Vì đâu rừng Lâm Đồng tan hoang ?: 'Núp bóng' dự án trồng cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bảo Lâm là một trong những địa bàn trọng điểm của Lâm Đồng có diện tích rừng tự nhiên với khối lượng gỗ quý rất lớn. Tuy nhiên, hàng ngàn héc ta rừng đã bị triệt hạ bởi những dự án trồng cao su...
Cây rừng cổ thụ ở H.Bảo Lâm bị triệt hạ để trồng cao su
Cây rừng cổ thụ ở H.Bảo Lâm bị triệt hạ để trồng cao su
Theo hồ sơ mà PV Thanh Niên thu thập được, tính đến năm 2019, có 31/53 dự án (DA) đăng ký đã được tỉnh Lâm Đồng cho phép chuyển rừng tự nhiên sang trồng cao su trên toàn địa bàn tỉnh, trong đó chỉ riêng địa bàn 2 xã Lộc Bắc, Lộc Bảo (H.Bảo Lâm) đã có tới 16 DA được thuê và giao hơn 9.880 ha rừng và đất rừng, bao gồm 4.381 ha rừng được cấp phép khai thác tận thu lâm sản. Đến tháng 5.2020, tổng diện tích cây cao su trên địa bàn H.Bảo Lâm chỉ khoảng 3.510 ha, nhưng hầu hết diện tích rừng tự nhiên được cấp phép tận thu gỗ đã bị khai thác hết.
Trên thực tế, khi có được giấy phép triển khai DA, nhiều chủ đầu tư trồng cao su đã tự tung tự tác triệt hạ rừng lấy gỗ bán, hoặc sang nhượng quyền khai thác gỗ rừng. Có đến 35 vụ phá rừng trái pháp luật, khai thác rừng trái phép tại các DA trồng cao su ở H.Bảo Lâm. Tiếp xúc với PV, nhiều người dân địa phương bức xúc: “Có hàng ngàn héc ta rừng tự nhiên đã bị triệt hạ trắng để lấy gỗ, bỏ lại đất trống đồi trọc, gây ra quá nhiều hệ lụy về môi trường”.
Bãi gỗ tang vật của đại án phá rừng trái phép tại Công ty Lộc Bắc ẢNH: LÂM VIÊN
Bãi gỗ tang vật của đại án phá rừng trái phép tại Công ty Lộc Bắc ẢNH: LÂM VIÊN
“Đi ngược” chỉ thị của Thủ tướng
Trong số các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác tận thu lâm sản để trồng cao su ở H.Bảo Lâm, có Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bắc (Công ty Lộc Bắc) trực thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 27.9.2011, Thủ tướng có Chỉ thị 1685 (hiện vẫn còn hiệu lực thi hành) yêu cầu các địa phương “tạm dừng cho phép khảo sát, phê duyệt các DA mới đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên đến khi hoàn thành rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện các DA trên địa bàn, báo cáo Bộ NN-PTNT để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Tuy nhiên, điều rất bất thường là từ năm 2013 đến tháng 4.2016, dự án của Công ty Lộc Bắc trồng cao su tại 2 xã Lộc Bắc và Lộc Bảo lại được Sở NN-PTNT Lâm Đồng 4 lần cấp phép khai thác gỗ trên diện tích hơn 207 ha rừng. Hồ sơ cấp phép cho rằng đây là rừng tự nhiên “nghèo”, nhưng hồ sơ thiết kế và kiểm kê rừng lại thể hiện trong 207 ha rừng có trên 15.143 m3 gỗ. Riêng giấy phép khai thác tận thu lâm sản cấp cho Công ty Lộc Bắc (lần 4) vào tháng 4.2016 có diện tích hơn 75 ha cũng có trữ lượng gỗ lên đến hơn 3.500 m3. Sau khi được cấp phép, Công ty Lộc Bắc đã “hợp tác” với Công ty TNHH Thành Chí (DNTN ở TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) khai thác trắng số gỗ rừng tự nhiên trên.
Theo Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ NN-PTNT), việc tỉnh Lâm Đồng cấp phép khai thác tận thu lâm sản để trồng cao su là trái Chỉ thị 1685 của Thủ tướng. Mặt khác, tỉnh cấp phép khi chưa có đánh giá tác động môi trường là vi phạm Nghị định số 29 (năm 2011) và Nghị định 18 (năm 2015) của Chính phủ.

