Xôi măng đặc sản Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến Tây Nguyên, du khách thường tìm về Buôn Ma Thuột để thưởng thức hương vị cà phê, đến Gia Lai để ăn thử món phở khô… Và khi đến Kon Tum, nhiều người cũng không quên một lần thử cảm nhận hương vị măng rừng qua món xôi măng đậm đà, lạ miệng.

Xôi măng được xem là một món đặc sản của Kon Tum với sự hòa quyện giữa màu vàng của xôi nếp, măng rừng; màu nâu đậm của khúc cá nục kho; tất cả được gói trong lá chuối xanh thẫm, bên trên được tô điểm bởi một quả ớt đỏ đầy hấp dẫn.

 

Xôi măng. Ảnh: H.Đ
Xôi măng. Ảnh: H.Đ

Xôi măng được biết đến từ năm 1979, do bà nội chị Nguyễn Thị Thu Thanh làm bán rồi truyền lại cho con cháu, đến nay đã 3 đời. Hiện ở TP. Kon Tum chỉ có một điểm bán duy nhất tại góc đường Lê Hồng Phong-Lê Lợi, bán từ 5 đến 8 giờ sáng mỗi ngày. Chỉ một thúng xôi, một nồi cá nục kho, một nồi măng vàng tươi, ấy vậy mà khách cứ nườm nượp, người bán không có thời gian nghỉ tay. Không chỉ người dân Kon Tum hoặc khách du lịch trong nước mà thỉnh thoảng còn có những vị khách nước ngoài nghe giới thiệu cũng tìm đến xếp hàng mua xôi từ sớm. Thực khách có thể ăn ngay tại chỗ hoặc mua đem về.  

Thoăn thoắt gói xôi cho khách, chị Thanh chia sẻ: “Để có được món xôi măng ngon, tất cả các công đoạn phải được làm tỉ mỉ và sạch sẽ. Quan trọng nhất là khâu kho măng và kho cá, măng và cá đậm đà thì xôi măng mới ngon. Nhìn đơn giản là vậy nhưng kỳ công lắm, phải chuẩn bị mất cả ngày hôm trước thì hôm sau mới có xôi để bán”. Theo chị Thanh, măng được chọn là loại măng rừng của bà con dân tộc thiểu số địa phương cung cấp, còn cá nục được gửi mua từ các mối quen ở Quy Nhơn lên. Nếp làm món xôi măng phải là loại có hạt tròn, to để cho ra xôi mềm, dẻo. Điều đặc biệt là món xôi này phải được nấu bằng bếp củi mới đem lại hương vị chân chất, mộc mạc làng quê.

Với những “bí quyết” trên, chỉ trong vòng 3 tiếng buổi sáng, chị Thanh bán hết veo chừng 30 kg nếp, 7 kg cá nục, 14 kg măng. Có những khách hàng quen mặt mà không nhớ tên, cứ gọi chị Thanh là “chị xôi măng”. Khách đến ăn xôi còn truyền miệng về chất lượng, đảm bảo vệ sinh cũng như tính dễ chịu của người bán hàng vì ai mua bao nhiêu chị cũng bán (với giá từ 3 ngàn đồng đến 20 ngàn đồng tùy vào yêu cầu của khách).

Chị Thúy Liễu-một khách hàng quen thuộc của chị Thanh kể: “Tôi mới ở TP. Hồ Chí Minh về Kon Tum, việc đầu tiên là phải chạy ra đây đứng đợi mua xôi măng về ăn sáng, ra chậm chút là hết ngay. Đi xa, nhớ Kon Tum là nhớ đến xôi măng vì tôi ăn món này từ khi còn bé xíu”.

Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Thực hiện Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã nỗ lực, tập trung hiện thực các chỉ đạo, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Xa dần tiếng trống hơ gơr

Xa dần tiếng trống hơ gơr

(GLO)- Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trống là vật thiêng, có Yàng trống bảo hộ, có giá trị cao nên cất giữ nơi trang trọng và được đem ra dùng trong những dịp lễ hội lớn của buôn làng hoặc gia đình. Ngày nay, các buôn làng ở Tây Nguyên dường như xa dần tiếng trống hơ gơr.