(GLO)- Ngày 14-7 tới sẽ là thời hạn cuối cùng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) công bố ngưỡng chất lượng đầu vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Ngay sau đó, các trường sẽ công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Với những thay đổi trong quy chế kỳ thi THPT Quốc gia 2017, cơ hội quả thật nhiều hơn, nhưng để lựa chọn được trường học, ngành học phù hợp với điều kiện, nguyện vọng, thí sinh sẽ phải cân nhắc khá nhiều.
Ảnh: H.U |
Trong số rất nhiều câu hỏi thí sinh Gia Lai gửi về cho các chuyên gia trong chương trình tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 vừa được tổ chức tại TP. Pleiku ngày 4-7, có không ít câu hỏi liên quan đến một quy định mới, đó là thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sau khi biết điểm thi THPT Quốc gia. Cụ thể, với 2 hình thức: trực tuyến và sử dụng phiếu thay đổi nguyện vọng, từ ngày 15-7, tất cả các thí sinh đều có quyền thay đổi 1 lần duy nhất nguyện vọng đã đăng ký trước đó. Đây là cơ hội để thí sinh tăng thêm khả năng trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, thí sinh cần phải cân nhắc để tận dụng hiệu quả cơ hội này. “Đừng chỉ đơn thuần dựa trên mong muốn của cá nhân như phải vào trường nào hoặc ngành nào đó mà thay đổi nguyện vọng của mình. Cần phải dựa trên những căn cứ xác đáng và cụ thể như số điểm của mình và các thông tin tuyển sinh của trường/ngành đó như chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện xét tuyển…”-Th.S Nguyễn Thị Xuân Dung-Phó Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech), thành viên ban tư vấn-đưa ra một số lời khuyên.
Bên cạnh đó, bà Dung cũng lưu ý thí sinh một thông tin: Các trường ĐH, CĐ năm nay có tổ chức xét tuyển theo học bạ rất nhiều, có trường còn tổ chức thêm các kỳ thi riêng. Đây cũng là một cơ hội tốt để các thí sinh có điểm thi THPT Quốc gia 2017 không cao vẫn có khả năng trúng tuyển ĐH, CĐ nếu có kết quả học tập bậc THPT tốt. Theo đó, thí sinh nên theo dõi các trang thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT hoặc website của các trường cụ thể để nắm rõ hình thức tuyển sinh của từng trường, từ đó lựa chọn con đường nào là dễ dàng nhất để đến được cánh cổng của ngôi trường mình mơ ước.
Một trong những vấn đề cũng nhận được sự quan tâm của thí sinh và phụ huynh là nhóm ngành nghề nào mang lại cơ hội việc làm nhiều nhất sau khi ra trường. Ông Nguyễn Quốc Cường-Phó ban Đào tạo của Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh, nhận định: “Theo khảo sát của chúng tôi, đa phần các thí sinh khu vực Tây Nguyên và miền Trung thường thích ở lại các thành phố lớn sau khi ra trường bởi họ nghĩ rằng về quê thì khó kiếm việc làm hơn. Nhưng theo tôi thì không phải vậy. Khi bạn có đầy đủ kiến thức, kỹ năng thì hoàn toàn có cơ hội việc làm. Hiện Chính phủ đang tập trung đầu tư cho khu vực “3 Tây” là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Theo đó, cơ hội việc làm cho các em là rất nhiều”. Ông Cường cũng gợi ý về những ngành được đánh giá là có nhiều ưu thế cho thí sinh Gia Lai như nhóm ngành về công nghệ như công nghệ thông tin, cơ khí (cơ khí nông nghiệp, sản xuất, sửa chữa máy móc nông nghiệp, hệ thống bơm tưới…), công nghệ chế biến (chế biến thực phẩm, các sản phẩm từ cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê, cao su …). Một nhóm ngành khác cũng rất tiềm năng là nhóm ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện nay, bậc học nào không còn quan trọng bằng việc mình đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động ra sao. Thực chất, nếu bạn hội tụ đủ các yếu tố: chuyên môn vững; ngoại ngữ và tin học giỏi; kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp vượt trội thì chắc chắn là các doanh nghiệp sẽ trải thảm mời các bạn vào làm Th.S PHẠM DOÃN NGUYÊN-Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Kinh tế-Tài chính TP. Hồ Chí Minh |
Theo dự báo, nhu cầu về nguồn nhân lực của Việt Nam đang có xu hướng dịch chuyển theo các tỷ lệ: trình độ ĐH (13%), CĐ (13%), trung cấp (35%), còn lại là sơ cấp và lao động phổ thông. Sau khi các con số này được công bố tại chương trình, nhiều thí sinh và phụ huynh gửi câu hỏi băn khoăn về việc lựa chọn bậc học. Th.S Phạm Doãn Nguyên-Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Quan niệm cho rằng bằng mọi cách phải vào được đại học không còn phù hợp nữa. Bằng cấp không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng là năng lực và niềm đam mê, trong đó năng lực sẽ chiếm 60% trong suốt quá trình các bạn lựa chọn nghề nghiệp của mình”.
Hải Uyên