Hộ gia đình anh Đỗ Văn Tuấn Anh, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 10ha trồng sầu riêng, bước đầu cho thu nhập cao. Trồng sầu riêng là mô hình kinh tế dự báo trong tương lai đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có trồng sầu riêng, huyện Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum) đã chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng với chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hàng loạt các nhóm giải pháp.
Đó là, tiến hành rà soát diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế và xây dựng kế hoạch, lộ trình cho việc chuyển đổi; thu hút doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Ia H'Drai chú trọng cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: trồng sầu riêng hạt lép, cam sành, dừa cạn…, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, nhờ đó nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng cây sầu riêng tại địa bàn thôn 8, xã Ia Tơi, ông Vi Văn Luận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Tơi, cho biết: Nhận thấy người dân trên địa bàn xã trồng các loại cây như là cây điều, cà phê chưa đem lại hiệu quả kinh tế, Hội Nông dân xã đã tích cực vận động hội viên, nông dân thay đổi cơ cấu cây trồng cũng như vật nuôi.
Trong số các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả có hộ gia đình anh Đỗ Văn Tuấn Anh, đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 10ha sầu riêng. Bước đầu mô hình trồng sầu riêng cho thu nhập cao. Trồng sầu riêng là mô hình kinh tế dự báo trong tương lai đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Đỗ Văn Tuấn Anh, chủ vườn sầu riêng tại thôn 8, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum. Vườn sầu riêng của gia đình anh Tuấn Anh rộng 10ha, trong đó đã có hàng trăm cây sầu riêng bước vào thời kỳ khai thác quả. |
Để có vườn sầu riêng như thế này, đó là nhờ vào sự cố gắng, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng sầu riêng và ý chí dám nghĩ dám làm của anh Đỗ Văn Tuấn Anh, trú tại thôn 8, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai.
Làm nghề buôn bán các mặt hàng nông sản như chanh dây, điều…nhưng anh Tuấn Anh lại nung nấu ý định là trồng một vườn sầu riêng, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng. Tháng 6 năm 2018 anh bắt đầu cho cải tạo đất và đầu tư trồng hơn 1000 cây sầu riêng Thái Monthong trên diện tích gần 10ha.
Giống sầu riêng Thái Monthong mà anh Tuấn Anh chọn có trái to, hạt lép, cơm vàng, ráo mịn, ít xơ, ăn rất ngon, lại được thị trường ưa chuộng, tuổi thọ cây đạt từ 25 đến 30 năm.
Nói về cơ duyên gắn bó với mảnh đất biên giới này, anh Đỗ Văn Tuấn Anh, chủ vườn sầu riêng tiền tỷ vui vẻ cho biết: từ một lần tình cờ đến thôn 8 huyện Ia H'Drai chơi, anh thấy đất ở đây rất đẹp, phù hợp với trồng cây sầu riêng. Thế là anh bén duyên với huyện Ia H'Drai từ đó. Qua 4 năm trồng, vườn sầu riêng đã cho thu bói 1 năm với 250 cây, sản lượng 6 tấn trái.
Vườn sầu riêng tiền tỷ của anh Đỗ Văn Tuấn Anh, thôn 8, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum. |
Để tạo ra được những trái sầu riêng đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thì ngoài việc sử dụng nước tưới phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, anh Tuấn Anh còn tự học hỏi và nắm vững các quy trình chăm sóc khác như tỉa cành, tỉa bông, xử lý các loại nấm bệnh, vệ sinh cây, vệ sinh gốc...
Bên cạnh đó, việc giữ ẩm cho cây sầu riêng cũng rất quan trọng. Đối với vườn sầu riêng của anh Tuấn Anh để trái sầu riêng có chất lượng tốt nhất thì anh dùng máy để cắt cỏ chứ không sử dụng thuốc diệt cỏ và đầu tư công nghệ tưới tiêu tự động, nhỏ giọt để giảm thiểu công lao động.
Ngoài trồng sầu riêng, anh Tuấn Anh còn nuôi thêm dê với bò gần 100 con vừa để tăng thêm nguồn thu và tận dụng phân chuồng có sẳn để ủ bón cho cây sầu riêng.
Nói về kế hoạch phát triển cây sầu riêng trong thời gian tới anh Tuấn Anh cho biết với 1000 cây sầu riêng, anh sẽ phát triển áp dụng kỹ thuật công nghệ cao để đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng trái sầu riêng của thị trường.
Đồng thời, anh mong muốn sẽ cùng bà con nông dân trên địa bàn huyện phát triển mô hình trồng sầu riêng để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế tại địa phương.
Nhờ vận dụng tốt kiến thức và kinh nghiệm từ thực tiễn, với 1000 gốc sầu riêng Thái Monthong được trồng từ năm 2018, mùa vụ khai thác đầu tiên năm 2022 anh chỉ để khoảng 250 gốc cho trái vụ đầu đã đạt năng suất gần 5,5 tấn.
Với giá bán sầu riêng tại vườn là 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lãi hơn 150 triệu đồng. Anh Tuấn Anh cho biết với toàn bộ diện tích sầu riêng 1000 cây của anh khi đi vào kinh doanh (từ năm thứ 7) với giá sầu riêng bán như hiện nay thì gia đình ông sẽ có thu nhập từ 6 đến 7 tỷ đồng một vụ.
Đánh giá về mô hình trồng sầu riêng của hộ gia đình anh Đỗ Văn Tuấn Anh, ông Nguyễn Thanh Tân, Trưởng thôn 8, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai cho biết mô hình sầu riêng của gia đình anh Tuấn Anh trên địa bàn thôn là mô hình hay.
Vườn sầu riêng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, triển vọng sẽ trở thành loại cây trồng giúp nông dân tạo thêm việc làm, thu nhập khá tốt, giảm nghèo và làm giàu. Chính vì vậy, thời gian tới thôn sẽ tiếp tục vận động bà con nhân dân học tập mô hình trồng sầu riêng của gia đình anh Tuấn Anh để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Có thể thấy, hiệu quả kinh tế từ việc trồng câ sầu riêng không chỉ giúp gia đình anh Đỗ Văn Tuấn Anh vươn lên làm giàu, mà còn góp phần đưa trái sầu riêng vươn xa trên thị trường hiện nay và người dân trên địa bàn huyện Ia H'Drai có thể tham quan, học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng khác kém chất lượng, hiệu quả thấp sang trồng các loại cây cho thu nhập cao như cây sầu riêng.
Theo Thế Thành-Văn Sĩ (Cổng TTĐT huyện H'Drai/Dân Việt)