Vợ chồng cựu binh làm giàu trên vùng đất khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vườn na và nhãn rộng gần 3 ha là gia tài lớn nhất mà vợ chồng cựu chiến binh ấy có được. Hơn thập kỷ qua, bao trái ngọt quả thơm “sinh ra” trên vùng đất khó đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình ông mỗi năm.

Cả ông Nguyễn Hồng Thái (SN 1956) và vợ mình là bà Phạm Thị Thế (SN 1958) đều tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Tuy chỉ kéo dài 1 tháng nhưng đây là trận đánh đầy khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả ta lẫn Trung Quốc. Cũng như bao thanh niên khác ở Hải Dương, ông Thái và bà Thế hăng hái lên đường nhập ngũ, quyết tâm giữ vững bình yên cho đất nước. Sau đợt huấn luyện ngắn, ông Thái được điều lên Cao Bằng, còn bà Thế thì được phân về Lào Cai.

May mắn trở về từ chiến tranh, hai con người xa lạ ấy tình cờ gặp nhau, phải lòng rồi nên duyên chồng vợ. Năm 2004, vợ chồng ông Thái quyết định rời quê nhà Hải Dương vào Gia Lai xây dựng kinh tế mới. Bỏ ra 7 triệu đồng, vợ chồng ông mua gần 3 ha đất tại vị trí thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro hiện nay. Vùng đồi núi cằn cỗi với đá sỏi lởm chởm lại tiếp tục “hành hạ” vợ chồng ông một thời gian dài dọn dẹp mới có thể canh tác.

Ông Thái chia sẻ kinh nghiệm trồng na sao cho khỏe, đẹp và đạt sản lượng cao. Ảnh: Mộc Trà
Ông Thái chia sẻ kinh nghiệm trồng na sao cho khỏe, đẹp và đạt sản lượng cao. Ảnh: Mộc Trà

“Số tiền mua đất có 1 mà tiền thuê công dọn đá lại gấp những 3 lần, tiền vốn liếng đem từ ngoài quê vào coi như cạn. Lúc đó chúng tôi phải vay mượn khoảng 30 triệu đồng để đầu tư vườn cây ăn quả. Đầu tiên là đu đủ, nhãn lồng Hưng Yên rồi đến xoài Long Khánh, na dai Đông Triều. Lúc mới làm nhiều người cứ bảo đất xấu thế này, trồng cây sẽ không ra quả song vợ chồng tôi vẫn cứ làm, tận tâm chăm sóc. Rất mừng là trời không phụ lòng người”-ông Thái nhớ lại.

Chỉ 2-4 năm cắm rễ trên vùng đất khó, vườn cây ăn quả của vợ chồng cựu binh Thái-Thế đã cho trái bói. Dần dần, ông loại bỏ những giống cây kém hiệu quả như xoài, đu đủ và chuyển hẳn sang trồng chuyên na, nhãn lồng. Hiện nay, vẫn diện tích đó, ông Thế đang có khoảng 900 cây na và 50 gốc nhãn.

Từ những ký na ban đầu có giá chỉ 2.000-5.000 đồng, qua nhiều năm, giá na tuyển bây giờ đã đạt mức 35.000-38.000 đồng/kg, mang về thu nhập trung bình cho vợ chồng ông hàng năm trên 300 triệu đồng. “Năm nay, tôi đã thu hoạch được 6 tấn na, dự kiến sản lượng đến cuối mùa khoảng 20 tấn. Đây là năm vườn na đạt nhất trong suốt hơn chục năm qua. Riêng nhãn có 5 cây đang ra quả, tầm 1 tháng nữa sẽ thu, giá khoảng 43.000 đồng/kg; số còn lại tôi đều can thiệp để cho quả trái mùa đúng vào dịp Tết, bán sẽ được giá hơn”-ông Thái cho hay.

Theo chia sẻ của vợ chồng cựu binh Thái, na và nhãn là loại cây không khó trồng, ít sâu bệnh, chỉ cần phun thuốc đúng thời điểm đề phòng trừ các bệnh thường gặp như: khô vằn, rệp sáp, nấm đen cũng như tưới nước, bón phân đầy đủ, hợp lý là cây phát triển tốt. Với na, sau mỗi vụ thu hoạch nên cắt cành để tái sinh cành mới, ngăn chặn cây già cỗi và kích thích cho quả sai, đẹp.

Người cựu binh phấn khởi bên những cây nhãn sai trĩu quả của mình. Ảnh: Mộc Trà
Người cựu binh phấn khởi bên những cây nhãn sai trĩu quả của mình. Ảnh: Mộc Trà

Nói về việc phát huy vai trò của người lính trong thời bình, ông Thái bộc bạch: “Đã là một cựu chiến binh thì dù có khó khăn, vất vả đến đâu cũng không thể nản chí, cố gắng phát triển kinh tế trước hết cũng là vì bản thân, gia đình mình, sau là để góp phần nhỏ cho địa phương. Bản thân chúng tôi luôn sống hòa đồng, nghĩa tình với làng xóm, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ kinh nghiệm trồng cây cho những hội viên, người dân có nhu cầu”. Không chỉ thế, được biết, gia đình ông Thái còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều người với khoảng gần 300 ngày công lao động mỗi năm.

Sự không ngừng vươn lên trong sản xuất chẳng những giúp vườn cây ăn quả của mình đạt hiệu quả kinh tế cao mà ông Thái còn góp phần từng bước thay đổi nhận thức, cách làm ăn của nhân dân trong vùng. “Dù mới chuyển sinh hoạt từ Hải Dương vào đây được 1 năm nhưng vợ chồng cựu chiến binh Thái luôn tuân thủ sinh hoạt và tham gia đầy đủ các hoạt động, phong trào Hội. Họ rất kiên trì, chịu khó, quyết tâm làm giàu từ mô hình trồng cây ăn quả bằng cách làm sáng tạo riêng của mình. Đây là một tấm gương sáng cho các hội viên khác noi theo”-ông Nguyễn Phong Hoa-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yang Trung nhận xét.

Mộc Trà

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.