Xét xử vụ hỗn chiến tranh giành đất làm chết người từng gây xôn xao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù con trai bị đánh nằm một chỗ nhưng tại tòa, người mẹ vẫn cúi đầu xin được giảm án cho các bị cáo – vốn là những nông dân nghèo.
Sáng 27-5, tại trụ sở TAND tỉnh Đắk Lắk, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử 8 bị cáo gồm: Phạm Thị Phượng (47 tuổi) Nguyễn Văn Hiệp (29 tuổi), Dương Văn Huấn (36 tuổi), Nguyễn Văn Hoàng (31 tuổi), Nguyễn Văn Thủy (28 tuổi), Dương Văn Hiến (31 tuổi), Nguyễn Trọng Tố (33 tuổi) và Hà Văn Pha (43 tuổi, cùng trú huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) về tội giết người và cố ý gây thương tích.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm
Đây là vụ án từng được dư luận đặc biệt quan tâm khi chỉ vì tranh chấp đất rừng mà xảy ra hỗn chiến làm 1 người chết, 7 người khác bị thương. 
Từ sáng sớm, nhiều người dân từ huyện biên giới Ea Súp đã tới theo dõi phiên tòa. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết những người không có giấy triệu tập không được vào tòa.
Theo cáo trạng, vào năm 2010, ông Nguyễn Duy Điển (ngụ tỉnh Bình Phước) mua lại 9,5 ha đất lâm nghiệp từ một người dân tại tiểu khu 263 (xã Ea Bung, huyện Ea Súp) bằng giấy viết tay. Đến năm 2016, ông Điển và ông Đặng Văn Hà (biệt danh Hà "đen", 48 tuổi, ngụ huyện Ea Súp) và một số người khác xảy ra tranh chấp. Sau đó, ông Điển viết giấy tay, giao đất cho bà Phạm Thị Phượng ở gần đó trông giữ, canh tác.
Ngày 5-12-2017, anh Nguyễn Văn Hoàng (con trai bà Phượng) san ủi đất thì anh Đặng Văn Sơn (con trai ông Hà) dùng dao đuổi chém gây thương tích 5%. Đến ngày 16-12-2017, cả 2 bên tiếp tục xảy ra tranh chấp khu đất. Phía ông Hà có gần 10 người mang theo mã tấu, súng tự chế, gậy gộc kéo vào. Còn bà Phượng sau khi gọi điện báo cho chính quyền địa phương thì một số người dân gần đó đến giúp.
Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, khoảng 40 người dân ở khu vực gần đó mang theo cuốc, xẻng, gậy gộc…đến giúp bà Phượng tìm cách đối phó với nhóm của ông Hà rồi xảy ra hỗn chiến.
Hậu quả của vụ hỗn chiến khiến 8 người trong nhóm ông Hà thương vong. Trong đó, anh Phạm Thế Văn tử vong; các anh Trịnh Sơn Thành thương tích 77%, Đặng Công Hải thương tích 37%, Đặng Văn Hà thương tích 33%, Đặng Công Báo thương tích 28%, Nguyễn Cao Nguyên thương tích 25%, Đặng Văn Sơn thương tích 19% và Vũ Hồng Phong thương tích 4%.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Phùng Thị Độ (mẹ của anh Trịnh Sơn Thành) cho biết trong thâm tâm, bà rất giận các bị cáo vì đã khiến con bà thương tật, phải nằm một chỗ. Tuy nhiên, bà Độ vẫn cúi đầu xin HĐXX giảm án cho các bị cáo để họ có cơ hội làm lại cuộc đời. "Quê tôi nghèo, các bị cáo đều là nông dân, hoàn cảnh rất cơ cực. Vì ai cũng muốn có nương rẫy canh tác nên xảy ra cơ sự như vậy. Xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các cháu" – bà Độ nói khiến nhiều bị cáo bật khóc.
Sau 1 buổi xử án, HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm, tuyên phạt các bị cáo: Phạm Thị Phượng 21 năm tù, Nguyễn Văn Hoàng 20 năm tù, Nguyễn Văn Hiệp 20 năm tù, Dương Văn Hiến 19 năm tù, Dương Văn Huấn 19 năm tù, Nguyễn Trọng Tố 18 năm tù, Nguyễn Văn Thủy 14 năm tù và Hà Văn Pha 15 năm tù về các tội Giết người và Cố ý gây thương tích.
Theo Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.