Văn hóa doanh nghiệp là sức mạnh mềm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Làm thế nào để văn hóa doanh nhân quyết định văn hóa doanh nghiệp (DN), vai trò của DN gia đình và vấn đề kế nghiệp là những vấn đề được các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn kết nối đầu tư và vai trò kinh tế tư nhân trong hội nhập quốc tế do Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai phối hợp với Hội đồng DN gia đình Việt Nam tổ chức ngày 14-4 tại TP. Pleiku.

Cần xây dựng văn hóa DN

Chia sẻ về vấn đề xây dựng văn hóa DN, ông Hoàng Bình Quân-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam-cho rằng: Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta bước vào một sân chơi lớn hơn với những đối thủ lớn. Việt Nam là một nền kinh tế mở nhất trong ASEAN khi đã ký kết tới 15 hiệp định thương mại tự do đang hiệu lực. Ngay khi bước vào cuộc chơi lớn, DN cần nhận thức văn hóa DN và văn hóa doanh nhân là sức mạnh mềm, là yếu tố có tính nền tảng để phát triển.

Trên thực tế, các DN đa phần là nhỏ và siêu nhỏ, bấy lâu nay kinh doanh chưa chú trọng đến vấn đề xây dựng văn hóa DN, chưa nhận ra được hết giá trị của nó. Vì vậy, nếu DN không coi yếu tố văn hóa là nền tảng thì khó có thể chịu đựng được trước các đợt sóng sâu của thương trường và thị trường.

Các doanh nhân và diễn giả trao đổi những vấn đề về văn hóa DN và vai trò của DN gia đình. Ảnh: Vũ Thảo

Các doanh nhân và diễn giả trao đổi những vấn đề về văn hóa DN và vai trò của DN gia đình. Ảnh: Vũ Thảo

Cũng theo Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, người Nhật mất nhiều trăm năm để xây dựng văn hóa kinh doanh hay nói cách khác là thương hiệu kinh doanh của người Nhật. Đã nói đến người Nhật là nói đến sự tỉ mỉ, chỉn chu nên hàng hóa sản xuất tại Nhật Bản, đặc biệt là hàng nội địa được người tiêu dùng đặt niềm tin rất lớn mà không hề băn khoăn về giá cả. Đó là giá trị văn hóa của họ. Từ đó để thấy rằng, trong việc xây dựng văn hóa DN, chúng ta còn nhiều hạn chế.

Ông Hoàng Bình Quân chia sẻ thêm: Quá trình xây dựng văn hóa DN hiện chỉ đang dừng ở mức độ hiểu về văn hóa DN qua việc thể hiện logo, slogan, đồng phục, quy chuẩn, thái độ của nhân viên… Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ và là phần nổi, chiếm khoảng 30% trong nội hàm của văn hóa DN. Bởi văn hóa DN được cấu thành từ các yếu tố: triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, ứng xử DN, tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược, chuẩn hóa…

Trong đó, văn hóa DN và văn hóa doanh nhân là yếu tố quan trọng nhất được DN lựa chọn, vận hành và biểu hiện nó trong hoạt động kinh doanh để tạo nên một bản sắc kinh doanh riêng, từ đó tạo nên niềm tin, đạo đức và giá trị cốt lõi của DN. Hay nói cách khác, văn hóa DN là những gì mà nó đem lại sau khi những thứ khác có thể lấp đi, đó là niềm tin, giá trị, cảm xúc cho khách hàng. Văn hóa là cái của riêng mỗi DN, là nguồn lực vô hình. Càng hội nhập sâu rộng bao nhiêu thì DN càng cần phải hoàn thiện bấy nhiêu văn hóa doanh nhân và văn hóa DN.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic-thông tin: “Trong hành trình phát triển DN của mình, tôi còn rất nhiều trăn trở. Ví dụ như nói về văn hóa DN, nếu chúng ta không xây dựng văn hóa doanh nhân cho bản thân mình thì dễ dẫn đến sự không chuẩn hóa và lâu dần thì văn hóa DN sẽ lệch lạc. Với DN của mình, tôi luôn cố gắng đưa ra những chuẩn mực dựa trên văn hóa được xây dựng theo hướng tích cực để hành động. Văn hóa DN gắn liền với văn hóa của người đứng đầu, là nhân tố xây dựng môi trường có ảnh hưởng lớn nhất đến tất cả thành viên trực thuộc”.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 10-11 hàng năm là Ngày Văn hóa DN Việt Nam. Ngày Văn hóa DN Việt Nam được tổ chức nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa DN; tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về văn hóa DN, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa DN trong cộng đồng DN Việt Nam và trong toàn xã hội; tôn vinh các doanh nhân, DN có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa DN; góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế. Từ đó để thấy rằng, xây dựng và nâng cao văn hóa DN ngày càng khẳng định tầm quan trọng để hướng đến sự phát triển bền vững của DN.

Phát triển mô hình DN gia đình

Trong giai đoạn 2017-2021, số lượng DN đăng ký thành lập mới ở Gia Lai tăng bình quân hàng năm hơn 20% với số vốn đăng ký trung bình đạt 6,5 tỷ đồng/DN. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế được quan tâm đầu tư, phát triển đã tạo điều kiện cho các DN, nhà đầu tư sản xuất kinh doanh. Việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo đã bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN.

Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng khi chiếm đến 47% tổng nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 28.000 lao động, năm 2021 đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 3.100 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 8.677 DN. Mặc dù số lượng DN tăng nhưng quy mô của các DN trên địa bàn chủ yếu là nhỏ, siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế.

Chế biến hạt dưa tại Công ty TNHH một thành viên Thương mại-Dịch vụ Thái Sơn Tây Nguyên. Ảnh: Vũ Thảo

Chế biến hạt dưa tại Công ty TNHH một thành viên Thương mại-Dịch vụ Thái Sơn Tây Nguyên. Ảnh: Vũ Thảo

Trong khu vực kinh tế tư nhân, mô hình DN gia đình là hình thức lâu đời và phổ biến nhất trên thế giới. Theo ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, xu hướng khởi nghiệp đang tạo ra một cộng đồng DN có xuất phát điểm là cá nhân, hộ kinh doanh phát triển lên thành doanh gia. Một điểm tích cực là kinh tế gia đình, kinh tế tư nhân sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm thị trường. Tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, mô hình kinh tế gia đình, kinh tế tư nhân phát triển rất mạnh.

Về vấn đề làm thế nào để phát triển DN gia đình, đào tạo đội ngũ F2 kế nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn-Chủ tịch Hội đồng DN gia đình Việt Nam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái-chia sẻ: Việt Nam hiện có trên 70% DN là DN gia đình. Qua các số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, 100 DN gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP của cả nước. Vì vậy, câu chuyện kế thừa từ các DN gia đình là làm sao để khơi gợi, động viên con cái có khát vọng phát triển DN gia đình.

Việt Nam hiện nay chưa có trung tâm đào tạo người kế nghiệp, trong khi các nước trên thế giới làm rất bài bản trong vấn đề này. Đặc biệt, khi liên doanh, liên kết với nước ngoài thì tính chuyên nghiệp và quốc tế hóa rất cao. Kế nghiệp còn quan trọng hơn cả khởi nghiệp, để các thế hệ sau đứng ra gánh vác trọng trách rất lớn của những DN hàng đầu.

“Hội đồng DN gia đình Việt Nam sẽ liên kết các gia đình doanh nhân tiêu biểu và uy tín nhất trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam nhằm phát huy truyền thống kinh doanh và văn hóa DN, doanh nhân trong mỗi gia đình, qua đó tăng cường mối quan hệ giữa các thành viên của các gia đình doanh nhân cùng nhau phát triển. Hội đồng DN gia đình Việt Nam phấn đấu trong 5 năm tới có 150 thành viên ở khắp mọi miền đất nước tham gia để tạo ra sự hợp tác, liên kết, chia sẻ và tạo ra mô hình chuẩn để các DN gia đình khác có thể tham khảo, thành lập các câu lạc bộ kế nghiệp ở các tỉnh, thành”-ông Đoàn cho hay.

Chia sẻ về vai trò của DN gia đình và vấn đề kế nghiệp gia đình, bà Phan Thị Huyền My-Giám đốc Công ty cổ phần Rượu Trường Sinh Gia Lai-bày tỏ: “Là thế hệ kế nghiệp, khi bước chân vào Công ty, tôi đã tìm tòi, học hỏi rất nhiều và thấu hiểu sự vất vả của gia đình mình trong việc hình thành và xây dựng thương hiệu. Từ đó, đặt trách nhiệm của thế hệ kế nghiệp trong tiến trình xây dựng Công ty ngày một vươn xa”.

Theo đánh giá của Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, khoảng 20% DN gia đình ở Việt Nam làm tương đối tốt việc chuyển giao DN cho thế hệ kế cận. Qua khảo sát và nghiên cứu, ngoài những kiến thức thì cái quan trọng nhất là thế hệ được chuyển giao có niềm tự hào, yêu mến, gắn bó với sự nghiệp đó không. Nếu điều này không được nuôi dưỡng, việc chuyển giao DN giữa các thế hệ trong gia đình sẽ rất khó thực hiện.

Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiến hành khảo sát và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiên phong lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng

(GLO)- Sau khi khảo sát và làm việc với đơn vị chủ rừng, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ trương thí điểm lập dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-12), tại khách sạn Tre Xanh, Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức lớp tập huấn các nội dung của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều hoạt động được Gia Lai triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai thu thập kiến nghị qua Google Form. Ảnh: H.D

Phản ánh kiến nghị, đề xuất qua Google Form, doanh nghiệp còn thờ ơ

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc thu thập, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua ứng dụng Google Form. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ và chưa tận dụng triệt để kênh kết nối nhanh chóng, hiệu quả này