Việc làm thời vụ cuối năm, “Bước đệm” cho lao động trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày cuối năm, các doanh nghiệp bước vào giai đoạn cao điểm sản xuất kinh doanh để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Tại Gia Lai, thị trường lao động thời vụ mùa Tết cũng trở nên sôi động.

Với lao động trẻ, đây chính là “bước đệm” giúp bản thân có thêm kinh nghiệm để tự tin làm việc sau này.

“Khát” nhân lực thời vụ cuối năm

Mặc dù thời hạn tuyển dụng nhân viên thời vụ cho dịp Tết đã kết thúc nhưng 30 suất làm việc tại các vị trí như: thu ngân, bán hàng, nhân viên kho và nhân viên bảo vệ của Siêu thị Co.op Mart Pleiku vẫn đang còn trống hơn một nửa.

Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-thông tin: “Cuối năm là thời điểm chúng tôi cần nhiều lao động để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng. Nhưng đến nay, Siêu thị vẫn chưa tuyển đủ nhân viên thời vụ. Ngoài được làm việc trong môi trường sạch sẽ, an toàn, máy móc hiện đại, chuyên nghiệp, nhân viên thời vụ còn có mức thu nhập ổn định.

Những ngày nhân sự đi học việc, chúng tôi vẫn trả lương theo từng vị trí. Chúng tôi cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho lao động trẻ chưa có kinh nghiệm, chỉ cần họ chịu khó và ham học hỏi”.

nam-nay-khong-co-nhieu-nhan-su-thoi-vu-nam-nhu-cac-nam-anh-hoang-hoai.jpg
Năm nay không có nhiều nhân sự thời vụ nam như các năm. Ảnh: Hoàng Hoài

Tương tự, nhằm đáp ứng đơn hàng tăng mạnh dịp cuối năm và phục vụ cho năm tiếp theo, Công ty cổ phần May Gia Lai quyết định tuyển dụng thêm 300 công nhân. Mức lương đơn vị trả cho các vị trí lao động thời vụ, học việc là 4,2 triệu đồng/tháng, bao gồm hỗ trợ ăn ở, chi phí đi lại; riêng

công nhân may chính thức nhận lương trung bình 8-15 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Thảo-đại diện Phòng Tuyển dụng-cho biết: “Lượng công việc cuối năm tăng nhưng không vì thế mà doanh nghiệp để người lao động tăng ca nhiều, tránh bị áp lực công việc.

Mặc dù đã đăng tin thông báo tuyển dụng lao động trong thời gian dài trên nhiều nền tảng khác nhau nhưng đơn vị vẫn chưa tuyển được công nhân may mới hay nhân viên thời vụ vào làm việc”.

Ngoài những doanh nghiệp lớn, nhiều cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, quán ăn, đơn vị vận chuyển trên địa bàn tỉnh cũng có nhu cầu tuyển dụng nhân viên phục vụ, giao hàng làm việc trước, trong và sau Tết.

Dù đưa ra thời gian làm việc linh hoạt, mức lương 6-7 triệu đồng/tháng, cộng thêm các chế độ như: ăn trưa miễn phí, phụ cấp tăng ca, thưởng Tết tùy theo tính chất công việc và thời gian làm việc, tuy nhiên, nguồn lao động tại địa phương vẫn chưa đáp ứng nhu cầu mà các nhà tuyển dụng mong muốn.

hon-3000-vi-tri-viec-lam-trong-voi-cac-nganh-nghe-nhu-may-mac-giay-da-go-noi-that-dich-vu-nha-hang-lai-xe-bao-ve-cho-don-nguoi-lao-dong-anh-duc-thuy.jpg
Hơn 3.000 vị trí việc làm trống với các ngành nghề như may mặc, giày da, gỗ nội thất, dịch vụ nhà hàng, lái xe, bảo vệ… chờ đón người lao động. Ảnh: Đức Thụy

Bà Nguyễn Thị Hương-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-thông tin: “Trước nhu cầu tuyển dụng tăng cao của các doanh nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán 2025, ngày 12-12 vừa qua, Trung tâm đã tổ chức ngày hội việc làm nhằm tạo điều kiện cho lao động địa phương tìm kiếm công việc phù hợp; doanh nghiệp tham gia tuyển dụng cũng có thể trực tiếp phỏng vấn người lao động.

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền cho người lao động trong các phiên hoạt động của sàn giao dịch việc làm; cập nhật liên tục tin tức hoạt động của Trung tâm, thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp, thông tin tìm kiếm việc làm của người lao động trên website www.vieclamgialai.vn và các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo”.

Năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 97 phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã và thành phố. Mỗi phiên lớn thu hút khoảng 300-500 đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên và người lao động tham gia; các phiên nhỏ và lưu động cũng có sự góp mặt của 100-200 người.

Trung tâm cũng đã kết nối với hơn 550 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung cấp khoảng 8.000 vị trí việc làm trống mỗi năm, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động.

“Bước đệm” cho lao động trẻ

Đối với lao động trẻ, nhất là sinh viên, việc làm thời vụ dịp cuối năm không chỉ đem lại thu nhập mà còn là cơ hội để làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Bạn Nguyễn Thị Kim Phượng-Nhân viên thời vụ tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku-chia sẻ: “Khi làm việc tại đây, em học được cách thực hiện công việc theo quy trình rõ ràng, làm việc có kế hoạch và tuân thủ kỷ luật về thời gian. Đặc biệt, ở vị trí nhân viên bán hàng, em còn rèn luyện được kỹ năng giao tiếp và thuyết phục khách hàng.

