Xét xử Phượng "râu" và 23 bị cáo trong đường dây gỗ lậu khủng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các bị cáo đều trong đường dây gỗ lậu lớn nhất mà lực lượng chức năng phát hiện hồi tháng 4/2018.

 

Sáng 17/9, TAND tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Phan Hữu Phượng (tức Phượng "râu") và 23 bị cáo khác về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, đưa, nhận hối lộ…

Các bị cáo đều trong đường dây gỗ lậu lớn nhất mà lực lượng chức năng phát hiện hồi tháng 4/2018.


 

Phượng
Phượng " râu" cùng các bị cáo tại phiên tòa.



Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Nông, lợi dụng việc vận chuyển gỗ mua đấu giá, Phan Hữu Phượng (SN 1968, trú tỉnh Đắk Nông), Nguyễn Thành Kiệt (SN 1966, trú tại TP Cần Thơ) bàn bạc với nhau, tổ chức khai thác và mua thêm gỗ bất hợp pháp tại khu vực Vườn quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk). Số gỗ này sẽ được vận chuyển cùng với gỗ trúng đấu giá về huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) để tiêu thụ.

Ngày 8/3/2017, Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk có công văn chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn phối hợp với Vườn quốc gia Yók Đôn và Đồn biên phòng 747 đóng dấu búa kiểm lâm đối với lô gỗ mà Kiệt và Phượng mua trúng đấu giá.

Sau đó, Kiệt và Phượng giao cho Nguyễn Hoàng Trang (SN 1982, trú tỉnh Khánh Hòa) liên hệ với Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) để được đóng dấu búa kiểm lâm lô gỗ mua đấu giá.

Trang đến gặp Bùi Văn Khang – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn thì được Khang đồng ý cho tổ chức đóng dấu búa kiểm lâm toàn bộ lô gỗ trúng đấu giá vào ngày 29/3/2017.

Sau khi hoàn thành việc đóng búa, ngày 31/3/2017, Kiệt và Phượng đưa cho Trang số tiền 120 triệu đồng để Trang đến bồi dưỡng cho Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn.

Nghiệm thu đóng búa xong, Phượng và Kiệt tổ chức vận chuyển gỗ, đồng thời tổ chức việc thu mua, khai thác gỗ trái phép tại Vườn Quốc gia Yók Đôn.

Cũng theo cáo trạng, Phượng và Công ty Thảo Trúc do Nguyễn Thành Kiệt làm giám đốc, đã làm hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá tài sản và trúng đấu giá gỗ trôi dạt, vùi lấp dưới lòng suối Đắk Đam do Vườn Quốc gia Yók Đôn trục vớt, với khối lượng 640,022 m3 gỗ các loại. Ngày 23/1/2017, Phượng và Kiệt ký hợp đồng mua gỗ với số tiền là hơn 2,4 tỉ đồng với Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk.

Từ tháng 4/2017 đến 27/4/2018, lợi dụng việc vận chuyển gỗ đấu giá, các đối tượng đã khai thác trái phép 43 cây gỗ các loại trong lâm phần do Vườn quốc gia Yók Đôn quản lý. Đồng thời, các đối tượng còn tổ chức thu mua gỗ bất hợp pháp của những đối tượng khác ở khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia.

Để việc khai thác, mua bán gỗ trái phép được thuận lợi, Phượng giao cho em trai là Phan Hữu Quyền (SN 1975) và Lê Văn Chinh (SN 1969, trú tại thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút) trực tiếp chỉ đạo việc khai thác và mua bán gỗ bất hợp pháp trong khu vực Vườn quốc gia Yók Đôn.

Căn cứ sổ ghi chép và dữ liệu trong máy tính của Trang cho thấy, trong khoảng thời gian từ 10/4/2017 đến 27/4/2018, Phượng và Kiệt đã vận chuyển gần 1.500 m3 gỗ các loại. Trong đó, gỗ bất hợp pháp là 918,128 m3.

Đến ngày 27/4/2018, khi đang chở gỗ bất hợp pháp của Phượng về kho xưởng ở huyện Cư Jút thì các đối tượng bị Bộ Công an và Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp bắt quả tang, với tang vật là 44,905 m3 gỗ các loại từ nhóm IIA đến nhóm V không có giấy tờ hợp pháp.

Tiến hành kiểm tra, khám xét các kho bãi trên địa bàn huyện Cư Jút, các cơ quan chức năng còn thu giữ hơn 534 m3 gỗ bất hợp pháp. Như vậy, tổng khối lượng gỗ bất hợp pháp thu giữ được là hơn 632,005 m3, với giá trị hơn 3,1 tỉ đồng.

Phan Hữu Phượng, Nguyễn Thành Kiệt, Nguyễn Hoàng Trang bị truy tố tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" và tội "Đưa hối lộ". 15 bị cáo khác bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản".

Bị cáo Lê Quang Thái (cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông), Nguyễn Lợi (cán bộ Công ty lâm nghiệp Đắk Wil), Nguyễn Tấn Bình (cán bộ Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn), Bùi Đăng Hiệp (cán bộ Công ty lâm nghiệp Đắk Wil), Phạm Văn Hồng (cán bộ Công ty lâm nghiệp Đắk Wil) bị truy tố về tội "Nhận hối lộ".

Bùi Văn Khang (Kiểm lâm huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), Hà Thăng Long (Kiểm lâm huyện Buôn Đôn) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Phiên toàn dự kiến sẽ được diễn ra trong 2 ngày.

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Rượu ghè men lá H'nham

Rượu ghè men lá H'nham

Đặt trên bàn những ghè rượu mới ủ, các chị em trong tổ liên kết nấu rượu ghè và dệt thổ cẩm ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) giới thiệu rất hấp dẫn về sản phẩm mình làm ra: Một thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, không giống với loại men ở bất cứ nơi nào.

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23/6

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23-6

Việc vận hành thử nghiệm đối với các đơn vị hành chính cấp xã được chọn nhằm đánh giá trực quan để rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh nếu có khó khăn, vướng mắc; bảo đảm hoạt động của tất cả 124 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng mới thông suốt, khi chính thức hoạt động từ ngày 1-7.

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

Hỏi cây K'nia

Hỏi cây K'nia

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, người có vốn hiểu biết đáng nể về Tây Nguyên, vừa gặp tôi và than: "Em đang tìm làm một vệt clip về cây K'nia mà giờ khó tìm quá, hầu như đã hết".

null