Trụ sở Công ty Lộc Bắc
Trụ sở Công ty Lộc Bắc
Cũng theo viện này, trong số hơn 207 ha rừng mà tỉnh Lâm Đồng cho phép Công ty Lộc Bắc khai thác tận thu gỗ để trồng cao su có 3 tiểu khu không đủ tiêu chuẩn về thổ nhưỡng, 6 tiểu khu không đủ tiêu chuẩn về khí hậu, nhiệt độ để trồng cao su, nhưng tỉnh Lâm Đồng vẫn phê duyệt DA, là làm trái với Thông tư 58 của Bộ NN-PTNT ngày 9.9.2009. Công ty Lộc Bắc cũng không lập hồ sơ DA gửi Sở KH-ĐT để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định; không chủ động nguồn vốn mà hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Thành Chí khai thác rừng và trồng cao su, là trái với chủ trương của UBND tỉnh Lâm Đồng tại Văn bản số 738/UBND-LN ngày 15.2.2011.
Nghiêm trọng hơn, sau khi vào cuộc, Bộ Công an phát hiện trong Văn bản số 6690/UBND-LN do ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ký ngày 27.11.2012 gửi Bộ NN-PTNT báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị 1685 của Thủ tướng không đề cập DA trồng cao su của Công ty Lộc Bắc. Bộ Công an khẳng định, việc UBND tỉnh Lâm Đồng không đưa vào danh sách báo cáo T.Ư mà vẫn tiếp tục cho phép Công ty Lộc Bắc làm các thủ tục thực hiện DA là “thiếu trung thực, vi phạm Chỉ thị 1685”.
Bất thường “đại án” phá rừng
Theo phản ánh của nhiều người dân địa phương, tại các khu vực mà Công ty Lộc Bắc được khai thác rừng tự nhiên để trồng cao su trước đây là rừng dổi, bằng lăng, kiền kiền nguyên sinh… (thuộc nhóm 2, gỗ quý); có những cây 2 người ôm không hết, cao hàng chục mét cũng bị triệt hạ để… trồng cao su.
Còn theo ghi nhận của PV, hiện cách trụ sở UBND xã Lộc Bảo khoảng vài trăm mét có một bãi đất chứa hàng ngàn mét khối gỗ các loại, đa phần là gỗ dổi và bằng lăng… và đang có dấu hiệu bị mục. Một cán bộ H.Bảo Lâm từng tham gia đoàn kiểm tra vào thời điểm 2017 cho biết đó là tang vật trong phi vụ mà Công ty Lộc Bắc “hợp tác” với Công ty TNHH Thành Chí khai thác trên 15.000 cây rừng tự nhiên trái pháp luật. “Bãi gỗ này dù bị mục nhưng vẫn phải chi hàng trăm triệu đồng để canh giữ, bảo quản vì đây là một phần tang chứng, vật chứng của đại án phá rừng trồng cao su”, vị cán bộ này cho biết thêm.
Năm 2016, qua đơn tố giác, Bộ Công an cử lực lượng vào phối hợp các cơ quan chức năng H.Bảo Lâm và tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, khám nghiệm hiện trường vụ Công ty Lộc Bắc phá rừng trái pháp luật để trồng cao su. Thời điểm đó, mỗi ngày có khoảng 40 người chia làm 3 tổ đi khám nghiệm hiện trường, đo đếm, thống kê cây rừng bị triệt hạ. Việc khám nghiệm kéo dài hơn 3 tháng vì cây rừng bị triệt hạ quá nhiều.
Nghi vấn về sự “chống lưng” từ phía cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng lại được dư luận bức xúc đặt ra, bởi từ năm 2017, Bộ Công an chuyển hồ sơ vụ “đại án” này cho Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp tục làm rõ để khởi tố, nhưng phải đến đầu năm 2020, sau nhiều lần Bộ Công an nhắc nhở, Cơ quan CSĐT (PC01) Công an tỉnh Lâm Đồng mới khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý rừng”.
Tiếp đó, tháng 2.2020, PC01 khởi tố 3 bị can: Lê Văn Minh (nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT), Lê Quang Nghiệp (Phó phòng Tổ chức Sở NN-PTNT, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp) và Mai Hữu Chanh (Giám đốc Công ty Lộc Bắc). Cả 3 đều được cho tại ngoại, khi bị khởi tố đều không bị khám xét nơi ở và nơi làm việc… Điều này khiến dư luận không khỏi thắc mắc phải chăng việc khởi tố các bị can này chỉ để “đối phó” với dư luận và các cơ quan T.Ư? (còn tiếp)
Ngày 24.5, ông Lê Quang Nghiệp xác nhận với PV Thanh Niên ông chỉ nhận được quyết định khởi tố bị can từ PC01. Ngày PC01 tống đạt quyết định khởi tố bị can, ông không hề bị khám xét nơi ở, nơi làm việc và vẫn đến cơ quan làm việc bình thường.
Cùng ngày, PV liên hệ ông Phạm Xuân Thủy, Trưởng PC01 Công an tỉnh Lâm Đồng, hỏi lý do khi tống đạt quyết định khởi tố đối với 3 bị can Minh, Nghiệp và Chanh cơ quan này không khám xét nơi ở và nơi làm việc của họ, thì ông Thủy từ chối trả lời.
Khi PV đặt vấn đề vì sao vụ “đại án cao su” được Bộ Công an chuyển cho Công an tỉnh Lâm Đồng từ năm 2017, nhưng đến năm 2020 mới khởi tố vụ án và khởi tố bị can, ông Đinh Xuân Huy, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết ông mới từ Cảnh sát PCCC Lâm Đồng về làm Phó giám đốc Công an tỉnh khi 2 cơ quan này được sáp nhập nên không nắm rõ.
Trong khi đó, Giám đốc và Phó giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận vụ “đại án” này từ Bộ Công an đều đã nghỉ hưu...
Theo Lâm Viên - Gia Bình (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Thành phố Buôn Ma Thuột sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025

Thành phố Buôn Ma Thuột sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025

Sáng 30/10, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1193 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Ngày 25/10, theo thông tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng, chiều 21/10, nhận tin báo từ người dân có ô tô rơi xuống vực trên đèo Bảo Lộc, Công an TP Bảo Lộc phối hợp với các lực lượng thuộc Công an tỉnh lập tức triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn, điều tiết giao thông và điều tra nguyên nhân.