(GLO)- Việc xã hội hóa các hoạt động công chứng không chỉ đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân trong các quan hệ giao dịch dân sự.
Kể từ khi Chính phủ có chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng (năm 2017), ngoài các văn phòng công chứng nhà nước, nhiều văn phòng công chứng tư đã được thành lập. Tại tỉnh ta, hoạt động công chứng những năm gần đây đã có sự chuyển biến rõ nét nhờ sự có mặt của các văn phòng công chứng tư ở hầu hết các huyện, thị xã, đặc biệt là tại TP. Pleiku.
Người dân đến giao dịch tại Văn phòng Công chứng Đặng An Bình (TP. Pleiku). Ảnh: D.Q |
Nhận lại hợp đồng chuyển nhượng đất vừa được công chứng tại Văn phòng Công chứng Đức Cơ chỉ sau 1 giờ giao dịch, ông Đinh Văn Bái (tổ 6, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) vui vẻ nói: “Trước đây, mỗi lần làm thủ tục công chứng rất rườm rà và mất nhiều thời gian, thậm chí có khi còn phải chạy xe xuống tận TP. Pleiku. Nay có Văn phòng Công chứng tại huyện nên mọi việc rất thuận lợi, nhanh chóng”. Cũng đến giao dịch tại Văn phòng Công chứng Đức Cơ, bà Đậu Thị Thi (thị trấn Chư Ty) chia sẻ: “Ngoài công chứng giấy tờ, các công chứng viên còn nhiệt tình tư vấn về các thủ tục pháp lý khác, như: cho tặng, thừa kế tài sản…”.
Với lượng giao dịch trên 1.000 hồ sơ mỗi năm, Văn phòng Công chứng Đức Cơ đã phần nào giúp người dân huyện biên giới thuận tiện hơn trong việc giải quyết các thủ tục liên quan. “Bà con vùng biên nhiều người chưa hiểu rõ các quy định pháp luật, vì vậy, khi họ đến giao dịch, chúng tôi đều giải thích, hướng dẫn rõ ràng. So với nhiều nơi, lượng giao dịch ở đây không cao nhưng chúng tôi luôn cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ bà con”-ông Trần Thân Vinh-Trưởng Văn phòng Công chứng Đức Cơ-cho biết.
Là nơi có lượng giao dịch công chứng tương đối lớn, vì thế, tại TP. Pleiku có đến 4 Văn phòng Công chứng, gồm: Xuân Hiệp, Lý Thoa, Xuân Thủy, Đặng An Bình. Cả 4 văn phòng này được bố trí rải đều ở các khu vực trong thành phố tạo điều kiện thuận tiện cho người dân đến giao dịch. Được thành lập năm 2010, Văn phòng Công chứng Đặng An Bình (trước là Văn phòng Công chứng Pleiku) khá tấp nập người đến giao dịch. Đang thực hiện giao dịch công chứng tặng đất cho con tại đây, ông Mạc Văn Hồng (tổ 1, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi thường đến đây để công chứng các loại giấy tờ. Giao dịch ở đây rất thuận tiện, không phải chờ đợi lâu”. Cũng khá hài lòng với chất lượng dịch vụ tại các Văn phòng Công chứng, ông Phạm Hùng (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi làm thủ tục công chứng hợp đồng sang nhượng đất, chỗ nào chưa biết đều được các công chứng viên tư vấn. Giờ có nhiều văn phòng nên chúng tôi có thêm sự lựa chọn”.
Sự phát triển nhanh chóng của các Văn phòng Công chứng trên địa bàn đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân. Tuy nhiên, do sự thiếu đồng bộ, chưa kết nối mạng dữ liệu quốc gia nên hoạt động công chứng ở tỉnh ta hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về nhận thức giữa các công chứng viên cũng gây bất cập cho người dân khi làm thủ tục. Theo ông Đặng An Bình-Trưởng Văn phòng Công chứng Đặng An Bình, hiện tỉnh đã có quyết định thành lập Ban Vận động thành lập Hiệp hội Công chứng tỉnh. Ban này đang xúc tiến các thủ tục và dự kiến sẽ hoàn tất việc thành lập Hiệp hội Công chứng tỉnh trong năm 2018. “Tôi mong muốn việc thành lập Hiệp hội Công chứng tỉnh được đẩy nhanh trong năm nay, tạo sự thống nhất giữa các văn phòng công chứng trên địa bàn; tổ chức kết nối mạng giữa các văn phòng công chứng để tạo điều kiện cho công chứng viên làm việc, tránh các rủi ro. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, cơ quan hiểu và yên tâm sử dụng các dịch vụ của văn phòng công chứng tư, bởi văn phòng công chứng hay phòng công chứng nhà nước đều hoạt động bình đẳng theo pháp luật…”-ông Đặng An Bình cho biết.
Dã Quỳ