(GLO)- Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay diện mạo các làng này đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao.
1. Ông Hà Văn Che-Phó Bí thư chi bộ làng Lũng Vân (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) cho biết: Làng có 7 dân tộc anh em, trong đó 98% là đồng bào dân tộc thiểu số từ tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa di cư vào đây lập nghiệp. Khoảng 20 năm trước, đời sống bà con rất khó khăn, giao thông cách trở, sản xuất nông nghiệp lạc hậu nên thường xuyên đói giáp hạt. “Năm 2005, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên cuộc sống người dân dần ổn định, kinh tế từng bước phát triển. Đáng chú ý, cán bộ nông nghiệp xã, huyện xuống tận nhà hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn đưa giống cây trồng mới năng suất cao vào sản xuất… tạo động lực cho người dân trong làng phát triển kinh tế để thoát nghèo, mang lại cuộc sống ấm no như hôm nay”-ông Che thông tin.
Đường giao thông nông thôn vào làng Lũng Vân (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông). Ảnh: N.D |
Ông Trần Văn Văn-Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Gia Lai: “Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, diện mạo nhiều làng trong tỉnh đã chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang; dân cư, nhà cửa và chuồng trại chăn nuôi gia súc được quy hoạch một cách khoa học. Người dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần ngày một nâng cao; cảnh quan môi trường sống xung quanh xanh-sạch-đẹp”. |
Đặc biệt, khoảng 3 năm gần đây, làng Lũng Vân đã hình thành các nhóm chung sở thích về trồng trọt, chăn nuôi kết hợp các mô hình kết nghĩa nhóm hộ để tư vấn, giúp nhau phát triển kinh tế. Theo đó, làng đã xây dựng 5 nhóm chung sở thích về trồng điều, lúa nước, mì, chăn nuôi. Hàng tháng, các thành viên trong nhóm gặp mặt một lần để cùng thảo luận cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi ở từng giai đoạn sinh trưởng cũng như thông tin thị trường tiêu thụ. Các nhóm đã liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ bao tiêu sản phẩm do người dân làm ra. Đặc biệt, với mục tiêu giúp đỡ các gia đình khó khăn có nguồn vốn đầu tư sản xuất ổn định, các tổ chức đoàn thể trong làng đã gây quỹ giúp nhau phát triển kinh tế với số tiền 346 triệu đồng, giúp cho 34 hộ vay vốn. Nhờ đó, làng Lũng Vân hiện có 24 hộ giàu, 130 hộ khá. Đặc biệt, qua rà soát trong năm 2019, làng chỉ còn 7 hộ nghèo trong tổng số 283 hộ.
Bà Hoàng Thị Thu cho hay: “Gần 3 năm nay, nhóm chung sở thích 5 hộ chăn nuôi heo của chúng tôi thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho heo; chia sẻ những khó khăn và rủi ro trong chăn nuôi. Nhóm chung sở thích đã hỗ trợ kỹ năng chăn nuôi, giúp gia đình tôi đều đặn hàng năm xuất bán được 2 lứa heo, mỗi lứa 20-30 con”. Cũng theo bà Thu, gia đình còn tham gia vào nhóm trồng điều và lúa nước để học tập kinh nghiệm, chia sẻ kỹ thuật canh tác cùng các hộ khác. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình bà lãi 300-400 triệu đồng.
Trao đổi với P.V, ông Ngân Văn Đản bộc bạch: Khi đời sống người dân khấm khá, bà con chủ động chỉnh trang nhà cửa, di dời hàng rào, lắp điện chiếu sáng đường thôn, hiến 330 m2 đất và trên 2.000 ngày công lao động thực hiện bê tông hóa 1.750 m đường giao thông. Năm 2019, làng Lũng Vân được huyện chọn làm điểm xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 279 hộ dân tự lắp điện chiếu sáng trước nhà; đóng góp tiền và ngày công mở rộng đường nội thôn trên 5 m, làm 500 m đường bê tông xi măng; 100% gia đình đều có nhà tiêu hợp vệ sinh, trồng cây xanh trong khuôn viên, mở rộng đường bê tông nội làng…
2. Làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) có 97% đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Bahnar, Mường, Giáy, Tày. Năm 2019, được huyện Đak Đoa lựa chọn xây dựng làng NTM, người dân trong làng tích cực tham gia các phong trào, diện mạo nông thôn của làng có nhiều khởi sắc. Sinh sống ở làng đã 63 năm, ông Prỡk phấn khởi cho hay: Cuộc sống giờ đã đổi thay rất nhiều, người dân không còn lo đói giáp hạt như trước nữa. Đặc biệt, nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước mà cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm đã được đầu tư bài bản. Mừng nhất là hệ thống đường giao thông được bê tông hóa, giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng nông sản rất thuận lợi.
Ông Đậu Sỹ Kế-Bí thư Đảng ủy xã Hải Yang-cho hay: “Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xã đã huy động cả hệ thống chính trị cùng mọi nguồn lực để xây dựng làng Bông Hiot trở thành làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, kinh tế-xã hội của làng phát triển khá nhanh; đời sống người dân ngày một nâng cao, các thiết chế văn hóa được hoàn thiện. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh. Đây là tiền đề giúp xã tiếp tục củng cố nâng cao các tiêu chí trong những năm tới”.
3. Cùng thực hiện mục tiêu xây dựng làng NTM theo Chỉ thị số 12 là làng Bek (xã Ia Bă, huyện Ia Grai). Quá trình thực hiện, người dân không chỉ quan tâm giúp đỡ cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no mà còn tham gia nhiều phong trào chung sức xây dựng làng xanh-sạch-đẹp để hoàn thành tiêu chí môi trường. Đây là một trong những tiêu chí khó đối với người dân thực hiện bởi tỷ lệ đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai trong làng chiếm đến 62% với những tập quán khó sửa đổi. Vì vậy, Ban Công tác Mặt trận làng cùng các đoàn thể đã phát huy vai trò trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ dần những tập quán lạc hậu. Đến nay, 100% hộ dân trong làng đã sử dụng nước hợp vệ sinh, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm đạt chuẩn; 95% hộ xây được bể chứa nước hợp vệ sinh. Hầu hết các hộ đều có hố thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình, hạn chế vứt rác bừa bãi ra môi trường. Đặc biệt, các hộ sản xuất, kinh doanh trong làng đều ký cam kết bảo vệ môi trường với UBND xã. Ông Nguyễn Hồng Linh-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Bek-chia sẻ: Thực hiện xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà con đều hưởng ứng tích cực như hiến đất, tham gia đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn nội làng, lao động đổi công trong sản xuất, làm nhà mới… Nhờ đó, bộ mặt của làng ngày càng khang trang, đời sống kinh tế ngày một phát triển, cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, trở thành niềm tự hào của người dân trong làng.
NGUYỄN DIỆP