Quán karaoke số 68 phố Trần Thái Tông (Hà Nội) - nơi phát cháy khiến 13 người chết - không có đủ điều kiện an ninh trật tự và PCCC mà vẫn hoạt động kinh doanh thì đó là lỗi trước hết của chủ đầu tư. Và, chủ cơ sở kinh doanh sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự...
Vụ hỏa hoạn tại quán karaoke số 68 phố Trần Thái Tông (Hà Nội) đã khiến 13 người tử vong. |
Như đã đưa tin: Khoảng 14 giờ ngày 1-11, hỏa hoạn bùng phát từ quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Lửa nhanh chóng lan ra các nhà lân cận. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an Hà Nội, Cảnh sát PCCC Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô và các lực lượng liên quan đã đến hiện trường chữa cháy, tìm kiếm nạn nhân.
Sau 7 tiếng chữa cháy, lực lượng chức năng phát hiện 13 nạn nhân tử vong. Lửa thiêu rụi toàn bộ quán karaoke số 68 Trần Thái Tông và mặt tiền 3 căn nhà gần đó.
Chủ quán karaoke số 68 phố Trần Thái Tông là bà Nguyễn Diệu Linh (30 tuổi, ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội). Các cơ quan chức năng cho biết, cơ sở kinh doanh này chưa đầy đủ các giấy phép theo yêu cầu của pháp luật như thẩm định về PCCC, đủ điều kiện về an ninh trật tự cũng như chưa có giấy phép về kinh doanh karaoke.
Ngày 2-11, Đại tá Dương Văn Giáp-Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy xảy ra tại quán karaoke trên.
Liên quan đến vấn đề này, VietNamNet đã có trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).
Luật sư Trương Quốc Hòe trao đổi với phóng viên. |
Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, hoạt động kinh doanh karaoke là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, vì vậy chỉ khi nào chủ kinh doanh đủ điều kiện mới được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép.
Việc cấp phép kinh doanh karaoke được phân cấp cho đơn vị cấp quận hoặc huyện tương đương thực hiện và việc cấp phép là rất khắt khe và đặc biệt phải tuân theo quy hoạch trên địa bàn.
Về điều kiện để được cấp phép kinh doanh karaoke, luật đã quy định rất rõ thì phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ, đảm bảo điều kiện về cách âm, phòng, chống cháy nổ.
Địa điểm hoạt động karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên, và rất nhiều quy định khác.
Đồng thời trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh karaoke cũng được quy định cụ thể tại điều 32 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP.
Tại điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BCA ngày 6-10-2015 hướng dẫn về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đã quy định rất rõ các điều kiện đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke thì cơ sở phải thực hiện các quy định về thiết kế phòng cháy và chữa cháy quy định.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có rất nhiều công trình này đã được xây dựng, đi vào hoạt động khi chưa hoàn thành đầy đủ các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy và chưa cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh karaoke nhưng vẫn mở cửa và hoạt động bình thường.
Cũng theo quy định tại điều 4 thông tư này thì công trình công cộng có khối tích từ 1.000m3 thì thuộc trường hợp phải thẩm duyệt nghiệm thu về đảm bảo công tác PCCC.
Phòng Cảnh sát PCCC số 3 tiến hành kiểm tra công trình chưa đưa vào hoạt động nhưng còn một số tồn tại chưa đảm bảo thi công như chưa được thẩm duyệt hồ sơ thiết kế về PCCC. Sở Cảnh sát PCCC đã có công văn yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công, hoàn thiện hồ sơ để thực hiện thẩm duyệt thiết kế PCCC.
Sau đó, Sở Cảnh sát PCCC đã thẩm duyệt, cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC cho cơ sở này và yêu cầu đơn vị thi công theo đúng thiết kế được thẩm duyệt và phải được nghiệm thu trước khi đi vào sử dụng.
Đối với trường hợp này, thì toàn bộ mặt trước của căn nhà tại số 68 Trần Thái Tông được bố trí lắp đặt khung sắt và các tấm thép dày 1,5mm nhằm treo biển quảng cáo; các vách ngăn giữa các phòng hát của ngôi nhà được ngăn bằng tấm kim loại không kín, ốp bằng những vật liệu dễ cháy như xốp, bông thủy tinh. Như vậy, chủ đầu tư cơ sở kinh doanh karaoke tại đây đã vi phạm các quy định liên quan đến lắp đặt biển hiệu quảng cáo và đưa cơ sở vào kinh doanh khi chưa nghiệm thu PCCC.
Trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, Điều 16 Luật Phòng cháy và Chữa cháy năm 2001 quy định: Chủ đầu tư thực hiện thủ tục trình duyệt dự án, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; chỉ được thi công khi thiết kế về an toàn phòng cháy và chữa cháy của công trình đã được duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng.
Theo như thông tin ban đầu xác định được thì bà Nguyễn Diệu Linh là chủ cơ sở kinh doanh cũng đồng thời là chủ đầu tư công trình xây dựng này.
Như vậy bà Linh phải chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục trình duyệt dự án, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy cho Sở PCCC thẩm duyệt về PCCC.
Chỉ sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì mới được thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng. Và bà Linh cũng chính là người sẽ phải có trách nhiệm trong các thiệt hại xảy ra đối với các nhà lân cận và phương tiện do bị cháy lan ra.
Theo danviet
Những người sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại xảy ra với vụ việc Quán karaoke không có đủ điều kiện an ninh trật tự và PCCC mà vẫn hoạt động kinh doanh thì đó là lỗi trước hết của chủ đầu tư. Và chủ cơ sở kinh doanh sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng thì nguyên nhân dẫn đến vụ cháy là do thợ hàn biển quảng tại tầng 2 của tòa nhà. Nếu xác định chính xác nguyên nhân chính vụ cháy là do sự bất cẩn của những người thợ hàn xì trong quá trình thi công biển quảng cáo thì những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về PCCC. Nếu xác định người thợ thi công hàn xì chỉ được thuê để thực hiện công việc thì dù nguyên nhân cháy có xuất phát từ hành vi của họ hay không thì người chủ quán karaoke không những liên đới bồi thường dân sự vì đã không áp dụng biện pháp bảo hộ và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lao động nên đã gây hậu quả thiệt hại về người, tài sản mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về nguyên tắc, người nào gây ra điểm cháy đầu tiên dẫn đến việc cháy lan ra diện rộng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy theo mức độ mà người đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. - Về xử phạt hành chính: Việc xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy được quy định cụ thể tại Mục 3 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013, tương ứng với mỗi hành vi sẽ có mức phạt khác nhau. Ví dụ Điều 48 Nghị định này quy định như sau: “Điều 48. Vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ 1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại dưới 2.000.000 đồng. 2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng. 3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 10.000.000 đồng đến dưới 25.000.000 đồng. 4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. 5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ. 6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại trên 50.000.000 đồng”. - Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Điều 240 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau: “1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 8 năm. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm. 4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”. - Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Theo quy định của pháp luật, người nào có hành vi vi phạm gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đối chiếu với trường hợp làm cháy quán karaoke: + Nếu tài sản bị thiệt hại là xe ôtô, xe máy hoặc các loại phương tiện khác mà đã tham gia bảo hiểm vật chất xe cơ giới thì có thể yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả phần thiệt hại. Về phía các công ty bảo hiểm, sau khi đã trả tiền cho người tham gia bảo hiểm có thể yêu cầu người gây ra vụ cháy (theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) hoàn trả lại số tiền mà công ty bảo hiểm đã trả cho người có thiệt hại. + Đối với các thiệt hại về tài sản khác và thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người gây ra vụ cháy (theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. |