Vui mùa Tết với bà con người Kinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm nào cũng vậy, cứ “đến hẹn lại lên”, những ngày trước Tết Nguyên đán, tại các chợ khu vực đô thị là cảnh tấp nập bán mua với lá dong, lá chuối, những loại trái cây thường có trên mâm ngũ quả như mãng cầu, dừa non, đu đủ, xoài, dứa... mà người bán là những người dân tộc thiểu số ở vùng lân cận. 
 Chị Rơ Chăm Hih (làng Grang 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) mong bán mau hết hàng. Ảnh: Hà Duy
Chị Rơ Chăm Hih (làng Grang 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) mong bán mau hết hàng. Ảnh: Hà Duy
Mấy ngày trước, vợ chồng chị Rơ Chăm Hih (làng Grang 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) vào rừng, đi dọc các con suối để tìm những cây sung đang trĩu quả để hái. Những chùm sung đang còn non, quả to bằng ngón chân cái được anh chị cẩn thận cho vào túi, tránh để dập hoặc trầy xước. Cùng với những quả đu đủ, mãng cầu, buồng chuối vừa già tới và những khóm dứa trong vườn, anh chị đem tất cả xuống cổng chợ đường Trần Phú-Pleiku bày bán. “Sung chùm lớn thì 10 ngàn đồng, chùm nhỏ 5 ngàn đồng, chuối 25 ngàn đồng một nải, dứa, mãng cầu và đu đủ thì tùy quả lớn hay nhỏ mà có giá khác nhau. Năm nào mình cũng bán ở đây, cũng kiếm được ít tiền về vui Tết với bà con”-chị Hih hồ hởi.
 Anh Ksor Teo ((làng Grang 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) vui bán hàng với bà con trong làng. Ảnh: Hà Duy
Anh Ksor Teo (làng Grang 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) vui bán hàng với bà con trong làng. Ảnh: Hà Duy
Cũng ở làng Grang 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai), anh Ksor Teo chọn một góc khiêm tốn hơn ngay góc đường Đinh Tiên Hoàng-Trần Phú-Pleiku để bày bán mấy bì củ mì đã lột sẵn vỏ, ít dứa và vài bó chè xanh. Anh có cách nói chuyện khá hài hước và lạc quan: “Tết mà, mình bán mấy thứ kiếm thêm ít tiền thôi. Bán cho vui với mọi người. Bình thường không được bán ở chỗ này đâu, nên Tết mình tranh thủ. Mấy ngày này bà con trong làng mình ra đây bán hàng nhiều lắm”. 
Không “quy mô” và “chuyên nghiệp”, bày hàng ra bán thành “khu vực” riêng biệt như đoạn trước cổng Trung tâm Thương mại (đường Trần Phú), ở chợ bà Định (đường Nguyễn Trãi), góp vào không khí mua bán sôi nổi, đông đúc của người Kinh trong dịp này, bà con dân tộc thiểu số thường bán những thứ có sẵn “cây nhà lá vườn”, bằng cách cầm trên tay và đi dạo khắp nơi. Khoảng trên 60 tuổi, bà Kpuih H’Bai (làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cũng đi khắp chợ, trên tay là quả đu đủ xanh và những quả ca cao vàng ươm, sau lưng là chiếc gùi chất đầy bắp sú vườn nhà. “Bắp sú nhà mình tự trồng, không phun thuốc gì đâu, mua nhiều về mà ăn Tết. Ca cao cũng chín rồi, mua về ăn đi”-bà cười tươi mời chào. 
Bà Kpuih H’Bai (làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) với những món hàng cây nhà lá vườn. Ảnh: Hà Duy
Bà Kpuih H’Bai (làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) với những món hàng cây nhà lá vườn. Ảnh: Hà Duy
Dạo quanh một số khu chợ nhỏ tự phát trên một số tuyến đường của thành phố như đường Trường Chinh, Trần Quốc Toản, chợ Thống Nhất..., bà con  người dân tộc thiểu số trú tại các làng Ngol Tả (xã Chư Hdrông), làng Chuét (xã Chư Á), làng Kép (phường Đống Đa), làng 50 (phường Yên Đỗ)... cũng tranh thủ thu hoạch các loại rau, củ, quả trong vườn đem ra chợ bán. “Những  thứ này nhà mình bán quanh năm, nhưng chỉ dịp Tết mới bán được giá nhất. Nhà mình nuôi gà, cách đây nửa tháng đã có người Kinh tới đặt 3 con, sau đó có người tới đặt thêm 2 con nữa. Số còn lại mình với con gái ôm tới chợ bán, hôm qua tới giờ bán được 3 con rồi”-chị Ksor H’Nga (làng Chuét, TP. Pleiku) cho biết. 
Mải tất bật bán buôn, lo liệu, nhiều người quên là Tết đã tới tự lúc nào. Không khí rộn ràng, phấn chấn tràn về khắp các thôn làng, ngõ xóm, phố phường. Và những người bán hàng thời vụ như chị Hih, anh Teo, bà Bai... cũng chỉ mong hàng bán được giá, hết sớm, có thêm thu nhập để cùng với người Kinh đón Tết vui vẻ, an lành.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm