Vụ rừng già Kon Tum bị tàn phá: Gỗ vi phạm không ngừng tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gỗ vi phạm ban đầu đo đạc hơn 12m3 quy tròn, sau đó tăng lên 17,6m3 gỗ và hiện vẫn đang mở rộng tìm kiếm. Liên ngành công an, kiểm sát đã họp bàn giải pháp, nếu đủ cơ sở sẽ khởi tố vụ án.
Hiện trường vụ phá rừng
Hiện trường vụ phá rừng
Sáng ngày 21-12, ông Nguyễn Văn Lân, Bí thư Huyện ủy Kon Plông, tỉnh Kon Tum cho biết, sau khi nắm thông tin phá rừng xã Đắk Hring, Huyện ủy đã có chỉ đạo Công an, Viện KSND, Kiểm lâm khám nghiệm hiện trường để điều tra, xử lý vụ việc. Nếu đủ cơ sở sẽ khởi tố vụ án.
Về khối lượng gỗ vi phạm, ông Nguyễn Văn Lân cho biết, theo báo cáo của cơ quan điều tra, cách đây 2 ngày, khối lượng gỗ vi phạm đã tìm thấy là hơn 17,6m3, còn lại vẫn đang mở rộng hiện trường để làm.
Trả lời về việc ngoài điều tra xử lý đối tượng khai thác, Huyện ủy đã có yêu cầu xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để mất rừng.
"Huyện ủy đã có chỉ đạo xử lý trách nhiệm. Đã liên quan đến rừng là yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo pháp luật về chủ rừng, người khai thác, mua bán vận chuyển… Huyện ủy giao hết cơ quan điều tra làm rõ từng vấn đề để báo cáo cấp ủy địa phương", ông Nguyễn Văn Lân cho biết.
Trong khi đó, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm vùng IV (đóng tại Đắk Lắk, đơn vị quản lý 11 tỉnh trong đó có 5 tỉnh Tây Nguyên) cho biết, Chi cục kiểm lâm Kon Tum đang huy động lực lượng để mở rộng kiểm tra, trong tuần nếu thấy sự việc phức tạp sẽ mời Chi cục kiểm lâm vùng IV sang hỗ trợ.
Như tin đã đưa, khu rừng già ở xã Đắk Hring, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum bị lâm tặc tàn phá ngổn ngang, gỗ sau khi được cắt hạ đã tập kết thành bãi khổng lồ, vết kéo gỗ in hằn trên đất, chứng tỏ gỗ khai thác thời gian dài.
Trong ngày 16-12, Chi cục kiểm lâm Kon Tum có báo cáo gửi Kiểm lâm vùng IV nêu rõ, qua kiểm tra có 12 cây gỗ dổi ở tiểu khu 387, xã Đắk Hrinh bị đốn hạ trái phép. Gỗ tại hiện trường đã bị cưa xẻ thành 101 hộp, khối lượng 7,569m³ (nhóm III, tương ứng 12,110m³ gỗ quy tròn), được tập kết về tiểu khu 388. Toàn bộ gỗ ở hiện trường, gỗ khai thác là rừng tự nhiên, chức năng rừng sản xuất, thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông.
Theo một cán bộ kiểm lâm, theo quy định, đối với rừng sản xuất, gỗ vi phạm nếu đủ từ 10m3 trở lên là đủ cơ sở khởi tố vụ án.
Theo SÔNG HƯƠNG (sggp online)

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.