Đắk Nông: Hàng nghìn ha rừng bị "cạo trọc" như thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng trăm hộ dân tràn vào rừng dựng nhà, “cạo trọc” hàng nghìn ha rừng, mua bán nhộn nhịp trước sự bất lực của đơn vị quản lý rừng và chính quyền địa phương.
"Nhảy dù" vào đất rừng
Nhận thông tin về việc hàng trăm hộ dân "nhảy dù" vào rừng, đốt phá, lấn chiếm hàng nghìn ha rừng tại xã Đắk Mol, huyện Đắk Song (Đắk Nông), PV Dân Việt đã thâm nhập thực tế.
Gần 1ha rừng do Công ty lâm nghiệp Đức Hòa quản lý vừa bị 3 đối tượng phá trắng để chiếm đất
Gần 1ha rừng do Công ty lâm nghiệp Đức Hòa quản lý vừa bị 3 đối tượng phá trắng để chiếm đất
Con đường đất dẫn vào các tiểu khu 1104 và 1111 xuyên qua rừng. Dọc đoạn đường chỉ hơn 10 km có đến 3 trạm bảo vệ rừng, gồm 1 trạm của Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song và 2 trạm của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đức Hòa (doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh Đắk Nông làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng).
Nhưng thật bất ngờ, vừa qua khỏi Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 của Công ty lâm nghiệp Đức Hòa được vài trăm mét, trước mắt chúng tôi là cảnh tượng rừng bị chặt phá, đốt cháy nham nhở. Rẫy cũ đã canh tác vài năm, rẫy mới tinh trên rừng vừa chặt phá.
Nhiều đối tượng
Nhiều đối tượng "nhảy dù" vào giữa rừng, từ đó phá dần ra xung quanh để chiếm đất
Ngay sau những tấm biển "cấm chặt phá rừng, sang nhượng đất rừng" là những khoảnh rừng bị chặt phá, đốt dọn sạch sẽ, khói lửa còn bốc lên nghi ngút. 
Cạnh đó là những tấm biển "bán đất" do những người phá rừng dựng lên, rao bán khoảnh đất rừng đã bị đốt, phá. Tây Nguyên sắp vào mùa mưa nên việc chặt phá, đốt dọn càng khẩn trương. Có cả máy cày, xe chở phân bón rầm rộ đi qua 3 trạm gác để tiến thẳng vào rừng…
Rừng bị
Rừng bị "cạo trọc" ngay phía sau biển "cấm chặt phá rừng"
Còn tại xã N'Jang (cùng huyện Đắk Song), rừng do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk N'tao quản lý cũng có nhiều ha bị chặt phá, lấn chiếm, dựng nhà ở. 
Nhiều cánh rừng tại tiểu khu 1656 của đơn vị này đã biến thành rẫy cà phê, chanh dây xen những gốc cây to còn sót lại, một số diện tích mới chặt đốt chưa kịp gieo trồng. 
Trước sự chứng kiến của một cán bộ Công ty lâm nghiệp Đắk N'tao, một người dân phá rừng nói với chúng tôi: "Chỗ rừng này mình phá để trồng mì. Biết là phá rừng rồi, nhưng nhà mình có 9 đứa con nên phải có đất làm chứ, với lại xung quanh họ cũng chiếm hết rồi…".
Nhộn nhịp mua bán đất rừng
Cũng chỉ cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 của Công ty lâm nghiệp Đức Hòa là hàng trăm căn nhà được dựng lên, mỗi nhà có từ 3 – 6 người, ước tính số người cư trú bất hợp pháp tại tiểu khu 1104 và 1111 lên tới cả nghìn.
Xe chở phân bón vào rừng để... sản xuất
Xe chở phân bón vào rừng để... sản xuất
Khi được hỏi, những người ở đây đều không nhận mình phá rừng, mà nói sang nhượng lại từ người khác. Anh Dương Kim Hiển (trú xã Cư San, huyện M'Đrắk, Đắk Lắk) cho biết: "Năm ngoái tôi vào đây mua 1 ha đất đã trồng cà phê rồi, mua xong làm nhà ở luôn, chứ đâu có phá rừng". 
Anh Hiển cho biết thêm, những cánh rừng ở đây đều có chủ hết rồi, đâu đến lượt anh. "Rừng chưa phá nhưng họ chiếm rồi, hoặc đã mua lại của người khác, mình vào phát dọn là có người ra ngay", anh Hiển nói.
Hàng trăm căn nhà mọc lên ở tiểu khu 1111 do Công ty lâm nghiệp Đức Hòa quản lý, ngay phía sau biển
Hàng trăm căn nhà mọc lên ở tiểu khu 1111 do Công ty lâm nghiệp Đức Hòa quản lý, ngay phía sau biển "cấm phá rừng"
Ông Nguyễn Quốc Hoàng - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 (Công ty lâm nghiệp Đức Hòa) thừa nhận tình trạng mua bán đất rừng trái phép trong lâm phần quản lý và trạm không kiểm soát được. 
"Việc mua bán đất rừng là có, khi chúng tôi hỏi có người cho xem giấy viết tay, có người giấu nên mình không nắm hết được", ông Hoàng nói. 
Còn ông Nguyễn Xuân Diệu – Giám đốc Công ty lâm nghiệp Đắk N'Tao cũng cho biết, những người mua bán rừng, đất rừng chỉ cần ngồi ở quán cà phê, giao dịch số tiền lên đến trăm triệu bằng giấy viết tay.
Chỉ riêng trong năm 2019, tính đến cuối tháng 9, toàn tỉnh Đắk Nông xảy ra 136 vụ phá rừng với diện tích hơn 40,8ha. Tuy nhiên chỉ có 9 vụ khởi tố hình sự, còn lại xử lý hành chính 127 vụ, phần lớn các vụ phá rừng đều không phát hiện được đối tượng.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Theo Đặng Trung Kiên (Dân Việt)

https://danviet.vn/dak-nong-hang-nghin-ha-rung-bi-cao-troc-nhu-the-nao-20200526102721949.htm

Có thể bạn quan tâm