(GLO)- Ngày đi học, khi nghe những vần thơ về mũi Cà Mau, tôi tưởng tượng ra một nơi thật xa xôi, một vùng đất ngoài tầm bước chân. Rồi những ngày đi làm, có dịp đi đây đó, tôi vẫn khao khát được tới thăm Đất Mũi-nơi đánh dấu chủ quyền thiêng liêng như là điểm cực Nam của Tổ quốc-để nhìn ngắm và cảm nhận một phần “máu thịt” của đất nước mình.
Đường đến Đất Mũi quả diệu vợi. Xe ô tô theo quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Cà Mau đi Đất Mũi, đến thị trấn Năm Căn là dứt đường. Nhìn trên bản đồ, Năm Căn thật nhỏ bé. Sợi chỉ đen đường bộ dừng lại trước bờ sông Cửa Lớn, tiếp nối là vô số những sợi chỉ nhỏ màu xanh chằng chịt đổ ra phía biển. Chúng tôi tiếp tục hành trình bằng một chiếc ca-nô cao tốc để ra với Đất Mũi.
Các hoạt động diễn ra trên ghe, thuyền vỏ lãi. Ảnh: B.N |
Ca-nô vẹt nước lướt ào ào trên con sông Cửa Lớn, một con kinh dài 58 km, rộng 600 mét lúc nào cũng khiến người đi ca-nô hay tàu cao tốc lo âu với sự mênh mông của nó. Có lẽ sông Cửa Lớn là con sông duy nhất ở Việt Nam nối hai vùng biển: ra biển Đông ở cửa Bồ Đề và biển Tây ở cửa Mũi Ông Trang, gần mũi Cà Mau. Dù nối hai biển Đông và Tây nhưng Cửa Lớn là con sông nước lợ vì có ba con sông nhỏ (sông Đầm Dơi, sông Đầm Cùng và sông Cái Ngang) đổ nước ngọt vào. Dọc sông Cửa Lớn ngư dân khai thác thủy sản nước lợ nên tàu thuyền phải lướt qua nhiều hàng đáy cắm trên sông. Đáy cắm được hình thành ở những đoạn nước sâu vừa phải. Người ta dùng gỗ cây kè lớn, dài trên 30m, cắm sâu xuống lòng sông, giăng thành hàng ngang rồi dùng dây néo vào nhau. Khi nước ròng thì thả lưới bắt tôm, cá. Những người khai thác thủy hải sản từ những hàng đáy này đều đóng thuế cho nhà nước và tuân thủ nghiêm ngặt việc đánh bắt bền vững, không đánh bắt vào mùa chúng sinh sản.
Những hàng đáy trên sông Cửa Lớn. Ảnh: B.N |
Sông Cửa Lớn từ Năm Căn đến mũi Cà Mau nước chảy rất mạnh và nguy hiểm. Nước trong xanh. Chẳng thấy đám lục bình nào trôi dạt như đặc trưng sông nước miền Tây. Ca-nô vượt qua những địa danh lạ lẫm như sông Ông Linh, biển Cá Mòi... Rồi rừng đước dày đặc trải ra trước mắt. Vậy là đã tới Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.
Đặc trưng của đất mũi Cà Mau là nhà dân sống ven theo hoặc bao quanh hệ thống sông ngòi chằng chịt. Men theo kênh rạch dẫn lối vào Đất Mũi những xóm, ấp mải miết hai bên bờ sông, tấp nập người sinh hoạt, làm ăn. Nơi đây vẫn còn nguyên nét hoang sơ, khi tất cả các hoạt động giao thương, liên lạc, đi lại diễn ra trên những chiếc ghe, thuyền vỏ lãi.
Rừng đước mũi Cà Mau xanh um, được người ta ví là “tấm áo choàng xanh bao quanh mũi Cà Mau” với hàng trăm cây số toàn mắm, đước, sú, vẹt... Người địa phương có câu: “Mắm đi trước, đước theo sau, tràm theo sát”. Cây đước là linh hồn của rừng ngập mặn Cà Mau. Cây đước, cây mắm mọc trên bãi bồi để giữ cho đất rắn dần và cứ thế hàng năm phần đất mũi này không ngừng được lưu giữ, bồi đắp và tiến thẳng ra biển lớn bởi lưu lượng phù sa tích tụ lại.
Mũi Cà Mau có không khí mát mẻ, thanh sạch. Ảnh: B.N |
Mũi Cà Mau không khí mát mẻ, thanh sạch. Đứng trên đài quan sát cao 21 mét với 54 bậc thang tượng trưng cho 54 dân tộc anh em ở Đất Mũi chúng tôi ngắm nhìn toàn cảnh mũi đất thiêng liêng của Tổ quốc. Bên trái, thấp thoáng trong rừng đước là hàng trăm nóc nhà ngư dân xóm Mũi. Biển Đông bao la bị che chắn bởi Hòn Khoai nổi tiếng, cách chừng 15 hải lý. Đây là cụm đảo đẹp gồm Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Khô, Hòn Đồi Mồi... Hòn Khoai lớn nhất (rộng 4 cây số vuông) và cao nhất (318 mét), là nơi có ngọn hải đăng quan trọng của khu vực biển Đông và vịnh Thái Lan. Nhìn bên phải, mũi Cà Mau “như một mũi thuyền” vươn ra giữa bao la xanh của rừng đước và vịnh Thái Lan. Vì là nơi giáp mặt biển cả hai phía Đông và Tây nên mũi Cà Mau là nơi mỗi ngày người ta đều có dịp chứng kiến cảnh mặt trời mọc và lặn trên biển.
Đâu chỉ có vậy. Ba mặt giáp biển, mũi Cà Mau là nơi tiếp giáp của hai dòng hải lưu Bắc-Nam và Tây-Nam với hai chế độ thủy triều khác nhau, tạo nên một vùng lắng đọng phù sa rộng lớn hàng chục ngàn ha. Mỗi năm đất lấn ra biển hàng trăm thước. Điều này thấy rõ những khi thủy triều xuống bãi bồi hiện ra, dài hàng 4-5 cây số.
Nhà dân sống ven theo hệ thống sông ngòi chằng chịt. Ảnh: B.N |
Đất Mũi cũng chính là nơi đặt mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 (cây số 0). Được xây dựng vào tháng 1 năm 1995, đây là một cột mốc lớn, được xây dựng rất đẹp, có hình dạng ngôi sao sáu cánh ở giữa có một cái lỗ hình vuông là tâm của cột mốc. Tại đây cũng có một biểu trưng của Đất Mũi Cà Mau đó là tượng đại mang hình ảnh một con tàu đang vươn mình ra biển lớn với lá cờ Tổ quốc trên nóc tàu tung bay trước gió. Chúng tôi đến tham quan nơi đây, ai cũng muốn cùng nhau chụp ảnh, được ghi lại một vị trí thiêng liêng của Tổ quốc.
Cà Mau, miền đất dường như khiến người ta đến một lần là không thể quên, nhưng ký ức về Cà Mau lại chẳng cụ thể về một con người, một cảnh vật nào cả mà chỉ có cảm xúc vẹn nguyên về cái tên Đất Mũi. “Tổ quốc tôi như một con tàu. Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”, từ nơi này, theo từng nhịp sóng vỗ, Tổ quốc ta đang ngày một vươn xa hơn, rộng hơn về phía biển cả.
Bích Nga