Viện Kinh tế Xanh kết nối các dự án nghìn tỷ tại Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Công ty CP Đầu tư Tân Thành Holdings đã đề xuất đầu tư xây dựng dự án “Chuỗi giá trị dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên-Mô hình điểm tại Đắk Lắk”.
 

Ông Lê Thành, Chủ tịch HĐSL Viện KTX-Tổ chức kết nối nguồn lực đầu tư xanh cho tỉnh Đắk Lắk.
Ông Lê Thành, Chủ tịch HĐSL Viện KTX-Tổ chức kết nối nguồn lực đầu tư xanh cho tỉnh Đắk Lắk.



Trong khuôn khổ hợp tác chiến lược cấp quốc gia giữa Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Viện Kinh tế Xanh, chiều 12/3, ông Lê Thành, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Viện Kinh tế Xanh dẫn đầu đoàn công tác gồm chủ tịch các công ty, doanh nghiệp... báo cáo với Lãnh đạo Tỉnh ủy về các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Viện Kinh tế Xanh - Tổ chức khoa học công nghệ thuộc Liên hiệp hội Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò kết nối các dự án nghìn tỷ tại các địa phương trên cả nước. Do đó, việc kết nối các doanh nghiệp uy tín đầu tư về Tây Nguyên, khu vực giàu tiềm năng song chưa được khai thác hiệu quả là một trong những hoạt động trọng tâm của Viện Kinh tế Xanh.

Là tỉnh ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk và một phần của sông Ba, có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, Đắk Lắk giàu tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp, du lịch, năng lượng...

Đây không chỉ là nơi có năng suất càphê thu hoạch cao nhất thế giới và góp phần chính trong việc đưa sản lượng càphê Việt Nam lên vị trí số hai toàn cầu, mà còn có thể trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực Tây Nguyên, đi đầu trong xu hướng tăng trưởng xanh, bền vững.

Với định hướng này, Công ty CP Đầu tư Tân Thành Holdings đã đề xuất đầu tư xây dựng dự án “Chuỗi giá trị dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên-Mô hình điểm tại Đắk Lắk.” Dự án có quy mô hơn 1.000 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến 3.000 tỷ đồng, đây sẽ là chuỗi sản xuất dược liệu khép kín đầu tiên tại Việt Nam đạt chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế.

Dự án được kỳ vọng tạo khoảng 2.000 việc làm cho người dân bản địa, mang lại sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ tài nguyên rừng, bảo vệ an ninh quốc phòng.

Còn đón đầu làn sóng du lịch khi tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột-Nha Trang được hoàn thành, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Tân Thành cũng đề xuất đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven hồ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc Bất động sản Tân Thành cho biết, Đắk Lắk sở hữu nhiều khu vườn Quốc gia với diện tích lớn, văn hoá bản địa đa dạng, độc đáo... là nơi có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, Đắk Lắk vẫn chưa có mô hình du lịch xứng tầm để dẫn dắt ngành du lịch cả Tây Nguyên.

Với kinh nghiệm đầu tư các khu nghỉ dưỡng sinh thái và dân cư cao cấp tại Đồng Nai và Lâm Đồng, hợp tác cùng các đối tác hàng đầu thế giới, Bất động sản Tân Thành sẽ đẩy mạnh mô hình du lịch sinh thái ven hồ tại Đắk Lắk, mang đến những trải nghiệm du lịch đẳng cấp với văn hoá địa phương đi liền với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, sự sống.

Một dự án khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Tỉnh, là Dự án điện mặt trời Ea Súp do Công ty CP Năng Lượng Xanh Tân Thành làm chủ đầu tư. Dự án sẽ bao gồm 16 nhà máy, với tổng công suất lắp đặt lên đến 2.600 MWP. Trong đó có 12 nhà máy đạt công suất 150 MWP và 04 nhà máy đạt công suất 200 MWP. Số vốn đầu tư ban đầu lên đến hơn 46.000 tỷ đồng.

Dự án sẽ cung cấp khoảng 4,4 triệu MWH/năm, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu phát thải khí CO2, tạo ra nguồn điện ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.

Đặc biệt, để nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh, phát huy tối đa vai trò liên kết vùng, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thuận Việt và Tổng Công ty CP Công trình Giao thông 6 (Cienco 6) đã xuất hợp tác đầu tư dự án cao tốc Buôn Ma Thuột-Nha Trang.

Đây là dự án có vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Khi tuyến cao tốc này hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Nha Trang đến Đắk Lắk xuống chỉ còn chưa tới 2 giờ. Đây sẽ là cầu nối thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương, xuất khẩu.

Ông Võ Văn Bé, Chủ tịch Tập đoàn Thuận Việt và CIENCO 6 cho hay, với năng lực và kinh nghiệm hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, tham gia hầu hết các công trình trọng điểm của cả nước, Thuận Việt và CIENCO 6 lựa chọn Đắk Lắk là khu vực đầu tư trọng điểm tiếp theo, đưa Đắk Lắk phát triển xứng tầm là thủ phủ và là trung tâm liên kết vùng khu vực Tây Nguyên.”

Phát biểu tại cuộc họp, ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đánh giá cao vai trò kết nối nguồn lực của Viện Kinh tế xanh và hoan nghênh các dự án mà tập đoàn Tân Thành Holdings, tập đoàn Tân Mai, Công ty Năng Lượng Xanh Tân Thành, Công ty Bất động sản Tân Thành, Thuận Việt và CIENCO 6 đã đề xuất. Đồng thời, đánh giá cao sự nghiêm túc nghiên cứu, đầu tư của doanh nghiệp khi phát triển những dự án này không chỉ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương mà còn phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển bền vững mà Tỉnh đang hướng tới.

Qua đó, Bí thư Bùi Văn Cường đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp nghiên cứu, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư triển khai đúng theo trình tự và quy trình. Tỉnh đồng ý và thống nhất để các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án như đề xuất. Tuy nhiên, việc thực hiện phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo tiến độ thực hiện với lãnh đạo tỉnh.

 

Theo Trần Phương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.