(GLO)- Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% (cuối năm 2015) đã giảm còn 13,34% (cuối năm 2017). Mục tiêu của toàn tỉnh là sẽ có 9.634 hộ thoát nghèo vào cuối năm 2018.
Từ ý thức thoát nghèo của người trong cuộc
Đến làng Mèo Lớn (xã Đak Pling, huyện Kông Chro), hỏi gia đình anh Đinh Anghel ai cũng biết bởi đức tính cần cù, siêng năng, ham học hỏi để làm giàu của vợ chồng anh chị. Trước đây, gia đình anh Anghel có 3 sào mì nhưng vất vả quanh năm do thu nhập bấp bênh. Sau đó, anh quyết định chuyển đổi 1 sào đất sang trồng chuối để lấy ngắn nuôi dài. “Chuối cho quả to, thơm, ngọt, giá trung bình 20.000 đồng/buồng, thương lái vào tận rẫy thu mua. 1 sào chuối này mỗi năm cho thu nhập gần 40 triệu đồng”-anh Anghel tâm sự.
Gia đình anh Nhem sau nhiều năm nỗ lực đã thoát nghèo và đang xây căn nhà trị giá hơn nửa tỷ đồng. Ảnh: Đ.Y |
Tiếp đó, anh còn mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội mua máy xay xát lúa lưu động. Công xay xát được bà con trả bằng gạo, lúa, anh gom lại đem ra trung tâm huyện bán lấy lãi. Để vợ vừa có việc làm vừa chăm sóc con cái, anh Anghel mở cửa hàng tạp hóa phục vụ bà con trong làng, xã. Nhờ năng động, chịu khó, anh đầu tư trồng thêm 2 sào keo lai. “Theo tôi, chỉ cần mình chịu khó, biết áp dụng mô hình kinh tế phù hợp thì thoát nghèo không khó”-anh Anghel chia sẻ. Với sự chăm chỉ, năng động, năm 2013, gia đình anh Anghel đã thoát nghèo.
Gia đình anh Nhem (làng Krái, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) lại phấn đấu thoát nghèo theo cách khác. Năm 1998, anh lập gia đình và được bố mẹ bên vợ cho đất dựng căn nhà ở tạm. Cuộc sống gia đình anh ngày ấy rất khó khăn, cả 2 vợ chồng không ruộng rẫy, nghề nghiệp, quanh năm làm thuê mà vẫn không đủ gạo ăn. Rồi lần lượt 3 đứa con ra đời, cái nghèo lại càng đeo bám. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, căn nhà tạm của vợ chồng anh được thay thế bằng nhà xây từ Chương trình 167. Rồi anh chị mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội 7 triệu đồng mua 2 con bò về nuôi. Ngoài việc đồng áng, anh Nhem còn tranh thủ đi làm thuê cho các doanh nghiệp ở thị trấn Đak Đoa, tiền công anh gom góp mua đất sản xuất. Năm 2008, anh mua được 2,5 sào đất rẫy trồng cà phê. Đất không phụ người, 3 năm sau, vườn cà phê cho thu bói. Tích lũy được, anh chị lại mua rẫy. Đầu năm 2012, gia đình anh tự nguyện viết đơn xin được thoát nghèo. Hiện tại, anh chị có 1,7 ha cà phê, 500 trụ hồ tiêu bước vào giai đoạn kinh doanh năm thứ 5. Đến nay, gia đình anh Nhem là hộ có kinh tế khá nhất làng, thu nhập mỗi năm (sau khi trừ chi phí) gần 200 triệu đồng. Căn nhà nhỏ ngày nào giờ đã được thay thế bằng ngôi nhà trị giá hơn nửa tỷ đồng.
Hỗ trợ bằng nhiều cách thiết thực
Cùng với nhân tố quan trọng nhất là nỗ lực của cá nhân và gia đình hộ nghèo, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai hỗ trợ bằng những giải pháp sáng tạo, thiết thực.
Ông Trương Văn Độ-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ-cho biết: Cách làm của địa phương là giúp hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, gắn vay vốn với hỗ trợ cây-con giống, khuyến nông-khuyến lâm và vận động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội; thiết lập cầu nối giữa doanh nghiệp cao su đứng chân trên địa bàn với người nghèo để hỗ trợ giải quyết việc làm. Huyện cũng tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển và nhân rộng các mô hình giảm nghèo đã thực hiện có hiệu quả; ưu tiên hỗ trợ những vùng khó khăn, những hộ nghèo có ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Tại huyện Krông Pa, theo ông Nguyễn Văn Hường-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, sau khi rà soát và nhận thấy nguyên nhân nghèo là do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, nhiều lao động nông thôn không có việc làm, không có tay nghề, ốm đau, mắc vào các tệ nạn, chây lười lao động... huyện đã lên kế hoạch cụ thể để đồng hành cùng người dân trong “cuộc chiến” xóa nghèo. Đó là giao cho các hội, đoàn thể và chính quyền địa phương kèm cặp giúp đỡ, hướng dẫn và tư vấn kinh nghiệm phát triển kinh tế cho hộ nghèo. Sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của hộ nghèo đã tạo ra các nguồn lực cả về vật chất lẫn tinh thần giúp các hộ nghèo có thêm lòng tin, ý chí, biết cách tổ chức cuộc sống, học hỏi cách làm ăn, học nghề, tự tạo được việc làm.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác giảm nghèo, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổng hợp, tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thực hiện Dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, khi được thông qua và ban hành, đầu năm 2019, Dự án sẽ hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/hộ nghèo, 12 triệu đồng/hộ cận nghèo và 9 triệu đồng đối với hộ mới thoát nghèo.
Đinh Yến