Xã Đông: Tập trung nguồn lực để về đích nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Kbang và xã Đông đang tập trung mọi nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017.

Giảm nghèo bền vững

 
 Nhiều gia đình ở xã Đông đã thoát nghèo nhờ được hỗ trợ bò. Ảnh: M.T
Nhiều gia đình ở xã Đông đã thoát nghèo nhờ được hỗ trợ bò. Ảnh: M.T

Đang lúi húi cắt cỏ cho bò, chị Đinh Chrăm (thôn 10, xã Đông) dừng tay khi nghe chúng tôi hỏi thăm về tình hình phát triển kinh tế của gia đình. Chị cho biết, năm 2014 gia đình chị được hỗ trợ một con bò cái làm “chìa khóa” thoát nghèo. Cuối năm 2015, gia đình chị Chrăm vui mừng khi con bò này đẻ một bê con. Với 10 triệu đồng từ việc bán con bê này, chị có được một khoản thu nhập để trang trải cuộc sống và tiền học cho 3 đứa con của mình. Tương tự, gia đình bà Đinh Thị Păn (cùng thôn) cũng là một trong những hộ nghèo được cấp bò. Đến nay, gia đình bà có thêm một con bê trị giá khoảng 15 triệu đồng.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Liên-Phó Chủ tịch UBND xã Đông khẳng định, việc cấp bò cho các hộ nghèo là một trong những giải pháp thiết thực, tạo động lực cho những hộ này vươn lên thoát nghèo bền vững. Bà Liên cho biết, để giải quyết tiêu chí hộ nghèo, hiện UBND huyện Kbang đã có kế hoạch tiếp tục cấp 71 con bò cho các hộ nghèo trên địa bàn xã Đông. Xã đang lập danh sách, lựa chọn trong số 194 hộ nghèo trên địa bàn để chuẩn bị các thủ tục cấp bò cho họ trong thời gian tới.

Ngoài ra, UBND xã cũng đã tích cực triển khai vận động 38 hộ dân tham gia cánh đồng mía mẫu lớn trên diện tích 30 ha. Tham gia vào mô hình sản xuất này, các hộ sẽ được Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ một phần các khoản đầu tư như: chi phí cày đất; phân bùn cải tạo đất; trồng, chăm sóc bằng máy…  không tính lãi. Năm đầu tiên khi thu hoạch, người dân sẽ trừ chi phí đầu tư cho nhà máy (khoảng 80%); từ năm thứ 2 trở đi, người dân thu hoạch hoàn toàn. Bên cạnh đó, UBND huyện Kbang cũng hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo 30% chi phí mía giống; hỗ trợ phần diện tích phá bỏ mía gốc và mì non để trồng lại mía mới. Phía xã cũng đầu tư hơn 130 triệu đồng nạo vét lòng hồ phục vụ nước tưới cho cánh đồng mẫu lớn, hỗ trợ máy bơm… “Chúng tôi đang tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân khi tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Từ thành công này, một số người dân còn chưa hiểu, chưa mặn mà với hình thức sản xuất nói trên sẽ mạnh dạn tham gia”-bà Liên nhận định.

Theo bà Liên, UBND xã đã đứng ra làm việc với một số tư thương nhằm đảm bảo các khoản nợ cho 15 hộ người dân tộc thiểu số để họ lấy lại đất tham gia vào cánh đồng lớn. Xã cũng vận động Đoàn Thanh niên, đội thanh niên xung kích, lực lượng bộ đội góp ngày công vào việc sửa chữa, xây mới nhà cho 35 hộ dân đang khó khăn về nhà ở…

Giải quyết lần lượt từng tiêu chí

 

Xã Đông huyện Kbang nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, tập trung mội nguồn lực cho việc xây dựng nông thôn mới. Ảnh: M.T
Xã Đông, huyện Kbang nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, tập trung mọi nguồn lực cho việc xây dựng nông thôn mới. Ảnh: M.T

Ngoài những việc làm cụ thể trên, bà Nguyễn Thị Liên cho biết: Hiện đường nội thôn đã đảm bảo so với tiêu chí, đạt trên 70%, riêng đường giao thông nội đồng đang lệ thuộc vào nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh và huyện; xã đang tập trung huy động nguồn lực của người dân. Ủy ban nhân dân xã xây dựng kế hoạch làm đường giao thông nội đồng năm 2017 với 12 tuyến đường có tổng chiều dài 12,6 km, tổng kinh phí dự kiến khoảng 3,455 tỷ đồng. “Các tiêu chí về nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất (có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả) hiện xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành từng tiêu chí một”-bà Liên khẳng định.

Xác định kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những tiêu chí khó thực hiện, UBND xã đã có kế hoạch phân công tất cả cán bộ, công chức, đảng viên, các ban ngành, đoàn thể từ xã đến thôn tham gia phụ trách từng hộ nghèo. “Nhiệm vụ của họ là tiếp cận và nắm bắt vì sao các hộ này nghèo, cần điều kiện gì, từ đó tham mưu vận động người dân tích cực lao động, tập trung nguồn lực hỗ trợ đúng địa chỉ và thật sự hiệu quả”-bà Liên cho biết.

Ông Võ Văn Phán-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết, Huyện ủy Kbang cũng phân công các chi bộ theo dõi, có kế hoạch hỗ trợ sản xuất đối với các hộ nghèo. “Phải xác định nguyên nhân nghèo do thiếu đất sản xuất, kinh phí hay điều kiện lao động, những việc giúp dân đều có tên tuổi cụ thể… Đồng thời từng bước nâng cao nhận thức của người dân để họ thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo bền vững...”.

Ngoài việc hỗ trợ bò làm công cụ cho các hộ thoát nghèo, quyết tâm thực hiện cánh đồng mía mẫu lớn để người dân tăng thu nhập, UBND huyện Kbang còn tạo điều kiện giúp các hộ khó khăn về nhà ở bằng cách hỗ trợ vay vốn ngân hàng, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ đá; cho chủ trương để UBND xã Đông thuê xe, huy động lực lượng thanh niên xung kích thu gom cát. Chưa hết, huyện còn điều chuyển hơn 19 m3 gỗ của xã Sơn Lang về cho xã Đông tổ chức sửa chữa, xây mới nhà cho các hộ nghèo, có nhu cầu cấp thiết về nhà ở.

“Chúng tôi đã chỉ đạo thành lập tổ điều tra, khảo sát nhu cầu của từng nhà một, nhà nào thiếu vốn, nhà nào cần sửa chữa hay xây mới… Trên cơ sở này, Phòng Kinh tế-Hạ tầng có kế hoạch chi tiết để hỗ trợ vốn, nhu cầu cát, đá, gỗ cho đến việc tính toán ngày công của từng hộ… Ủy ban nhân dân huyện sẽ chỉ đạo xã giải quyết lần lượt từng hộ”-ông Phán khẳng định.

Với cách làm cụ thể như trên, Chủ tịch UBND huyện Kbang Võ Văn Phán tin rằng không những tiêu chí hộ nghèo, nhà ở sẽ nhanh chóng hoàn thành mà các tiêu chí khác như đường giao thông nội thôn hay việc thành lập mô hình hợp tác xã cũng lần lượt hoàn thành, sớm đưa xã Đông về đích nông thôn mới năm 2017.

 Minh Triều

Có thể bạn quan tâm