Xã Ia Kreng: Gặp khó trong công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một xã thuộc vùng cao, vùng sâu nhất của huyện Chư Pah với trên 97% là người dân tộc thiểu số, xã Ia Kreng gặp muôn vàn khó khăn trong công tác giảm nghèo.

Vượt qua con đèo dốc cao, ngoằn nghèo, cách trung tâm huyện gần 50 km chúng tôi đến với xã Ia Kreng. Dẫn chúng tôi đi trên con đường nhựa chính của xã dẫn đến các làng, ông Rơ Châm Tâm-Chủ tịch xã Ia Kreng chia sẻ: Để thực hiện công tác giảm nghèo, UBND xã đã phân công các thành viên trực tiếp phụ trách ở từng làng nhằm tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhu cầu của từng hộ dân để có định hướng trong phát triển kinh tế sao cho phù hợp. Với thế mạnh của địa phương là có nhiều diện tích đồi rừng, người dân đã tiến hành chăn nuôi gia súc, trồng cây lâm nghiệp... để cải thiện cuộc sống.

 

Đời sống người dân xã Ia Kreng còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: N.T
Đời sống người dân xã Ia Kreng còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: N.T

Toàn xã có 401 hộ với 1626/1672 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn. Nhằm giúp các hộ nghèo có thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, xã Ia Kreng còn chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tích cực phối hợp với các ngân hàng tín chấp để giúp người dân được vay vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Xã cũng triển khai đầy đủ các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo như hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo theo chương trình 135; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo…

Xác định việc trồng cây nông nghiệp và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm là trọng tâm trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương nên xã Ia Kreng đã ưu tiên phát triển. Năm 2011, diện tích gieo trồng của xã là 452 ha, đến nay diện tích gieo trồng đã mở rộng gần 700 ha. Người dân chủ yếu trồng các cây nông nghiệp như bời lời, điều, lúa, mì. Chăn nuôi heo rừng, bò sinh sản từng bước được phát triển, công tác phòng chống dịch bệnh thường xuyên được quan tâm, khống chế kịp thời. Bên cạnh đó, xã phối hợp cùng UBMTTQ huyện, các tổ chức khác xây 38 ngôi nhà Đại đoàn kết, đưa vào sử dụng 24 căn nhà thuộc chương trình 167 đối với gia đình nghèo, khó khăn, tiến hành kê khai miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho 258 hộ dân... Tuy đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương nhưng 5 năm trở lại đây, số hộ nghèo trong xã vẫn chỉ giảm nhẹ. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã là gần 60%, thì năm 2016 chiếm 60,21% (theo tiêu chí mới). Đến nay, xã mới đạt 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chúng tôi tới thăm làng Dip-khu tái định cư lòng hồ Sê San 3A. Ngôi làng không thay đổi mấy so với 7 năm về trước khi thành lập làng. Ông Rơ Châm Kưih-Bí thư Chi bộ làng Dip chia sẻ: “Làng Dip có 242 hộ, trong đó số hộ nghèo chiếm trên 57%, cuộc sống người dân đều rất khó khăn. Đất sản xuất không có, chỉ trông chờ vào vườn mì, bời lời đang trồng trên đất sỏi thì lại cho năng suất thấp. Việc chăn nuôi không đạt hiệu quả cao, đàn gia súc thường bị bệnh và chết, thế nên thu nhập của người dân bấp bênh”.

Gia đình ông Rơ Châm Hùng-làng Dip là một trong những hộ may mắn được nhà nước hỗ trợ nhà ở, cây giống bời lời để nâng cao thu nhập. Thế nhưng cuộc sống vốn đã khó khăn, gia đình ông đi làm thuê cũng không đủ ăn, tính ra cũng thuộc hộ khá trong làng thì thu nhập bình quân cũng chỉ đạt 10 triệu đồng/năm. “Bây giờ có ăn ngày nào là mừng ngày ấy chứ có nhiều đâu mà tính toán. Chỉ mong sao đủ ăn và cho tụi nhỏ học hành đến nơi đến chốn”.

Công tác giảm nghèo ở xã Ia Kreng gặp nhiều khó khăn được xác định do trình độ dân trí của người dân còn hạn chế nên mặc dù các cấp chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phần lớn diện tích đất canh tác nông nghiệp nhiều sỏi đá nên rất khó khăn trong việc trồng trọt cho năng suất cao. Ngoài việc làm nông nghiệp, người dân ở Ia Kreng không có thêm ngành nghề gì khác để làm thêm nên thu nhập bình quân của xã đến nay mới đạt khoảng 9,2 triệu đồng/người/năm. Hệ thống đường giao thông trong xã rất khó khăn, ngoài tuyến đường chính vào xã thì hầu như các tuyến đường nhỏ dẫn vào trong làng đều là đường đất, đường rất ngoằn nghèo, độ dốc cao. Điều này đã trở thành lực cản trong việc sinh hoạt và lưu thông, trao đổi hàng hóa với bên ngoài của người dân.

Chủ tịch xã Rơ Châm Tâm cho biết: Khắc phục khó khăn, thời gian tới xã Ia Kreng sẽ tiếp tục ưu tiên việc phát triển kinh tế đồi rừng, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kinh nghiệm sản xuất. Nhân rộng những mô hình hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, sản lượng và tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm nông nghiệp của xã. Đồng thời, rà soát nhu cầu vay vốn, hướng dẫn người dân sử dụng vốn tăng gia sản xuất.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm