(GLO)- Bỗng dưng tôi nhớ câu ca dao đã thuộc nằm lòng từ thuở bé: “Đói lòng ăn nửa trái sim/Uống lưng bát nước, đi tìm người thương”. Thế là vù xe lên “vương quốc sim” của vùng Bắc Tây Nguyên.
1. Không biết do thổ nhưỡng, khí hậu thế nào mà miền đất Đông Trường Sơn này lại sở hữu một bạt ngàn sim hoang dại kéo dài từ đầu đèo Măng Đen đến tận đầu đèo Viôlắc, khoảng chừng 30 cây số dọc theo quốc lộ 24. Ngang qua cung đường này vào cữ đầu hạ, màu tím phớt của sim chen lẫn màu tím thắm của hoa mua giăng khắp rừng đồi.
Ảnh minh họa (nguồn: internet) |
Cây sim thân thuộc, gần gũi với người bản địa Măng Đen, nhất là với trẻ em. Buổi tan trường, dọc đường về, trẻ em Mơ Nâm, Ka Dong, HRê xúm nhau hái lá sim chơi trò ông trâu. Chọn một lá sim to, xé lá dọc theo cọng cuống thành 2 mảnh, rồi cuốn chụm 2 mảnh lá lại ôm tròn như một ống bơ, lấy một loài dây thân cỏ buộc cùm lại, tiếp đó buộc 1 sợi dây chỉ mang sẵn vào đầu cuống lá, luồn dây chỉ thông qua giữa ruột ống lá; khi kéo vào 2 mảnh lá bạnh ra bên ngoài trông như đôi sừng trâu. Cứ thế, kéo dây qua lại liên tục, lúc này chiếc lá sim đã hiện hình mặt một con trâu, gồm có đủ sừng và mõm. “Trâu lá sim” là tác phẩm nghệ thuật của trẻ em nơi miền sơn dã, rất khéo léo và sáng tạo.
Sim trổ hoa vào khoảng cuối tháng 3, đến tháng 5 thì hoa đậu quả, đến tháng 7 trái chín. Vào lúc này, một vùng thắng cảnh thiên nhiên mang vẻ đẹp trời cho của Măng Đen được điểm xuyết thêm những vạt đồi hoa sim tím ngát. Hoa sim có 2 gam màu chủ đạo là trắng phớt và tím hồng. Đi trên mỗi cung đường nơi đây vào mùa này, mọi người khó có thể rời mắt khỏi sự tung tẩy của những cánh hoa sim đang đón ánh trời và rung rinh theo làn gió nhẹ giữa đại ngàn xanh thắm. Vẻ bình dị của hoa sim mang lại cảm giác an lành, thanh tịnh lòng người. Sim không ở những nơi sâu thẳm rừng già mà cùng với người anh em của nó là cây hoa mua lại rủ nhau “cộng cư” ở những khoảng trống thoáng ven đồi, nơi tiếp giáp những chân rừng xa xanh.
Lại nói chuyện về trái sim. Trái sim bầu bĩnh, tròn mọng, luôn biến đổi màu sắc: từ màu xanh non mỏng mảnh đến vàng sẫm sắc tơ vàng, rồi chuyển sang tím sậm. Đầu tháng 7, cả một mùa sim ập về làm xôn xao Măng Đen. Thấp thoáng bên đồi sim, những cô cậu học trò gặp mùa nghỉ hè rủ nhau tung tăng hái quả giúp gia đình bán cho thương lái ủ rượu vang. Đã có mấy cơ sở chế biến rượu sim tại đây, đưa cái tên “Vang sim Măng Đen” trở thành thương hiệu có tiếng trên thị trường.
2. Ở nước ta nơi nào chả có sim, nhưng sim ở miệt rừng Đông Trường Sơn này mọc thành quần thể lớn. Hoa sim không rực rỡ, đài các như những loài hoa khác, cũng không là thứ có sức thu hút mọi người nhưng lại mang đến nhiều cảm hứng thơ ca nhạc họa xưa nay. Bài thơ “Màu tím hoa sim”của Hữu Loan có lẽ mãi không phai trong trí nhớ mọi người. Màu tím ấy níu con người vào hoài niệm, mộng mơ… Ca khúc “Hoa sim biên giới” của nhạc sĩ Quang Minh khiến mọi người thả hồn vào thế giới tuổi học trò: “Hoa sim, hoa sim ta yêu từ ấu thơ, trong trang sách học trò, trong những câu hẹn hò… Hoa sim, hoa sim nơi đây dù bão giông không phai màu trong ta. Sắc lá vẫn xanh, cánh tím nhớ mong, hoa sim ơi, màu sắc quê hương, ơi màu sắc yêu thương…”.
Vài tháng trước, khi Tây Nguyên vào mùa nóng bức, chúng tôi về Măng Đen hưởng không khí mát lành và ngắm nhìn sim nở. Giờ đây, chúng tôi lại về đây để thưởng thức, nhâm nhi ly rượu vang sim thơm nồng, đậm vị cao nguyên.
Và để cho thơ ca nhạc họa ùa vào lòng mình thư thái…
TẠ VĂN SỸ