Vượt khó "nuôi chữ" cho 7 người con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với suy nghĩ phải cho con được theo học cái chữ, được tới lớp cùng bạn bè trang lứa, vợ chồng anh Kpah Ớt (36 tuổi, xã Ia Băng-huyện Chư Prông) đã vượt lên những khó khăn về kinh tế để nuôi 7 người con ăn học (trong đó có 3 người con anh chị nhận về nuôi).

Vợ chồng anh Kpah Ớt lấy nhau và lần lượt sinh được 4 mặt con. Với sức trẻ và nghị lực làm giàu, hai vợ chồng đã chịu thương, chịu khó, cùng bảo ban nhau làm ăn. Thuận lợi chưa bao lâu thì bất hạnh ập đến khi chị gái của vợ lâm bệnh nặng qua đời, để lại 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Vậy là anh chị nhận 3 đứa trẻ mồ côi về nuôi dưỡng. “Tụi nó đã mất mẹ rồi, cha thì bỏ đi biền biệt. Nghĩ thương chúng nên vợ chồng tôi đem về nuôi. Chúng đã thiếu thốn tình cảm nên dù có cực khổ đến đâu, chúng tôi cũng sẽ cố gắng nuôi các con khôn lớn và học hành đàng hoàng. Chỉ có cái chữ mới giúp chúng đỡ khổ”- anh Ớt trải lòng.

 

Anh Kpah Ớt chuẩn bị sách vở cho các con tới trường. Ảnh: Mai Ka
Anh Kpah Ớt chuẩn bị sách vở cho các con tới trường. Ảnh: Mai Ka

Những tưởng bao khó khăn về cái ăn, cái mặc sẽ khiến vợ chồng anh Kpah Ớt thôi nuôi ý chí cho các con ăn học. Vậy nhưng, khi chứng kiến lũ trẻ trong làng phải nghỉ học, suốt ngày lem luốc ở gốc cà phê hay chuồng heo, chuồng bò lại làm anh chị chạnh lòng và càng nuôi quyết tâm cho 7 người con của mình được tới trường. Từ nỗi trăn trở làm sao để các con được ăn học như các bạn cùng trang lứa, hàng ngày, hai vợ chồng anh Ớt phải vất vả đi làm thuê, làm phụ xây, đào hố cà phê… Ngoài 7 đứa con, anh chị còn phải nuôi một mẹ già. Nhà 10 nhân khẩu nhưng chỉ có hai lao động chính, mọi gánh nặng cơm áo đều đè lên vai đôi vợ chồng trẻ. Chị Rơchâm Ok (vợ anh Ớt), nhớ lại: “Hồi mới nhận thêm 3 đứa nhỏ về nuôi nhà mình gặp khó khăn nhiều lắm. Từ cái ăn, cái mặc cho tới việc cho lũ trẻ tới trường. Lúc đó, đứa nhỏ nhất mới được 4 tháng tuổi. Khó khăn chồng chất. Của cải trong nhà chỉ là hạt lúa, củ khoai, cho nên hai vợ chồng sẵn sàng làm thuê bất cứ việc gì để có tiền cho các con ăn học”.   

Từ một hộ nghèo của xã, nhờ sự cần mẫn, nỗ lực trong cuộc sống nên đến nay, vợ chồng anh Ớt không những đã thoát nghèo mà còn “nuôi chữ” cho cả 7 người con. Anh chị khuya sớm tảo tần với hơn 1 ha cà phê, chăn nuôi thêm heo, bò và làm thuê đủ thứ việc để lo cái ăn, cái mặc cho các con. Đến nay, thu nhập bình quân của gia đình anh Ớt gần 200 triệu/năm. Anh chị được coi là tấm gương sáng trong việc vượt khó làm giàu và nuôi dạy con tốt ở làng. Anh Ớt chia sẻ: “Hơn 10 năm qua, vợ chồng tôi phải chèo chống vượt lên hết thảy khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần, nhằm làm điểm tựa cho các con. Từ lúc nuôi thêm 3 đứa nhỏ, chúng tôi đã phải cố gắng gấp đôi, gấp ba. Xem các cháu như con cái của mình để mà yêu thương, mà phấn đấu làm lụng để đứa nào cũng được tới trường học cái chữ”.

Đền đáp lại những khó nhọc của vợ chồng anh Ớt, cả 7 người con của họ đều lần lượt lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn và mê con chữ, thích tới trường. Giờ đây, sau những giờ cắp sách tới trường, chúng có thể phụ giúp anh chị việc nhà, việc nương rẫy. “Con gọi hai bác là ba mẹ của mình. Ba mẹ thương và cho anh em con được đi học với các bạn. Có sách vở mới là mấy anh em con vui lắm. Ngoài giờ học, con phụ giúp ba mẹ chăn bò, giữ em”- em Rơchâm Chin (12 tuổi) bẽn lẽn tâm sự.

Với những nỗ lực và ý chí vươn lên trong cuộc sống, vợ chồng anh Ớt đã chiến thắng cái nghèo, cái khó để nuôi 7 đứa con trưởng thành. Nhìn các con hàng ngày được cắp sách tới trường, anh chị lại có thêm nguồn động lực mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn, tiếp tục hành trình “nuôi” chữ cho con.

Mai Ka

Có thể bạn quan tâm