(GLO)- Du lịch thám hiểm, khám phá những vùng đất mới lạ là sở thích của nhiều người, nhất là những người có máu mạo hiểm. Hôm đi khảo sát thượng nguồn sông Ba, tôi và các đồng nghiệp có dịp đến chân núi Ngọc Linh, nằm trong quần sơn Ngok Ang. Đây là đỉnh núi cao thứ hai của Việt Nam, sau ngọn Phăng Xi Păng của Hoàng Liên Sơn phía Tây Bắc.
Để được nhìn ngắm những dãy núi cao nhất mà người Sê Đăng nơi đây gọi là núi Cha, núi Mẹ và núi Con trong trùng trùng điệp điệp của Trường Sơn hùng vĩ, chúng ta có thể đi theo ba hướng: về phía đông đi theo hướng từ Nam Trà Mi lên Trà Linh-Quảng Nam; ở hướng Tây đi theo đường 672 thuộc huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) lên Măng Xăng hoặc Ngọc Lây; hướng Bắc theo đường Hồ Chí Minh lên Đak Glei (Kon Tum) về Mường Hoong…
Cây thông đỏ cổ thụ trên núi Ngọc Linh. (ảnh của đoàn khảo sát huyện Nam Trà Mi năm 2015). |
Có ba khối núi gọi là đỉnh của Trường Sơn mà dân phượt muốn chinh phục là: Ngok Linh cao 2.598 mét, Mường Hoong 2.400 mét và Ngok Lum Heo cao khoảng 2.200 mét. Theo những người dân địa phương ở Ngọc Lây, xã vùng cao cuối cùng của Kon Tum giáp với Quảng Nam theo hướng Đông Tây, thì từ những năm thập niên 1990 thế kỷ trước đến nay có nhiều đoàn thám hiểm, khảo sát hay du lịch khám phá, trong đó có cả chuyên gia người Nga và Việt Nam nhưng chưa ai lên được điểm cao tuyệt đối của Ngok Linh.
Buổi sáng cuối mùa mưa năm 2015, trời đang nắng đẹp, lác đác bên rừng có những bông cúc quỳ nở sớm, từ trung tâm huyện lỵ Tu Mơ Rông, chúng tôi đi theo con đường 672 gập ghềnh với nhiều dốc cao dựng đứng, chiếc xe Land Cruiser 2 cầu phải luôn gầm lên một cách vất vả mới có thể vượt qua những đoạn núi ngoằn ngoèo như những bậc thang trèo lên với trời. Càng lên cao các thung lũng cứ hẹp dần, chỉ còn là những đường viền ở chân núi, người dân địa phương khó mà tìm được khoảnh đất trống để trồng tỉa hay làm ruộng bậc thang mà chúng ta thường thấy ở vùng núi Tây Bắc. Họ chỉ còn cách dựa vào các sườn đồi có độ dốc tương đối, vỡ đất trồng mì, bắp để làm lương thực. Chúng tôi đi qua các làng Mô Bành, Măng Cành, Mô Bá, Măng Rương… người Sê Đăng tuy giờ đây không còn du cư từ đỉnh núi này qua ngọn núi khác như ngày xưa; những mái nhà tranh vách nứa truyền thống dường như không còn nữa nhưng cuộc sống vẫn chưa được cải thiện nhiều, cảnh đói nghèo còn đang hiện hữu ở nhiều gia đình người dân tộc bản địa vì điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt.
Đứng trên một điểm cao nhất ước trên 2.000 mét, ở đoạn đường 672, cách làng Ko Xia khoảng 2 km và gần địa giới tỉnh Quảng Nam khoảng 12 km, nơi đặt trụ sở hành chính của xã Ngok Lây, cô Y Thu-người Sê Đăng, xã Tu Mơ Rông làm hướng dẫn viên cho chúng tôi thâm nhập địa bàn, đã chỉ tay về hướng Bắc với những ngọn núi nhô cao hiển hiện một màu xanh thẳm, không gợn chút mây mờ, tưởng chừng như tôi đưa tay với là có thể chạm tới. "Đó là Ngok Linh và Mường Hoong, xứ sở của Yàng ngự trị với nhiều chuyện hoang đường khiến ít người lui tới. Từ đây đi bộ đến chân núi đó phải mất một ngày đường; còn để lên được những đỉnh núi cao thì chưa biết mấy ngày, nếu lạc đường có thể cả tuần chưa thể ra khỏi chốn thiên la địa võng ấy. Nhiều người dân ở các làng bên cạnh đã từng đi tìm sâm, lội vào các vùng lõm sát các điểm cao nhưng chưa có ai dám trèo lên nóc nhà của các thần núi"-cô Y Thu nói.
