sinh lớn, nhỏ “lụy đò” mỗi ngày. Khi thấy tôi đưa máy ảnh ra, anh Huynh kêu lên: “Ôi chú ơi, thông cảm, cho tôi giải thích đã. Thuyền có áo phao, nhưng ngày lặng sóng lặng gió thế này thì không mặc. Chú tính, nếu mỗi lượt đò qua, đò về mà mặc áo phao thì mất cả tiếng, người chờ đò sau lại muộn giờ đi làm, đi học. Với lại, dân nhà tôi quen sông nước nên cũng quen không mặc áo phao, trừ thời tiết bất thường”.

Tôi tìm đến nhà anh Lục, Trưởng thôn thì hay tin vợ anh bị gãy chân phải đưa đi bệnh viện. Từ nhà đưa vợ ra đò, sang đò rồi thuê xe chạy ngược lên thị trấn Xuân An ra quốc lộ 1, vòng sang TP Vinh. Những người thôn Hồng Lam ở vào hoàn cảnh như anh Lục chấp nhận trái tuyến (sang tỉnh Nghệ An) mất khoảng 10km, thay vì chạy vào TP Hà Tĩnh khoảng 50km. Cũng vì qua sông lụy đò nên tại thôn có một trạm y tế, nhưng trước đây thường xuyên “cửa đóng then cài”. Người dân Hồng Lam đề xuất nhiều lần thì bên Trạm Y tế xã cử một y tá mỗi tuần sang trực 2 buổi. Nhưng khổ nỗi, những hôm có người trực thì người dân không “trái gió trở trời” và ngược lại. Ngay cả việc sinh đẻ của phụ nữ trong thôn cũng “nan giải”. Bà Thìn - bà đỡ của thôn nay sức cũng đã yếu. Vì thế, chị em sắp sinh phải tính trước sang các cơ sở y tế bên đất liền nằm chờ. Thời gian gần đây, khi ông Ngô Cảnh - Trạm trưởng Y tế xã Xuân Giang, người thôn Hồng Lam nghỉ hưu, ông được thuê ra trực trạm.

Khi đi lòng vòng trong thôn, tôi bắt gặp nhiều ngôi nhà bỏ hoang, hư hỏng. Những mảnh vườn trước nhà, ai đó tận dụng trồng ngô, nhưng nhiều mảnh vườn bỏ hoang cho cỏ dại, dây leo mọc um tùm. Anh Nguyễn Bá Ngọc, Công an viên thôn Hồng Lam, cho hay, những ngôi nhà ấy đã được chủ nhà bán. Bình quân mỗi năm có đến 10 hộ bán nhà ra đi. Những người ra đi sau này phần lớn là theo con cái đã lập nghiệp ổn định ở nơi khác. Còn trước đây, người Hồng Lam ra đi vì sống ở xứ đảo quá khắc nghiệt, nhất là mùa mưa bão. Đặc biệt, sau hai trận bão lớn năm 1978 và 1988, người dân bỏ quê ra đi rất nhiều, chủ yếu vào Đak Lak, Gia Lai,… Thời đó thôn có đến 600 hộ, đến nay chỉ còn 182 hộ với 502 nhân khẩu.

Dường như, càng ngày thiên nhiên càng khắc nghiệt hơn với người Hồng Lam. Đất nhiễm mặn không trồng được lúa, chỉ có trồng lạc và trồng cói nên quanh năm phải đi mua gạo từ đất liền. Nhưng lạc trồng gặp hạn thì mắt trắng, cói khi thu hoạch vào tháng 8,9 gặp lụt cũng “úng” theo. Vì hoàn cảnh ấy nên nhiều gia đình đã phải dứt áo ra đi. Những ngôi nhà, mảnh vườn thân thương được bán với giá rất rẻ. Một gia đình bán đi 500 m2, trong đó có 200 m2 đất ở, 300 m2 đất vườn nhưng chỉ được có 60 triệu đồng. Có khoảng 70-80 nhà đã được bán trong tình cảnh như vậy. Phần lớn trong số này bán cho một doanh nghiệp ở TP. Vinh. “Cũng vì người bỏ đi nhiều mà ngay cả việc nhỏ như mắc bóng điện đường cho sáng cũng khó khăn, vì cách 4-5 nhà mới có một nhà ở”, anh Ngọc cho hay.

