Việc tìm ra dấu vết sự sống trong Hệ Mặt Trời có ý nghĩa lớn thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù có thể con người không sống được ở các thế giới đó, nhưng việc tìm ra dấu vết sự sống sẽ là một bước tiến vĩ đại của nhân loại.
Trong suốt hàng chục năm, kể từ khi bắt đầu mở mang tìm hiểu và khai phá vũ trụ, các nhà khoa học vẫn luôn đau đáu tìm tòi một mục tiêu duy nhất: dấu vết sự sống, dù chỉ là ở mức độ vi sinh, trên các hành tinh khác. Nhưng tới hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể nào tìm ra.
Do khoảng cách quá xa xôi, với các thiết bị công nghệ hạn chế ở thời điểm hiện tại, con người sẽ không thể tìm thấy dấu vết sự sống ở các hành tinh xa xôi bên ngoài Hệ Mặt Trời. Đó sẽ là câu chuyện của hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tới. Nhưng không vì thế mà các nhà khoa học đầu hàng, họ vẫn kiên trì tìm kiếm bên trong Hệ Mặt Trời các dấu vết của sự sống.
Hệ Mặt Trời là nơi các nhà khoa học ráo riết tìm kiếm dấu vết sự sống.
Hệ Mặt Trời là nơi các nhà khoa học ráo riết tìm kiếm dấu vết sự sống.
Nhiều tháng trước, các nhà khoa học đã tìm thấy khí Phosphine ở bầu khí quyển của Sao Kim. Đây được xem là một phát hiện lớn, bởi lẽ khí này chỉ có thể tổng hợp trong phòng thí nghiệm, còn ngoài tự nhiên nó xuất hiện rất hạn chế từ cơ thể các sinh vật sống. Điều đó có nghĩa là rất có thể sự sống ở dạng vi khuẩn sẽ xuất hiện trên khí quyển của sao Kim.
Chưa hết, thông qua đo đạc, các nhà khoa học tiếp tục tìm ra dấu vết của những hồ nước lỏng ở Sao Hỏa. Hiện tại chưa thể xác nhận thực sự có hồ nước ở đó hay không, và nếu có, các nhà khoa học hi vọng rằng ở đó sẽ có một vài loài vi khuẩn.
 Sao Hỏa là nơi các nhà khoa học đặt nhiều hi vọng.
Sao Hỏa là nơi các nhà khoa học đặt nhiều hi vọng.
Còn nếu thất bại, chúng ta sẽ tiếp tục chuyển hướng đến các vệ tinh của Sao Thổ, nơi có thể có nước ở dạng lỏng, và như thế có nghĩa là vi khuẩn có thể tồn tại. Tất cả mọi hành tinh trong Hệ Mặt Trời hiện đang được các nhà khoa học quan sát kỹ lưỡng với hi vọng tìm thấy được bất cứ dấu vết nào của sự sống.
Nên nhớ rằng, dù cho có tìm thấy được sự sống ở các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời, thì con người cũng chưa chắc có thể sinh sống ở đó. Nơi được xem là thân thiện nhất là Sao Hỏa thì cũng có những điều kiện vô cùng khắc nghiệt như bầu khí quyển không thở được, tia bức xạ cực mạnh, trọng lực quá yếu… Còn những hành tinh khác thì hoặc là quá nóng, hoặc là quá lạnh, không có cách nào chúng ta có thể sống được trên bề mặt của nó.
Vậy tại sao các nhà khoa học vẫn tìm mọi cách để khám phá dấu vết sự sống ở tất cả các hành tinh trong Hệ Mặt Trời? Điều đó thật đơn giản: chứng minh sự tồn tại của sự sống ở các hành tinh khác. Chỉ cần tìm thấy dấu vết của bất cứ dạng sống nào, điều đó có nghĩa là Trái Đất không phải là hành tinh duy nhất có sự sống trong vũ trụ này.
Tìm thấy dấu vết sự sống ở ngoài Trái Đất có ý nghĩa vô cùng lớn lao.
Tìm thấy dấu vết sự sống ở ngoài Trái Đất có ý nghĩa vô cùng lớn lao.
Đó là một khám phá có ý nghĩa cực kỳ lớn lao đối với sự phát triển của nhân loại nói chung và ngành khoa học vũ trụ nói riêng. Chúng ta luôn tin rằng ở các hành tinh khác cũng xuất hiện sự sống, nhưng tới nay điều đó vẫn chưa được chứng minh. Chỉ cần chứng minh thành công, con người sẽ có đông lực lớn để khám phá vũ trụ và tìm ra những miền đất mới.
Theo Vĩnh Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm