Xây công trình nông thôn mới, thu tiền từ... học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi xây dựng một số công trình để 'về đích nông thôn mới', UBND xã Phú Xuân, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) thực hiện huy động toàn dân đóng góp, trong đó có việc 'nhờ' trường học thu tiền từ... học sinh.
 
Trường mầm non trung tâm xã Phú Xuân có kinh phí xây dựng 4 tỉ đồng, trong đó vốn đối ứng của xã là 1,6 tỉ đồng - Ảnh: TRUNG TÂN
Ngày 23-10, UBND huyện Krông Năng đã có văn bản chấn chỉnh việc huy động xã hội hóa để lấy tiền trả nợ các nhà thầu xây dựng các công trình trường học tại xã Phú Xuân. Huyện yêu cầu xã phải triển khai lại việc lập phương án, vận động xã hội hóa đúng quy định, đảm bảo tính dân chủ tại cơ sở.
Thu tiền ở trường học
Để "về đích nông thôn mới", xã được UBND huyện cho xây dựng nhiều hạng mục tại các trường học trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 27,6 tỉ đồng, và xã phải có gần 9 tỉ đồng vốn đối ứng.
Phần lớn các hạng mục công trình đã hoàn thiện, phần ngân sách nhà nước do UBND huyện Krông Năng đã được thanh toán. Riêng 9 tỉ đồng đối ứng của xã Phú Xuân chưa có.
Để giải quyết khó khăn, lãnh đạo đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc, HĐND xã Phú Xuân đã có biên bản thống nhất 4 bên đưa ra giải pháp huy động toàn dân đóng góp để trả nợ. 
Mức huy động được chia làm hai dạng: thu theo hộ gia đình không có (hoặc không còn) con em đi học, với mức thu 150.000 đồng/hộ/năm và giao cho ban tự quản các thôn thu.
Dạng thứ 2 là hộ gia đình có con em đang theo học tại các trường học trên địa bàn thì thu với mức thu 500.000 đồng/học sinh/năm. Nếu gia đình đông con, từ cháu thứ 2 chỉ đóng 250.000 đồng/học sinh/năm. 
Các hộ gia đình ở xã khác nhưng có con em theo học tại xã Phú Xuân cũng phải đóng góp 150.000 đồng/hộ/năm. Việc huy động xã hội hóa này dự kiến kéo dài trong ba năm 2019 - 2021.
Ông Nguyễn Phi Tiến (61 tuổi, trú thôn Xuân Phú, xã Phú Xuân) cho biết việc huy động này rất vội vàng, bất hợp lý. Theo ông Tiến, xây dựng được cơ sở vật chất khang trang, phục vụ tiêu chí nông thôn mới là tốt nhưng phải liệu cơm gắp mắm, chứ cứ xây dựng tràn lan rồi thiếu tiền rồi đi huy động.
"Kế hoạch, phương án ra gấp gáp quá, chưa được sự đồng tình của người dân. Mức huy động lại khá lớn, kéo dài trong 3 năm, phần lớn dân không hưởng ứng", ông Tiến nói.
Chị T., một người mẹ có con vào lớp 1 ở  xã, bức xúc vì xã giao các khoản thu này về trường học nên chị buộc phải đóng. Chị T. cho biết mình có hai con đang học nên phải đóng 750.000 đồng/năm.
"Do năm nay con út tôi vào lớp 1, tôi buộc phải đóng khi mua hồ sơ, chứ tôi chưa đóng cho cháu thứ 2. Mức thu quá cao và như ép buộc khiến phụ huynh rất bức xúc. Đâu phải chỉ có khoản thu này, đầu năm còn rất nhiều khoản tiền trường khác, khiến gia đình tôi phải vất vả chạy vạy lo tiền", chị T. nói.
Thiếu kinh phí mới... huy động
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Dự, hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Chu Trinh, cho biết đầu năm học này, xã có nhờ Trường Phan Chu Trinh (và nhiều trường khác) thu hộ khoản kinh phí xây dựng trường lớp để đáp ứng tiêu chí nông thôn mới.
"Vì xã đã vận động, tổ chức họp nhiều lần và đưa các phương án thu về các thôn, buôn nên trường chỉ làm giúp việc tổng hợp danh sách học sinh để thu hộ tiền cho xã. Chúng tôi chỉ chờ sự tự nguyện của phụ huynh, không ép buộc", ông Dự nói.
 
Dãy nhà hai tầng tại Trường tiểu học Phan Chu Trinh đang thiếu 1,2 tỉ đồng vốn đối ứng của xã Phú Xuân - Ảnh: TRUNG TÂN
Trong khi đó, ông Trần Duy Hoan, phó chủ tịch UBND xã Phú Xuân, cho biết ban đầu xã dự định  lấy từ nguồn bán đấu giá một số lô đất để trả gần 9 tỉ đồng vốn đối ứng.
"Tuy nhiên do không bán được đất, không có tiền trả nợ nên xã mới có chủ trương vận động nhân dân đóng góp", ông Hoan nói.
"Vừa qua, huyện có về và hướng dẫn quy trình vận động đóng góp xây dựng nông thôn mới đúng quy định. Hiện xã đang cho rà soát, xây dựng lại phương án vận động theo hướng dẫn này", ông Hoan thông tin.
 
Nhiều lô đất chờ bán đấu giá mấy năm nay nhưng xã Phú Xuân vẫn chưa bán được - Ảnh: TRUNG TÂN
Không thể ngoài cuộc

Về việc vận động kinh phí xây dựng nông thôn mới trong trường học, lãnh đạo Phòng giáo dục và đào tạo huyện Krông Năng cho biết như vậy không đúng. Ông đã yêu cầu các trường thực hiện thu hộ trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.

Về vấn đề này, ông Phạm Đăng Khoa, giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đắk Lắk, cho biết đã nắm thông tin về việc UBND xã Phú Xuân huy động đóng góp từ nhân dân để trả nợ các công trình nông thôn mới. 
“Tôi đã chỉ đạo phòng kế hoạch - tài chính của sở đi kiểm tra xem việc huy động này có đúng tinh thần thông tư 16 ngày 3-8-2018 (quy định về vận động tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân) của Bộ Giáo dục và đào tạo hay không. Nếu kiểm tra phát hiện việc huy động không đúng, sở sẽ có ý kiến để nhắc nhở, chấn chỉnh”, ông Khoa nói.
Trung Tân (TTO)

Có thể bạn quan tâm