Bên cạnh đó, em còn hiểu thêm về cách quản lý hàng hóa, chăm sóc khách hàng và tầm quan trọng của thái độ phục vụ trong ngành bán lẻ. Công việc này cũng nhẹ nhàng, phù hợp với sức sáng tạo, linh hoạt của người trẻ. Đây là cơ hội tốt để em trau dồi kinh nghiệm làm việc cho bản thân”.

ban-kim-phuong-tranh-thu-kiem-them-thu-nhap-tu-cong-viec-thoi-vu-dip-cuoi-nam-anh-hoang-hoai.jpg
Bạn Nguyễn Thị Kim Phượng tranh thủ kiếm thêm thu nhập từ công việc thời vụ dịp cuối năm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: H.H

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, năm 2024, toàn tỉnh có 3.889 người được giới thiệu việc làm, gồm: 614 lao động dân tộc thiểu số, 1.766 lao động đã qua đào tạo và 2.123 lao động phổ thông (vượt 2,3% so với kế hoạch đề ra). Đồng thời, đơn vị cũng cung ứng thành công 1.250 lao động cho các doanh nghiệp, trong đó khoảng 55% lao động là thanh niên.

Ở một góc nhìn khác, bạn Trần Thanh Tiên (19 tuổi, trú tại làng Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho biết: “Em đang làm việc thời vụ tại một quán ăn trên đường bờ kè thuộc phường Hội Phú, TP. Pleiku. Em thường tranh thủ thời gian rảnh để làm thêm, nhất là vào các dịp lễ, Tết khi mức lương được trả cao gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Nhờ đó, em có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt và học tập mà không phải xin tiền gia đình”.

Bạn Trần Thanh Tiên chia sẻ thêm: “Dù công việc phục vụ hiện tại không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự tập trung, khéo léo và khả năng giao tiếp tốt. Nhờ đó, em học được cách quan sát nhu cầu của khách hàng, ứng xử linh hoạt và làm hài lòng nhiều đối tượng khác nhau. Đây cũng là cơ hội để em rèn luyện sự tự tin và kỹ năng làm việc nhóm, những điều rất cần thiết cho công việc tương lai của mình”.

Ngoài những lợi ích trực tiếp mà lao động trẻ nhận được, từ góc nhìn của các doanh nghiệp, việc làm thời vụ cũng mở ra cơ hội để người trẻ thể hiện bản thân và được ghi nhận.

Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku nhìn nhận: “Nhiều bạn trẻ sau thời gian làm việc thời vụ ngắn hạn đã chứng minh được năng lực và được chúng tôi giữ lại làm nhân viên chính thức. Đây là cơ hội tốt để các bạn tự tin bước vào thị trường lao động và phát triển bản thân”.

doanh-nghiep-khat-nhan-su-thoi-vu-dip-tet-nguyen-dan-at-ty-2025-anh-hoang-hoai.jpg
Doanh nghiệp khát nhân sự thời vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Ảnh: Hoàng Hoài

Tuy vậy, thực tế cho thấy, lao động trẻ tại Gia Lai vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp. Một phần bởi người lao động ở vùng sâu, vùng xa không nắm bắt thông tin tuyển dụng kịp thời, phần nữa do chưa có kỹ năng mềm và kinh nghiệm cần thiết.

Để tháo gỡ nút thắt cho lao động trẻ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với phòng lao động-thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp đến từng thôn, làng để tuyển dụng lao động.

Đồng thời, thông qua các phiên giao dịch việc làm, cung cấp đầy đủ thông tin để lao động trẻ, nhất là lao động người dân tộc thiểu số có sự lựa chọn công việc phù hợp với năng lực của mình. Đây chính là tiền đề để họ có thể tìm kiếm các cơ hội việc làm dài hạn, ổn định hơn trong tương lai.

“Chúng tôi luôn xem việc làm thời vụ là bước đệm quan trọng để lao động trẻ rèn luyện kỹ năng và thái độ làm việc. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm, kết nối thêm nhiều doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp”-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

(GLO)- “Học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc” là chủ đề Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai vừa được Tỉnh Đoàn tổ chức. 10 dự án tiêu biểu đến từ các trường THPT cho thấy sự am hiểu của học sinh về lịch sử-văn hóa dân tộc.

Độc đáo món ăn không gia vị của người Jrai

Độc đáo món ăn không gia vị của người Jrai

(GLO)- Từ những nguyên liệu “cây nhà lá vườn”, người Jrai khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai đã chế biến thành món ăn thập cẩm đạm bạc. Dù không nêm nếm bất cứ gia vị nào, song món ăn này lại đậm đà hương vị ẩm thực đặc trưng của người Jrai.

Chàng trai 9X đam mê vẽ tranh truyền thần

Chàng trai 9X đam mê vẽ tranh truyền thần

(GLO)- Sinh ra trong gia đình không có truyền thống về nghệ thuật nhưng anh Phạm Thanh Lâm (SN 1992, thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã quyết định theo đuổi đam mê hội họa. Anh đã bộc lộ tài năng với tranh truyền thần và được nhiều người đón nhận.