Rừng cây có hình thù kỳ quái trên núi Ngọc Linh (ảnh của đoàn khảo sát huyện Nam Trà Mi năm 2015). |
Qua câu chuyện của cô Y Thu, tôi nhớ lại cách đây không lâu, một đoàn cán bộ, có cả chuyên gia về dược liệu gồm 50 người, do Chủ tịch UBND huyện Nam Trà Mi-Quảng Nam dẫn đầu đã có chuyến hành trình dài ngày nhằm chinh phục đỉnh Ngok Linh theo hướng phía Đông; đồng thời khảo sát nhằm chuẩn bị cho dự án hình thành vùng trồng sâm quy mô hàng vạn ha chuẩn bị trình Chính phủ. Đoàn đi dài ngày và có những hình ảnh sống động về các khu rừng già dưới núi với cây cối mốc meo, hình thù kỳ quái như trong các truyện cổ đầy kinh dị. Có một lá cờ Tổ quốc mà đoàn Nam Trà Mi đã cắm trên một cây thông to ở một đỉnh núi nào đó nhưng không nói rõ là ở độ cao bao nhiêu! Chắc rằng trong nhật ký hành trình họ đã ghi chép đầy đủ nhưng chưa công bố rộng rãi. Gặp Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, một thanh niên Sê Đăng còn khá trẻ, ngoài việc tìm hiểu về sông núi, địa hình trong vùng, chúng tôi trao đổi quanh chuyện cây sâm Ngọc Linh, quý như vàng ở xứ sở người Sê Đăng.
Qua trao đổi, anh rất tự hào về miền sâm quý của mình nhưng trong ánh mắt ấy còn chút gì nuối tiếc: "Theo mình biết, nhiều người cho rằng sâm Ngọc Linh-đồng bào mình gọi là cây thuốc giấu-đã mọc tự nhiên nhiều nhất là ở địa bàn vùng Tu Mơ Rông và củ sâm Ngọc Linh to nhất, già tuổi nhất mà các nhà dược liệu còn giữ được cũng đã tìm thấy ở vùng này. Ngày xưa, thế hệ cha mình, có người đi rừng trong 1 ngày đã hái được cả gùi sâm, nhưng bấy giờ chỉ để nấu nước uống cho khỏe, chọn mấy củ to đem phơi khô để dành làm thuốc chữa bệnh cho người nhà thôi chứ chưa biết mua bán với ai. Giờ nó thành của hiếm rồi. Có đi mỏi chân đến các khu rừng già cao trên 2.000 mét cũng khó tìm ra cây sâm tự nhiên. Hiện nay, ai có củ sâm to bằng ngón tay cái với khoảng hơn chục mắt trúc là bán tiền triệu rồi. Dân Ngok Lây giờ đây biết quý thì sâm đã cạn kiệt; họ muốn trồng cây sâm làm kinh tế nhưng thiếu nhà đầu tư, người hướng dẫn. Chính vì nó quý hiếm nên rất khó trồng và đầu tư ban đầu lớn nên ít người làm được. Nếu có ai về đây bỏ vốn để dân mình trồng sâm thì lãnh đạo địa phương hoan nghênh và ủng hộ cả hai tay".
Theo các nguồn thông tin thì hiện tại đã có các dự án quy mô cả ngàn tỷ đồng của tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum đang triển khai với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và trong thực tế đã có hàng trăm ha sâm Ngọc Linh được trồng và khai thác nhưng chưa có sản phẩm cung cấp ra thị trường. Các công ty và người dân trong vùng núi Ngọc Linh đang “âm thầm” phát triển nguồn sâm quý của mình với hy vọng một ngày nào đó trong tương lai gần sẽ đưa sản phẩm sâm Việt Nam ra cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế.
Ở các địa phương thuộc huyện Tu Mơ Rông, nơi được đánh giá là có vùng sinh thái phù hợp cho cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác phát triển, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe bàn đến việc trồng sâm dây (hồng đẳng sâm), sâm đá (cùng loại sâm bố chính) và sâm khu 5 (sâm panax của Việt Nam)-loại cây trồng không những xóa đói, giảm nghèo mà còn làm giàu một cách bền vững, vừa có tác dụng để phát triển kinh tế vừa giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, ngành du lịch sẽ phối hợp-kết nối tour để tổ chức cho du khách khám phá thiên nhiên kỳ thú, chinh phục các đỉnh cao trong vùng núi Ngọc Linh đầy hấp dẫn-một loại hình du lịch đang được giới trẻ trong và ngoài nước rất thích thú.
Bùi Quang Vinh