Tôi dừng lại bên Trường Tiểu học Xuân Giang 2. Quá đỗi ngạc nhiên vì đang là buổi sáng, ngày đầu tuần nhưng cửa trường đóng, được buộc bằng một sợi dây tạm bợ. Ngôi trường 2 tầng, 8 phòng khang trang nằm lặng im cùng mấy cây phượng phía trước. Phòng hiệu trưởng, văn phòng, các lớp học cửa đóng im lìm. Một số phòng cửa chính, cửa sổ đã hư hỏng, nhìn vào bên trong thấy tường rêu phong, tranh ảnh rách nát, ngổn ngang vật dụng… Chúng tôi thấy trên tấm biển giữa dãy phòng học ghi đây là công trình được Bộ Công an tài trợ xây dựng và hoàn thành năm 2002. Bác Huy, một người sống gần trường, cho biết, do thôn chủ yếu là người già, lớp trẻ ra đi và sinh con đẻ cái nơi khác nên thôn ít trẻ con. Mấy năm gần đây trường cứ thưa vắng dần. Năm học trước trường có 3 học sinh và 2 cô giáo. Năm nay, nhà trường đã đưa 3 cháu và mấy cháu mới lên lớp 1 sang đất liền học.

 

Người dân đợi đò để về “xứ đảo” Hồng Lam.
Người dân đợi đò để về “xứ đảo” Hồng Lam.

“Xứ đảo” của người lớn tuổi

Khi tôi đến tìm nhà trưởng thôn, chỉ có mẹ anh Lục là bà Trần Thị Cháu (86 tuổi) ở nhà. Bà bảo phải ở nhà một mình, vì nhà neo người. Bà và ông cùng thôn Hồng Lam lấy nhau, sinh con cũng ở trong thôn. Nay ông mất rồi, con cháu cũng đi gần hết. Trong 5 người con của bà có 3 người đi vào Nam. 22 đứa cháu và chắt thì chỉ có 2 đứa ở nhà, nhưng một đứa cũng mới đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Trước đây bà làm nghề trồng cói dệt chiếu, nhưng bà đã bỏ nghề từ lâu. Cũng từ lâu lắm bà không ra khỏi xứ đảo. Bà móm mém hỏi: “Ở trong bờ nớ lâu ni có chi vui không?”.

Tôi ghé vào chợ. Gọi là chợ nhưng thực ra là một cái nhà tuềnh toàng với mấy cây cột và vài tấm tôn lợp lên. Bà Nguyễn Thị Huế cười: “Đây không phải chợ Hồng Lam mà là chợ 4 bà”. Gọi thế vì quanh năm suốt tháng chỉ có 4 người phụ nữ ngồi bán. Vì trong thôn phần đông là người lớn tuổi nên họ vẫn giữ thói quen tự cung tự cấp. Có những món được xem là đặc sản đối với người ngoài như cá mòi sông Lam thì dân vùng sông nước này lại quá quen thuộc, khó bán. Bốn bà cứ thế ngồi từ sáng cho đến khi “thấy có khói lên ở bếp nhà đàng trước là về”.

Bà Hoàng Thị Xuân cho hay, Hồng Lam giờ phần đông là người lớn tuổi. Thanh niên lớn lên không đi học thì đi làm ăn xa, sau đó lập nghiệp nơi đất khách, không muốn về. Những đứa lập nghiệp ổn định thì về đưa bố mẹ đi cùng. Một số đứa đi làm công nhân rồi xây dựng gia đình, vì khó khăn nên mới đem con về gửi ông bà nuôi. Vì thế, trong thôn phần nhiều là các gia đình ông bà và cháu, chứ ít bố mẹ và con. Lâu lâu trong thôn mới có một đám cưới. “Mấy năm trước ít đám cưới lắm. Nhưng mới từ đầu năm đến giờ mà thôn có 3 đám rồi đấy?”, bà Xuân cười phấn khởi.

Chia tay xứ đảo, về đến bờ bên đất liền, tôi bắt gặp một nhóm học sinh đi học về. Nhìn các em bước lên thuyền, cười lan theo sóng nước, trong tôi bật lên câu hỏi: Đến khi nào người xứ đảo các em mới có một “nhịp cầu nối những bờ vui”?

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.