UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo tạm dừng đối với các dự án thủy điện nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo tạm dừng đối với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng như chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Ảnh minh họa. (Nguồn: kttvqg.gov.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: kttvqg.gov.vn)
Sau khi vội cho doanh nghiệp khảo sát, lập hồ sơ đầu tư 5 thủy điện nhỏ vào cuối năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum lại có văn bản số 34/UBND-HTKT ngày 6/1 thể hiện sự thận trọng trong quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo tạm dừng đối với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng như chỉ đạo của Bộ Công Thương trong công văn số 9844/BCT-ĐL ngày 22/12/2020.
Đối với 5 dự án thủy điện ở hai huyện Kon Plông và Kon Rẫy thống nhất chủ trương cho các nhà đầu tư tổ chức khảo sát, lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Công Thương cũng như các đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt tác động của dự án đến môi trường- xã hội, nhất là tác động của dự án đến đời sống dân cư, dự án chiếm dụng đất rừng tự nhiên.
Chỉ tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đảm bảo không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường và không ảnh hưởng lớn đến dân cư; không chiếm dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum giao Sở Công Thương tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh; kiên quyết tham mưu loại bỏ khỏi quy hoạch đối với các dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường; tiếp tục thực hiện chủ trương tạm dừng khảo sát, đánh giá tiềm năng và lập hồ sơ bổ sung các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào quy hoạch.
Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum liên tiếp ra 5 văn bản từ số 4768 đến 4772 về việc chọn chủ đầu tư thực hiện 5 dự án thủy điện trên địa bàn 2 huyện Kon Plông và Kon Rẫy.
Cụ thể, đó là dự án Thủy điện Đăk Pô Nê 4 có công suất 6 MW, được xây dựng trên sông Đăk Pô Nê (thuộc hệ thống sông Đăk Bla) trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy; dự án Thủy điện Đăk Toa có công suất 5 MW, được xây dựng trên sông Đăk A Kôi (nhánh cấp I của sông Đăk Bla thuộc hệ thống sông Sê San) thuộc xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy; dự án Thủy điện Đăk Nghé 3 có công suất 17 MW, được xây dựng trên sông Đăk Snghé (nhánh cấp I của sông Đăk Bla) và suối Đăk Ke (nhánh cấp I của sông Đăk Snghé) thuộc xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy.
Ngoài ra, tại huyện Kon Plông có 2 dự án gồm thủy điện Nước Đao có công suất 20 MW, được xây dựng trên sông Đăk Ring thuộc hệ thống sông Trà Khúc, suối Măn Liu và suối Đăk Xao nhánh I của sông Đăk Ring thuộc xã Đăk Ring và dự án Thủy điện Tà Âu có công suất 12 MW, được xây dựng tại xã Ngọc Tem và Đăk Ring..
Cao Nguyên (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.