Vụ kiện của các đại gia: 10 năm Tòa xử chưa xong!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công trình thủy điện Ia Ly chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6-2000. Tuy nhiên, có một hạng mục vô cùng quan trọng là ống dẫn dòng được sơn tĩnh điện chống rỉ đã ngập dưới lòng hồ trên 10 năm phục vụ khai thác thương mại lại là chủ thể của vụ kiện đến nay chưa có hồi kết qua 6 bản án của các cấp Tòa án.

Đơn phương hủy hợp đồng vì… giá đô la tăng

Năm 1997, Công ty TNHH Prezioso Việt Nam (nay là Công ty Viva Blast Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh) trúng thầu cung cấp sơn và thi công sơn phủ kết cấu kim loại đường ống và thiết bị cho Nhà máy thủy điện Ia Ly (do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN làm chủ đầu tư).

Theo hợp đồng được ký kết, Công ty Prezioso Việt Nam (sau đây tạm gọi là Cty Pre) có nhiệm vụ cung cấp sơn và thi công sơn 47.000 m2 đường ống áp lực bề mặt trong và kết cấu thép ngập nước (lưới chắn rác, cửa van…); 98.000 m2 thiết bị ngập nước, kết cấu gia công tại chỗ và các loại đường ống làm việc trong môi trường công nghiệp bình thường; 14.000 m2 sơn trang trí. Hợp đồng kinh tế với tổng giá trị 2.005.200 USD (tương đương 24.647.918.400 đồng tại thời điểm ký kết theo tỷ giá 12.292 đồng/USD). Trong đó, tiền vật liệu sơn là 298.074 USD và tiền thi công sơn là 1.707.126 USD.

 Sửa chữa máy thủy lực tại Nhà máy thủy điện Ia Ly. Ảnh: Lê Văn Nhung
Sửa chữa máy thủy lực tại Nhà máy thủy điện Ia Ly. Ảnh: Lê Văn Nhung

Sau khi trúng thầu, Cty Pre mới tiến hành cung cấp sơn và thi công sơn được 27.221,96 m2 (trong đó, khối lượng công việc tại xưởng là 23.001,58 m2 và khối lượng công việc tại công trường là 4.220,58 m2) thì đơn phương chấm dứt hợp đồng thi công vào ngày 6-5-1999. Lý do Cty Pre đưa ra là EVN không thay đổi tỷ giá USD vào từng thời điểm cho phù hợp với thực tế; khối lượng công việc thực tế cung cấp quá ít không đủ khấu hao trị giá tài sản đã đầu tư so với dự kiến hợp đồng; nhiều phần việc lẽ ra được sơn trong xưởng nhưng phải tiến hành sơn ngoài hiện trường… Đồng thời, Cty Pre đòi EVN bồi thường tổn thất tài chính trên 20 tỉ đồng.

Ngược lại, EVN nại lý do công trình thủy điện Ia Ly là công trình trọng điểm quốc gia nhưng Cty Pre không thực hiện đúng theo nội dung hợp đồng đã ký kết mà đưa xưởng sơn vào hoạt động chậm ảnh hưởng tiến độ chung của công trình; không sơn các thiết bị phải sơn ngoài hiện trường theo quy định dẫn đến khả năng đe dọa tuổi thọ công trình; tự ý ngừng thi công... Để đảm bảo đúng tiến độ buộc EVN phải ký hợp đồng với Công ty Xây lắp 10 để thi công những phần còn lại. Từ đó, EVN đã khởi kiện Cty Pre đòi bồi thường 10.758.067.481 đồng thiệt hại (sau khi khấu trừ các khoản giữa 2 bên).

10 năm chưa kết thúc vụ kiện!

EVN khởi kiện Cty Pre vào ngày 4-10-1999. Đến ngày 12-12-2000, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên buộc EVN phải trả cho Cty Pre khối lượng chưa thanh toán và lãi do trả chậm trên 1,4 tỉ đồng. Ngược lại, Cty Pre phải bồi thường thiệt hại do không thực hiện hợp đồng và hoàn lại tiền tạm ứng còn dư cho EVN tổng cộng trên 7 tỉ đồng. Không đồng ý với phán quyết này, cả hai doanh nghiệp kháng cáo và bản án phúc thẩm lần 1 của TAND tối cao tại Đà Nẵng đã sửa lại một phần bản án sơ thẩm. Sau đó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã kháng nghị đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo hướng hợp đồng vô hiệu hoàn toàn. Tuy nhiên, quyết định Giám đốc Thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ngày 24-2-2003 không chấp nhận tuyên bố hợp đồng giữa EVN và Cty Pre là vô hiệu mà do hai cấp xét xử chưa làm rõ khối lượng đã thi công ngoài hiện trường cũng như lỗi của mỗi bên để làm cơ sở xác định trách nhiệm.

Bản án sơ thẩm lần 2 của TAND tỉnh Gia Lai ngày 18-6-2004 bác đơn khởi kiện của EVN và buộc EVN phải chịu án phí gần 40 triệu đồng, Cty Pre phải chịu án phí hơn 36 triệu đồng. Ngày 24-6-2004, Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai kháng nghị theo hướng EVN bồi thường cho Cty Pre trên 7 tỉ đồng. Ngày 5-5-2005, TAND tối cao Đà Nẵng xử phúc thẩm lần 2 buộc EVN bồi thường cho Cty Pre số lợi nhuận được hưởng bằng 10% giá ghi trên hợp đồng với diện tích sơn đã lắp đặt là trên 775 triệu đồng. Đồng thời, tính lại tiền án phí kinh tế sơ thẩm lần 2.

Tuy nhiên, vụ kiện không dừng ở đó mà các bên tiếp tục khiếu nại dai dẳng đến các cấp. Ngày 2-5-2008, đến lượt Chánh án TAND tối cao lại kháng nghị đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần 2 để xét xử sơ thẩm lần 3. Theo quyết định Giám đốc của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ngày 9-10-2008 thì các cấp xét xử vẫn chưa giám định rõ khối lượng đã thi công sơn trong xưởng cũng như ngoài hiện trường mà chỉ căn cứ vào bảng kê khối lượng thi công đối chiếu giữa các bên. Trong khi đó các thiết bị này hiện nay đã ngập vĩnh viễn trong lòng hồ nước thủy điện Ia Ly. Từ đó vụ kiện giao trở lại cho TAND tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm.

Được biết, trước khi TAND tỉnh Gia Lai chuẩn bị xét xử sơ thẩm lần thứ 3 thì đã có 4 đơn vị có năng lực và uy tín trong cả nước được mời thẩm định khối lượng thi công nhưng đều từ chối vì… bất lực! Chúng tôi sẽ theo dõi vụ kiện để thông tin đến bạn đọc.

Lê Văn Nhung


Có thể bạn quan tâm