Xã vùng sâu Hà Đông mừng đón năm học mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hòa cùng không khí tưng bừng, nô nức của cả nước trong ngày hội “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, các trường học trên vùng "ốc đảo" Hà Đông (huyện Đak Đoa, Gia Lai) cũng náo nức khai giảng, tiếng trống khai trường vang lên rộn rã giữa núi đồi mênh mông.
Nằm lọt thỏm giữa núi đồi, Hà Đông cách trung tâm huyện Đak Đoa khoảng 50km. Nhưng để vào đến xã phải mất gần 2 giờ đồng hồ bởi đường dốc quanh co, uốn lượn. Tuy nhiên không vì thế mà ngày khai giảng ở đây kém đi phần rộn rã, náo nhiệt. Ngay từ sáng sớm, thầy cô giáo ở các trường mầm non, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hà Đông, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trần Kiên đã đến từng gia đình học sinh nhắc nhở phụ huynh đưa các em đến trường dự lễ khai giảng đúng giờ.
 Các đại biểu và thầy cô trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hà Đông đón học sinh lớp 1 vào trường. Ảnh: Phương Linh
Các đại biểu và thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hà Đông đón học sinh lớp 1 vào trường. Ảnh: Phương Linh
Là xã vùng sâu, vùng xa thuộc hàng khó khăn nhất nhì của tỉnh nên ngày khai giảng nơi này không thể tươm tất, đầy đủ như nơi thuận lợi. Bởi vậy mà Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hà Đông không rực rỡ bóng bay, cờ hoa hay những chiếc cặp sách, bộ đồng phục mới tinh tươm. Trong ngày khai giảng, nhiều em học sinh vẫn đến trường với đôi chân đất, những bộ quần áo thường mặc mỗi khi. Nhưng tiếng hát Quốc ca các em vút cao, ánh mắt háo hức khi tiếng trống trường vang lên. Các em đầu cấp tay cầm lá cờ nhỏ, bẽn lẽn, ngại ngùng đi theo cô giáo vào trường dưới những tràng vỗ tay chào mừng náo nhiệt của các anh chị lớp lớn hơn. Bên ngoài cổng trường, phụ huynh chật kín, dõi mắt quan sát con em.
Ông Nguyễn Tiến Sĩ- Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Đak Đoa bày tỏ: “Hàng năm, lãnh đạo huyện, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của huyện đều đến tham dự Lễ Khai giảng tại các trường trên địa bàn. Năm nay tôi đến với Hà Đông và thật sự xúc động khi thấy các em học sinh nơi đây còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Chúng tôi tự thấy phải có trách nhiệm gì đó để giúp các em vơi đi phần nào khó khăn, vui vẻ đến trường". 
Sau phần lễ nhanh chóng, phần hội ngày tựu trường được chờ đợi cũng bắt đầu. Trước khoảng sân trường, các em học sinh cùng nhau chơi trò chơi tập thể, vỗ tay và nhảy trên nền nhạc sôi động khiến ngày khai giảng tưng bừng, hứng khởi. Em Nguyên- học sinh lớp 5-Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hà Đông chia sẻ: “Năm học nào em cũng được nhận giấy khen của trường. Sau kỳ nghỉ hè hôm nay gặp lại thầy cô, bạn bè em thấy rất vui. Năm nay là năm cuối cấp, chương trình học cũng khó hơn nên em sẽ cố gắng thật nhiều để đạt thành tích tốt nhất”.
Quang cảnh khai giảng tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hà Đông. Ảnh: Phương Linh
Quang cảnh khai giảng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hà Đông. Ảnh: Phương Linh
Năm học 2018-2019 này, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hà Đông có tổng cộng 30 lớp với 866 học sinh. Trong đó, khối lớp 1 có 176 học sinh, khối lớp 2 có 185 học sinh; lớp 3 có 165 học sinh; lớp 4 có 180 học sinh; lớp 5 có 160 học sinh. Trong các lớp học, chăn màn đã được xếp gọn gàng trên những ngăn tủ, chiếu và gối đã sắp sẵn trên từng bàn, sẵn sàng. 
Ông Đỗ Thiện Úy-Hiệu trường nhà trường cho biết: “Để vận động học sinh đến trường, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương thành lập 5 tổ công tác tuyên truyền đến học sinh ở 5 làng. Hàng ngày nếu có học sinh vắng học, giáo viên sẽ tìm hiểu nguyên nhân, sau đó trao đổi với tổ công tác để cùng đến vận động đưa học sinh ra lớp”. Từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7-2018, nhà trường tổ chức dạy tiếng Việt để các em không quên trong thời gian nghỉ hè. Cũng nhờ cách làm này mà trong năm học 2017-2018 vừa qua, tỉ lệ duy trì sĩ số của nhà trường đạt 99,4%, học sinh hoàn thành chương trình đạt 89,91%; học sinh được khen thưởng về học tập là 150 em, đạt 16,85%.
Ông Nguyễn Hồng Việt-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) cũng cho biết: “Năm học 2018-2019, toàn xã Hà Đông có khoảng 1.500 học sinh các cấp học. Dịp khai giảng này, xã trích ngân sách tặng 1.400 quyển vở cho các trường, đồng thời kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm đóng góp thêm. Tất cả các trường đều có điểm trường ở cả 5 làng nên việc học tập của các em học sinh luôn được đảm bảo. 2 tuần trước khi khai giảng, chúng tôi đã đến từng nhà vận động, kêu gọi, nhắc nhở phụ huynh đến ngày đưa con tới trường nhập học. Nhờ đó mà ngay trong ngày đầu tiên của năm học, các em đến trường khá đầy đủ”.
Tiếng trống năm học mới vang lên tưng bừng, rộn rã lan xa khắp núi đồi. Một năm học mới nhiều thử thách cùng với niềm tin nơi xã vùng sâu Hà Đông chính thức bắt đầu. 
Phương Vi

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Rượu ghè men lá H'nham

Rượu ghè men lá H'nham

Đặt trên bàn những ghè rượu mới ủ, các chị em trong tổ liên kết nấu rượu ghè và dệt thổ cẩm ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) giới thiệu rất hấp dẫn về sản phẩm mình làm ra: Một thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, không giống với loại men ở bất cứ nơi nào.

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23/6

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23-6

Việc vận hành thử nghiệm đối với các đơn vị hành chính cấp xã được chọn nhằm đánh giá trực quan để rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh nếu có khó khăn, vướng mắc; bảo đảm hoạt động của tất cả 124 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng mới thông suốt, khi chính thức hoạt động từ ngày 1-7.

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

null