(GLO)- Cuối năm 2016, từ những thông tin khảo cổ học ở thị xã An Khê, một cặp vợ chồng người Nga đã cất công tìm về vùng trầm tích văn hóa này. Tự nhận chỉ là những người yêu thích khảo cổ học và lịch sử, 2 du khách Nga cho biết, nếu di chỉ khảo cổ học tại An Khê có giá trị như những gì báo chí đã đưa, đây sẽ là địa chỉ vô cùng hấp dẫn đối với khách du lịch phương Tây. Như vậy, vùng đất giữa “hai đèo mây” này có thêm lý do để thu hút du khách khám phá, tìm hiểu.
Đèo An Khê-cửa ngõ nối miền xuôi và miền thượng. Ảnh: M.C |
Thị xã An Khê có vị trí khá đặc biệt, nối Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung. Vì thế người dân còn gọi đèo An Khê là đèo Man, có nghĩa là cửa ngõ giữa miền thượng và miền xuôi. Khách phương xa muốn khám phá An Khê có thể xuất phát từ hai hướng: hoặc đi từ thành phố biển Quy Nhơn lên, hoặc xuôi TP. Pleiku xuống bằng xe buýt (có rất nhiều chuyến trong ngày).
Trải nghiệm An Khê sẽ là hành trình thú vị, khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử, khảo cổ học... bên sông Ba. Chỉ cần qua “cổng trời” Mang Yang đã cảm nhận hương sắc đồng bằng trong không khí, cảnh sắc trôi ngoài cửa xe: những hàng dừa xanh, cánh đồng lúa trôi qua ven đường, thảng hoặc bắt gặp những ngôi nhà mái ngói, tường gạch mang đậm dấu ấn kiến trúc nhà Việt nông thôn. Thị xã An Khê đón du khách bằng cây cầu bắc qua sông Ba-chỉ riêng dòng sông này cũng tiêu tốn của bạn không ít thời gian nếu ngẫu hứng muốn làm một chuyến ngược dòng. Nếu bạn đã từng ấn tượng về một “Phố núi nghèo như bàn tay/Nhà bên kia vẫy nhà bên này” mà nhạc sĩ Trần Tiến từng cảm nhận về vùng đất thượng đạo hơn 10 năm trước, thì nay sẽ thấy phố vẫn nhỏ nhưng khó lòng đi hết. Lần theo những dấu tích vương triều Tây Sơn để lại đậm đặc trên vùng đất này, bạn đã có vô số điểm đến để dừng chân: An Khê đình, An Khê trường, miếu Xà (nằm sát quốc lộ 19), núi ông Bình... Đây là những di tích lịch sử quốc gia đã được công nhận từ 20 năm trước.
An Khê còn có hệ thống chùa chiền, đình, miếu dày đặc, cổ kính. Ở đó có sự giao thoa rất rõ văn hóa của miền xuôi trên xứ thượng nguồn mà trong những cuộc thiên di, người dân đã lưu dấu như một bảo chứng lịch sử. Đó là chùa An Bình-ngôi chùa được xem là tổ đình, cổ nhất trên vùng đất An Khê thượng với lịch sử hơn 200 năm. Chùa nằm an tĩnh trong khu dân cư, với cảnh trí đơn sơ, giản dị. Một ngôi chùa khác được xem là tuyệt tác kiến trúc tôn giáo tọa lạc ngay trên một ngọn đồi ở xã Song An, chỉ cách đèo An Khê đúng 1 km là Quan Âm tự. Còn đó những miếu mạo có lịch sử hàng trăm năm, uy nghiêm, cổ kính nằm rải rác trong các xóm ấp, thể hiện rõ rệt tín ngưỡng dân gian truyền thống của cư dân địa phương.
Nếu đi từ thành phố biển Quy Nhơn, qua Tây Sơn Hạ đạo để lên vùng Tây Sơn Thượng đạo, du khách sẽ đi qua đèo An Khê-địa danh đã đi vào thơ, nhạc của nhiều thi sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng. Đường đèo quanh co uốn khúc giữa những dãy núi cao trập trùng thuở xưa từng là nỗi ám ảnh của người dân miền xuôi mỗi khi lên miền thượng: “Không đi thì mắc cái eo/Ra đi thì sợ cái đèo An Khê”. Nhưng khi giao thông thông suốt, đứng từ đỉnh đèo lại cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của núi thẳm sông xa.
An Khê còn được biết đến là “thiên đường” ăn vặt cho khách phương xa. Trải nghiệm An Khê, bạn không nên bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những món ngon đã được truyền tai nhiều người như cháo bò Năm Niên, cháo gà cô Thu nằm ngay trên quốc lộ đoạn đi qua thị xã. Đặc biệt, đường Ngô Thì Nhậm được xem là con đường ăn uống khi tập trung nhiều hàng quán ăn vặt hơn bất kỳ con đường nào, là nơi hẹn hò mỗi chiều của các thực khách mê đồ ăn vặt như bánh bèo nóng, bánh xèo mắm nêm, bún cá Bình Định, sinh tố...
Hiện chưa có tour cụ thể nào khám phá An Khê kiểu như “Một thoáng Pleiku” mà các công ty lữ hành đang khai thác. Nếu muốn tìm hiểu về vùng đất còn đậm đặc dấu ấn văn hóa-lịch sử này, bạn hãy lên lịch trình riêng cho mình.
Hoàng Ngọc